Kinh tế

Rộ thông tin Tập đoàn Hưng Thịnh trả lương bằng voucher

Chiều tối 15-2, trên các trang mạng lan truyền thông tin Tập đoàn Hưng Thịnh vừa thông báo về chính sách lương bổng voucher cho cán bộ nhân viên kể từ ngày 1-3.

Theo đó nội dung thông báo này ghi rõ từ ngày 1-3, thu nhập hằng tháng của cán bộ, nhân viên được thanh toán bằng tiền như bình thường hoặc voucher. Cán bộ, nhân viên muốn lãnh lương bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản từ công ty sẽ căn cứ kế hoạch dòng tiền lương thực lãnh và có thể trễ hơn quy định 2-5 tuần làm việc.

Còn nếu cán bộ nhân viên muốn nhận lương voucher thì sẽ nhận 110% nhân tiền lương thực lãnh sau thuế và có khoản trích liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Giá trị voucher là bội số của 100.000 đồng...

Sau thông tin này, phóng viên Báo Người Lao Động liên hệ với một đại diện của Tập đoàn Hưng Thịnh thì người này cho biết Tập đoàn Hưng Thịnh không có bất cứ văn bản nào công bố hay gửi đến nhân viên với nội dung như trên mạng lan truyền. Vì vậy, phía công ty chưa có thông tin nào chính thức từ việc này.

Trao đổi thêm với với một nhân viên làm việc tại công ty thì người này cũng chưa nhận được bất cứ thông báo nào như vậy và theo thông lệ, nếu có thông báo thì gửi qua email cho toàn thể cán bộ, công nhân viên.

Một dự án Tập đoàn Hưng Thịnh đã triển khai tại Bình Định

Thực tế, trong giai đoạn này, bất cứ thông tin nào liên quan đến sự khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản cũng đều được quan tâm và đồn thổi, bình luận.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không có thưởng Tết Quý Mão.

Các doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua dẫn đến thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.

Tác giả: S.Nhung

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP