Trong nước

Sau khi uống rượu bao lâu thì hết nồng độ cồn trong máu, được phép lái xe?

Sau khi luật nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Nhiều người thắc mắc, sau khi uống rượu bao lâu thì trong cơ thể không còn nồng đồ cồn.

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vừa chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Một trong những quy định quan trọng tại luật này là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây.

Quy định trên thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tiễn, nhiều người dân băn khoăn rằng sau khi uống rượu, bia bao lâu thì được phép lái xe, tức sau uống rượu bia bao lâu thì trong máu không còn nồng độ cồn.

Sau khi uống rượu bao lâu thì hết nồng độ cồn trong máu, được phép lái xe?

Về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc chia sẻ với báo An ninh thủ đô, về mặt khoa học, bất kể nồng độ cồn trong máu ở mức nào, kể cả nồng độ thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh. Do đó, tốt nhất là đã uống rượu bia thì không lái xe.

Ethanol hay rượu là một chất độc, gây tổn thương não, nhất là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, nếu uống với lượng lớn, lạm dụng rượu thì rất dễ bị ngộ độc.

Nhưng để trả lời câu hỏi “sau khi uống rượu, bia bao lâu thì nồng độ cồn trong máu không còn, tức được phép lái xe theo quy định của luật?”, bác sĩ Nguyên cho rằng, rất khó để trả lời chính xác.

Thời gian từ lúc uống bia rượu đến lúc cơ thể âm tính với nồng độ cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:

- Lượng rượu, nồng độ rượu tiêu thụ: Người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao. Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.

- Thời điểm uống rượu: Cơ thể càng đói hấp thu rượu càng nhanh. Khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.

- Người uống kéo dài, triền miên, rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn.

- Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.

"Thời gian chuyển hóa nồng độ cồn trong mỗi cơ thể là khác nhau. Vì vậy, không ai biết chắc chắn thời gian bao lâu thì rượu sẽ âm tính trong máu. Người dân phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước, đến tối hôm sau vẫn còn dương tính cồn trong máu và hơi thở”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng chia sẻ với Zing.vn, thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.

Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất từ 1-2 giờ tiếp theo.

Như vậy, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2-3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.

Thông thường, trong các cuộc nhậu, số lượng uống vượt xa con số một đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, người dân cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.

Tác giả: Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP