Trong nước

Sẽ bỏ chế độ 'viên chức suốt đời' từ năm 2020

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức đề nghị bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để khắc phục tình trạng tâm lý viên chức suốt đời.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Theo tờ trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17.4, một trong những đề xuất chính sách mới là bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới.

Theo ông Tân, đề xuất này là thực hiện các nghị quyết của T.Ư khóa XII. Theo đó, tại dự thảo, Chính phủ đề xuất phương án, từ sau khi luật có hiệu lực (dự kiến 1.1.2020), sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “không có vào, có ra” tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Với phương án này, sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).

Để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng đưa ra phương án 2 giữ quy định như hiện hành, đồng thời, bổ sung quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày tại phiên họp cho biết, qua thảo luận, đa số tán thành phương án 1 của Chính phủ vì quy định như vậy tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm.

“Quy định này đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ”, ông Định nói.

Tuy nhiên, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo luật này có hiệu lực. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này của bộ luật Lao động theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật vì theo điều 22 của bộ luật Lao động thì không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra

Bên cạnh đó, theo ông Định, một số ý kiến tán thành phương án 2 vì quy định như vậy tạo tâm lý yên tâm cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), bảo đảm thống nhất với bộ luật Lao động, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu.

Tuy nhiên, theo phương án này cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định liên quan, bảo đảm mạnh mẽ hơn cơ chế có “đóng” có “mở” để đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc (như gắn việc đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn nỗ lực, cố gắng); đồng thời, bảo đảm quyền của người lao động.

Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, hiệu trưởng không còn là công chức

Một đề xuất khác của dự thảo luật là không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức.

Tuy nhiên, ông Tân cho biết, đây là nội dung quan trọng, ảnh hưởng tới số lượng lớn đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Nội vụ thì trên cả nước có xấp xỉ 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu tính trung bình mỗi đơn vị sự nghiệp công lập có 10 người trong bộ máy lãnh đạo, quản lý thì có tới 580.000 người thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự điều chỉnh của luật.

Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu ước tính, bởi vì số lượng lãnh đạo, quản lý được xác định là công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc vào loại hình đơn vị theo quy định tại Nghị định 06 năm 2010 của Chính phủ.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị trên đây của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, theo pháp luật hiện hành, những người thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức nhưng lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập và theo báo cáo của Chính phủ thực tế những người này không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ.

Do đó, để thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng quản lý (công chức) và phân biệt rõ hơn việc quản lý nhà nước với quản trị sự nghiệp công lập thì quy định về đối tượng công chức như dự thảo luật là phù hợp và yêu cầu tại Nghị quyết số 19 của T.Ư.

Tác giả: Lê Hiệp

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP