TS Nguyễn Đình Cung. |
DNNN vẫn chưa thể hoạt động theo thị trường
Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước diễn ra sáng ngày 21/11, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước có nhiều tồn tại không theo cơ chế thị trường.
Đáng lưu ý, ông Cung cho rằng, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doanh mà bị quản lý một cách rất gò bó, ràng buộc, không thể hoạt động theo thị trường. Một trong những biểu hiện rõ nhất là các doanh nghiệp không được tuyển dụng, sử dụng, trả lương cho cán bộ, người lao động theo nguyên tắc thị trường.
"Nếu một cá nhân mà được trả lương 1-1,5 tỷ đồng/năm thì đã xôn xao lên. Tuy nhiên, vấn đề không phải là họ nhận được bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu và cần phải có cơ chế để doanh nghiệp được hoạt động theo nguyên tắc thị trường", ông nói.
Một trong những vấn đề nữa được ông Cung đề cập là một số nguyên tắc hoạt động theo cơ chế thị trường khác như việc công khai minh bạch thông tin còn kém.
"Thời gian qua, ngay cả những nguyên tắc rất đơn giản Chính phủ yêu cầu làm, làm rất dễ, không tốn kém chi phí gì cả mà vẫn mang lại những hiệu quả cải thiện quản trị nhất định, như công khai thông tin, nhưng các DNNN vẫn không làm, hoặc làm rất chậm", ông nói và cho rằng đây thuộc về vấn đề ý thức của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện chủ sở hữu là Nhà nước đang giao cho những người quản lý và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) những chỉ tiêu rất thấp, trong khi đáng lẽ chủ sở hữu không thể chấp nhận một tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi suất đi vay.
Trước thực tế này, ông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng giao các tập đoàn và tổng công ty nhà nước những nhiệm vụ và chỉ tiêu đủ cao, để chỉ những người nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành nhiệm vụ đó thay vì giao những nhiệm vụ bất cứ ai cũng có thể hoàn thành. Như vậy, sẽ gây áp lực cho các chủ sở hữu về việc chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 20-30% hơn là bất cứ doanh nghiệp nào.
“Chúng ta với tư cách chủ sở hữu không thể chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp hơn lãi suất cho vay, mà ít nhất phải cao hơn gấp 2 lần. Điều này sẽ gây áp lực lựa chọn đầu tư, tập trung vào những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, không làm ăn tràn lan”, ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia dẫn chứng, đứng chót trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới có doanh thu 2017 là 24 tỷ USD, nhưng còn 3 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam là Viettel, PVN, EVN mới có doanh thu khoảng 11 tỷ USD. Do đó, Chính phủ cần tập trung vào doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả thì vài năm nữa có một vài doanh nghiệp xếp hạng trong top 500 thế giới.
DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt
Phát biểu khai mạc hội nghị trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh quan điểm về DNNN: “Chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, các địa bàn quan trọng, liên quan tới quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực thiết yếu mà tư nhân không làm, không muốn làm và thoái vốn tại các DNNN đang làm ăn hiệu quả”.
Về tình hình chung, Phó Thủ tướng đánh giá, DNNN vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần tập trung xử lý, giải quyết sớm: Từ những bất cập trong cơ chế, chính sách định giá quyền sử dụng đất trong xác định giá trị doanh nghiệp đến lựa chọn nhà đầu tư; từ hiệu quả sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0; từ tình trạng thất thoát, tham nhũng đến công tác cán bộ…
Theo Phó Thủ tướng, về tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất, trực tiếp liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp và các bộ ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, làm mãi không xong, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài. Chúng ta phải quyết tâm vượt qua tư duy cũ, quyết tâm nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; đây cũng là một nguyên nhân chính cản trở quá trình cơ cấu lại DNNN.
Phó Thủ tướng lưu ý trong bối cảnh quốc tế, trong nước với nhiều biến động khó lường, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên, việc thực hiện các cam kết của các Hiệp định FTA thế hệ mới và tác động của CMCN 4.0… tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững, sống còn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các DNNN nói riêng.
“Chúng ta cần bàn, đưa ra các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương, từng tập đoàn, tổng công ty, DNNN để có nhận thức đúng đắn, giải pháp phù hợp và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí