SLNA đang chứng kiến chuyển đổi thượng tầng lớn nhất trong một thập kỷ qua. Chiều 1/6, Tập đoàn Tân Long thay thế Ngân hàng Bắc Á để trở thành nhà tài trợ mới của đội bóng xứ Nghệ.
Lãnh đạo SLNA khẳng định giữ tên, duy trì bản sắc và có kế hoạch ngắn - trung - dài hạn để đưa một trong những biểu tượng hào hùng của bóng đá Việt Nam trở lại đỉnh cao. 9 năm sau danh hiệu vô địch V-League, SLNA trượt dài. Đội bóng xứ Nghệ có thể trở lại với sự hiện diện của nhà tài trợ mới?
Tập đoàn Tân Long tiếp quản SLNA từ ngày 1/6. |
"Bom tấn" Phan Văn Đức
SLNA có "truyền thống" chảy máu nhân tài mỗi khi các cầu thủ trụ cột đến ngưỡng 25 tuổi và đáo hạn hợp đồng. Quế Ngọc Hải, Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Trọng Hoàng, Hồ Khắc Ngọc, Trần Phi Sơn,... lần lượt chia tay đội chủ sân Vinh, dù rất muốn tiếp tục ở lại cống hiến.
Lò đào tạo SLNA nhận 27 tỷ đồng/năm của tỉnh để đào tạo cầu thủ, nhưng nghịch lý là ở độ tuổi đỉnh cao và đẹp nhất của đời cầu thủ, các ngôi sao xứ Nghệ lại chuyển sang CLB khác. Lý do là SLNA không đủ tiền bạc, tiềm lực để giữ chân trụ cột.
Chia sẻ với báo giới, Quế Ngọc Hải từng nói chi phí giữ chân anh (lương và lót tay) đủ sức giữ lại 6 cầu thủ trẻ khác, nên lãnh đạo đội phải cân nhắc. Trọng Hoàng cũng chờ SLNA đến sát hạn chót kỳ chuyển nhượng, rồi chấp nhận nghỉ nửa mùa giải để sang CLB Viettel vì đội bóng quê hương... hết tiền.
Nguy cơ mất Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh càng lớn khi cả hai sẽ đáo hạn hợp đồng vào cuối năm 2021. Văn Đức đang là ngôi sao tấn công hàng đầu V-League với 5 bàn thắng, chiếm 71% số pha lập công của SLNA ở V-League mùa này. Cầu thủ sinh năm 1996 nhận được lời mời từ ít nhất 3 CLB giàu tiềm lực hơn SLNA.
Văn Đức ở lại SLNA thêm 3 năm. |
Tuy nhiên, Văn Đức quyết định ở lại mới bản hợp đồng trị giá 10,5 tỷ đồng trong 3 năm, nhận lương 60 triệu đồng/tháng. Đó là mức lót tay và lương bổng cầu thủ SLNA trước đây có... mơ cũng không nhận được ở sân Vinh.
Việc "trói chân" thành công Văn Đức chưa thể đảm bảo vé trụ hạng cho SLNA. Không đội bóng nào có thể chỉ dựa vào 1,2 ngôi sao. Dù vậy, giữ Văn Đức đồng nghĩa với viên gạch đầu tiên của thành trì tham vọng mới, cho thấy SLNA sẵn sàng chặn đứng nạn chảy máu nhân tài để giữ tinh túy bóng đá quê hương ở lại CLB.
"Trước khi có buổi lễ bàn giao, chúng tôi đã làm việc để xúc tiến ký hợp đồng với Văn Đức. Sau đó, CLB ký với Xuân Mạnh và đang trong quá trình đàm phán với Văn Hoàng.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ kêu gọi các cầu thủ SLNA ở các CLB khác, nếu họ muốn trở về với đội bóng quê hương, chúng tôi rất sẵn sàng", tân Chủ tịch Trương Sỹ Bá nhấn mạnh.
Cạnh tranh minh bạch và xây dựng nền tảng
"Sau khi tiếp nhận CLB, chúng tôi sẽ có chương trình, kế hoạch rất cụ thể để từng bước đưa SLNA trở về với giá trị truyền thống, ngày càng phát triển theo lộ trình ngắn hạn, dài hạn, chứ không thể ngay lập tức thay đổi", ông Trương Sỹ Bá phát biểu trong lễ chuyển giao.
Trước khi ký hợp đồng với Văn Đức, SLNA đã tiến hành sửa chữa nâng cấp sân Vinh với kinh phí 24 tỷ đồng, trong đó có tu sửa các hạng mục cơ sở vật chất như khán đài, dàn đèn, nhà vệ sinh, đồng thời thay mới mặt có lá kim. Sau buổi lễ ký kết, ban lãnh đạo mới của SLNA cũng cam kết nâng cấp khu nhà ở cho các cầu thủ ở lò trẻ.
SLNA sửa lại sân Vinh. |
Đây là những bước đi bề nổi. Về lâu dài, để trở lại đỉnh cao, SLNA cần đi theo hai hướng đi quan trọng nhất: xây dựng nền tảng đội bóng kết hợp giữa hiện đại, đồng thời giữ được giá trị truyền thống và bản sắc, bên cạnh việc duy trì sức cạnh tranh và hình ảnh minh bạch cho đội một ở V-League.
Trả lời VTC News, một số cá nhân tiêu biểu ở các hội CĐV SLNA mong muốn đội bóng giữ được bản sắc, cá tính của con người Nghệ An. Đó cũng là lời hứa của ông Trương Mạnh Linh, giám đốc điều hành SLNA, trong lễ chuyển giao.
"Ban lãnh đạo mới sẽ nỗ lực hết sức để giữ lại một SLNA giàu bản sắc, giàu truyền thống nhưng cũng thích ứng linh hoạt với bóng đá hiện đại.
Không thể phủ nhận những khó khăn trước mắt, song chúng tôi sẽ đưa SLNA cạnh tranh minh bạch, quyết tâm lấy lại vị thế và lòng tin từ đông đảo cổ động viên nhiệt thành của tỉnh nhà và của cả nước".
Cựu danh thủ bóng đá xứ Nghệ, ông Văn Sỹ Hùng cũng khẳng định: đội 1 là linh hồn của SLNA, nhất định phải tồn tại ở V-League. Như vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp tài trợ cho SLNA là đảm bảo nguồn tiền để nuôi đội bóng.
Đội 1 SLNA giải quyết khúc mắc tiền bạc để yên tâm thi đấu, cống hiến. |
Chia sẻ với VTC News, nguyên giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm khẳng định cầu thủ SLNA nhận lương thấp. Không ít cầu thủ đội một nhận chưa tới 10 triệu đồng/tháng. Do đó, khi có lời mời hấp dẫn hơn về kinh tế, cầu thủ dễ dao động dù muốn ở lại SLNA. Giải quyết được vấn đề "cơm ăn, áo mặc", cầu thủ mới có thể tập trung thi đấu.
Trước khi tiếp quản SLNA, doanh nghiệp mới bị đồn đoán có những mối quan hệ không rõ ràng với chủ sở hữu của một số CLB khác.
Song, nếu doanh nghiệp mới, ban lãnh đạo mới nghiêm túc với dự án phát triển bóng đá Nghệ An và không "đẽo cày giữa đường" như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành trước đây, tập đoàn Tân Long và SLNA có thể chiếm trọn niềm tin từ người hâm mộ.
Nhiệm vụ trước mắt của SLNA trước mắt là trụ hạng. Từ mùa 2022, cuộc cải tổ toàn diện ở đội bóng xứ Nghệ sẽ bắt đầu.
Tác giả: HỒNG NAM
Nguồn tin: vtc.vn