Kinh tế

Số phận 4 dự án hóa chất ngàn tỷ thua lỗ giờ ra sao?

Gánh nặng 4 dự án ngàn tỷ chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả là 'di sản' của giai đoạn trước để lại mà Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang phải tìm cách xử lý. Rất nhiều khó khăn chồng chất và sau 1 năm số phận của 4 đại dự án hiện nay ra sao?

Báo cáo mới nhất của Vinachem về tình hình 4 dự án này cho thấy đã có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất, doanh thu và đặc biệt giảm lỗ đáng kể so với cùng kỳ.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình giảm lỗ 8 tỷ so với quý I năm 2017. Sau thời điểm bi đát phải dừng hoạt động, đến nay nhà máy đã sản xuất trở lại với thời gian chạy máy trong quý I là 57 ngày, phụ tải trung bình hệ thống đối với sản xuất NH3 đạt khoảng 78%, sản xuất ure đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tiêu thụ sản phẩm của thuận lợi khi không còn tồn kho và giá bán tăng.

Tuy nhiên, Đạm Ninh Bình cũng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nguồn vốn lưu động; Tập đoàn Than Khoáng sản không bán than chậm trả mà phải thanh toán ngay khi nhận hàng dẫn đến sản xuất không ổn định, gây lo ngại cho khách hàng khi ký hợp đồng mua sản phẩm.

Sau 1 năm, Đạm Hà Bắc đã giảm lỗ 88,75 tỷ đồng

Tại Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc doanh thu quý I/2018 đạt 687 tỷ, tăng 192 tỷ so với cùng kỳ. Nhờ đó, Đạm Hà Bắc cũng giảm lỗ 88,75 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý I/2018 công ty lỗ hơn 86 tỷ đồng so với kế hoạch lỗ 162 tỷ đồng, giảm lỗ so với Quý I/ 2017 là 88,75 tỷ đồng.

Tại thời điểm hiện tại, Công ty CP DAP – Vinachem cũng giảm lỗ hơn 53 tỷ so với quý I năm 2018. Công ty đã giảm lỗ tới 183 tỷ so với quý I năm 2017. Cụ thể, mức lỗ quý I/2018 chỉ còn 71,17 tỷ đồng so với con số 254 tỷ đồng trong quý I/2017. Đây có thể nói là một sự nỗ lực vượt bậc của công ty trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem, để bước đầu cắt lỗ, các DN phải làm tốt công tác quản trị, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Cân đối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ để không làm tăng tồn kho sản phẩm, tránh ứ đọng vốn. Ông Cường nhấn mạnh, việc tiết giảm chi phí là giải pháp căn cơ được đặt lên hàng đầu.

Cụ thể, tổng tiết giảm chi phí quý I năm 2018 của Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc là hơn 12 tỷ đồng. Công ty CP DAP – Vinachem tiết giảm được gần 11 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về lâu dài, các DN này không chỉ giảm lỗ mà phải làm ăn có lãi. Điều này là 1 thách thức khi các dự án mới thoát khỏi tình trạng bế tắc, thậm chí dừng hoạt động.

Khó khăn nhất vẫn là bài toán về vốn. Để duy trì vốn phục hồi sản xuất, các DN này đang đề nghị được điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức ưu đãi nhất; giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm; khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019…

Bên cạnh đó là chính sách thuế theo quy định mới tại Luật số 71/2014/QH13 đang khiến các DN gặp khó khăn mới. Cụ thể, chính sách thuế này đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hiện tất cả các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem đều phải chịu chi phí thêm từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Hiện nay, các DN đang kiến nghị sửa đổi, đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất từ 0 đến 5% thay cho quy định đang có hiệu lực “không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra” như hiện nay.

Theo định hướng của Vinachem khẳng định, sau khi giải quyết các khó khăn, thua lỗ 4 dự án, các đơn vị hoạt động hiệu quả sẽ tiến hành thoái vốn 100% và cố gắng thực hiện sau năm 2018.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP