Giáo dục

Sớm cho học sinh đăng ký tiêm vắc-xin

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, làm sao để học sinh đều có đầu mối cụ thể để theo dõi sức khỏe

Chiều 12-10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Chấp nhận kéo dài thời gian năm học

Báo cáo buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục, tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục. Tính đến ngày 12-10, cả nước có 23 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 8 tỉnh kết hợp vừa dạy trực tiếp vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 tỉnh, thành phố vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch Covid-19.

Về các giải pháp bù đắp kiến thức cho học sinh khi quay trở lại trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho học sinh. Việc này sẽ tùy thuộc vào tình hình từng địa phương để có cách làm phù hợp. Khi học sinh quay trở lại học trực tiếp thì việc học trực tuyến, qua truyền hình vẫn sẽ tiếp tục là công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức cho học sinh. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng qua truyền hình cho nhiều khối lớp, đặc biệt là lớp 1, lớp 2. Hệ thống bài giảng này sẽ là nguồn học liệu mở được sử dụng để hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh khi các em quay trở lại trường học trực tiếp. "Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh" - bộ trưởng chia sẻ. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định trong việc củng cố kiến thức cho học sinh, vai trò của phụ huynh, gia đình, người thân, xã hội, các tổ chức hỗ trợ... rất quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: NHUNG NGUYỄN

Quý IV: 95% học sinh từ 12-17 tuổi tiêm vắc-xin

Để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết bộ đang sẵn sàng triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi. "Chúng tôi đã tiến hành rà soát trên toàn quốc hiện nay có hơn 8 triệu học sinh lứa tuổi từ 12 đến 17. Số lượng vắc-xin ước tính sẽ tiêm đủ mũi cho số lượng này khoảng 16 triệu liều. Phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm cho trên 95% số đối tượng này đủ 2 mũi" - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Đối với trẻ em từ 3 đến 11 tuổi (khoảng trên 14 triệu em), Bộ Y tế cho biết đang tiếp cận nguồn vắc-xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi bảo đảm điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho nhóm này.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì cùng Sở Y tế rà soát lại các văn bản hướng dẫn về bảo đảm an toàn trường học đã được Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT ban hành; qua đó đánh giá, củng cố và hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục, sẵn sàng mở lại trường đón học sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT cần rà soát kỹ lại lần nữa các quy định bảo đảm an toàn học đường. Phải tổ chức tiêm vắc-xin sớm và thật an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, làm ngay từ bây giờ để sẵn sàng khi có vắc-xin sẽ tiêm nhanh và an toàn nhất cho các cháu.

Trong điều kiện bình thường mới, cần có biện pháp bảo vệ học sinh, nhất là những em chưa được tiêm vắc-xin. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT rà soát lại, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, làm sao để học sinh đều có đầu mối cụ thể để theo dõi sức khỏe. Các em đến trường phải an toàn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng lưu ý việc chăm sóc, giáo dục học sinh toàn diện, đặc biệt là vấn đề tâm lý học đường.

2,2 triệu học sinh cần hỗ trợ thiết bị học tập

Hiện Bộ GD-ĐT nhận được đề xuất nhu cầu máy tính của 56 trong tổng số 63 tỉnh, thành với tổng số hơn 2,2 triệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ thiết bị học tập, trong đó có khoảng 1,25 triệu học sinh tại các địa phương đang triển khai dạy học trực tuyến.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện nay tất cả các điểm cần phủ sóng bảo đảm cho việc dạy học trực tuyến đã được các nhà mạng hoàn thành; đã có đủ nguồn kinh phí cho 1 triệu máy tính nhưng các nhà tài trợ đã và đang thực hiện thủ tục mua sắm máy tính bảo đảm chất lượng cho việc học trực tuyến.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP