Thời điểm trước đây, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, tại các chợ, không khí mua bán rất tấp nập, người mua, kẻ bán thậm chí phải chen lấn, xô đẩy. Đặc biệt ở những chợ trung tâm như chợ Vinh, và các khu chợ truyền thống trên địa bàn người người tất bật với xe đẩy, khuân vác hàng hóa, chỉ cần đến chợ là biết mùa kinh doanh cao điểm Tết đang đến rất gần. Thế nhưng năm nay, theo ông Tô Thanh Nhân - Trưởng Ban quản lý chợ Vinh - hoạt động của chợ đã giảm khoảng 40% so với những năm trước. Đã có nhiều hộ kinh doanh phải sang nhượng lại cửa hàng vì buôn bán khó khăn, một số hộ kinh doanh buôn bán cầm chừng, thậm chí có một số tiểu thương phải đóng cửa do buôn bán thua lỗ.
|
Theo nhận định của các chuyên gia, chợ truyền thống đang mất đi sức cạnh tranh vì nhiều lý do: Thứ nhất, do xu thế tất yếu khi xã hội phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại ngày càng nhiều và đa dạng đã chia nhỏ lượng khách hàng đến chợ. Thứ hai, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng tại các chợ truyền thống, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Thứ ba, khách hàng quay lưng với chợ là do cung cách bán hàng của tiểu thương. Việc niêm yết giá không rõ ràng, nói thách vô tội vạ, chèo kéo, bắt chẹt…; kinh doanh hàng kém chất lượng đã được chấn chỉnh từng bước, song vẫn còn tồn tại khiến người tiêu dùng có tâm lý "ngại" đến chợ. Thứ tư, nhiều chợ truyền thống đã xuống cấp, nhưng đến nay vẫn chưa có những biện pháp nâng cấp, tu sửa hiệu quả…
Từ xu hướng mua hàng của khách, tiểu thương các chợ truyền thống cần đổi mới phương pháp bán hàng, có giải pháp thu hút khách, đúng phương châm" khách hàng là thượng đế".
Bà Mỹ Hà - Trưởng phòng quản lý thương mại - Sở Công Thương Nghệ An - cho biết: Theo quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, sẽ không xây dựng thêm các chợ mới mà tập trung vào hỗ trợ chợ phát triển như đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tập huấn cho ban quản lý và tiểu thương nâng cao kỹ năng quản lý và nghiệp vụ bán hàng. Mặt khác, Sở Công thương Nghệ An đang triển khai Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATVSTP. Mục đích của dự án nhằm góp phần đảm bảo ATVSTP, nâng cao nhận thức của tiểu thương, người tiêu dùng. Đây là cách duy nhất để giúp chợ truyền thống tồn tại và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - cho rằng, cần xác định rõ tầm quan trọng của thương mại, đặc biệt quan tâm phát triển chợ đầu mối. "Chợ đầu mối là nơi gác cổng cho ATVSTP, là cầu nối trực tiếp giữa sản xuất và tiêu dùng" - ông Hùng nhấn mạnh.
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử