|
Trong tổng số 45 máy bay tại Việt Nam được cấp phép hoạt động hàng không chung, chỉ có 8 máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân, số lớn còn lại phục vụ các nhu cầu dịch vụ dàn khoan, bay du lịch, bay khảo sát…
Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, tới nay tất cả máy bay phục vụ cá nhân kể trên đều thuộc sở hữu của các công ty hàng không chung để cho cá nhân thuê, hiện không có cá nhân nào ở Việt Nam sở hữu máy bay riêng.
Trước đó, Việt Nam có một số cá nhân sở hữu máy bay riêng, như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát, ông Trịnh Văn Quyết (thời kỳ làm lãnh đạo FLC)… nhưng đều đã chuyển nhượng.
Beechcraft King Air350 của bầu Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch tập đoàn HAGL được biết là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng (nếu không kể đến ông Trần Trinh Huy, còn gọi là Ba Huy thời kỳ 1930-1940).
Năm 2008, bầu Đức chi khoảng 5 triệu USD mua lại chiếc Beechcraft King Air350, sau đó phải chi thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật... để đưa vào khai thác.
Máy bay của bầu Đức là máy bay phản lực cánh quạt 2 động cơ loại nhỏ, có sức chở tối đa 11 người, được sản xuất bởi Beech Aircraft Corporaton (Mỹ) năm 2005.
Ảnh: Dân trí |
Đường bay chủ yếu của King Air 350 là kết nối từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmmar với tầm bay hơn 2.000 km.
Chiếc King Air350 được bầu Đức “đánh tiếng” sang nhượng từ năm 2013. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã ngỏ ý mua lại để sử dụng vào mục đích bay kiểm tra thiết bị thu - phát sóng trên các đường bay... nhưng sau đó, thương vụ này lại về tay Vietstar Airlines là hãng bay hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung. Giá bán chiếc King Air350 không được tiết lộ.
Năm 2014, người ta thấy bầu Đức đi lại liên tục bằng chiếc máy bay phản lực Legacy600 hạng sang, có cabin với nội thất tiện nghi, sức chứa 13 chỗ ngồi. Nhà chức trách hàng không Việt Nam cho biết, máy bay này được khai thác dưới sự đăng ký của một cá nhân nước ngoài và bầu Đức chỉ là người thuê lại. Sau đó vài năm, chiếc Legacy60 cũng không còn khai thác ở Việt Nam..
Trực thăng 5 triệu USD của tỷ phú Trần Đình Long
Người sở hữu máy bay riêng thứ hai ở Việt Nam là tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát.
Năm 2010, ông Trần Đình Long có đăng ký sở hữu máy bay là chiếc trực thăng EC 135P2i 6 chỗ ngồi. Đây là loại máy bay tầm thấp, không bay được vào đường hàng không, mà bay phía dưới. Do đó, mỗi chuyến bay đều phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
Ông Trần Đình Long đã thuê Công ty dịch vụ bay miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC 135P2i. Giá trị máy bay của đại gia này khoảng 5 triệu USD (tính cả thuế).
Sau một thời gian sử dụng, ông Trần Đình Long đã bán máy bay cho Công ty VinaCopter của Hong Kong. VinaCopter đã có văn bản đề nghị hướng dẫn các thủ tục về thuế vì chưa rõ cá nhân có được phép mua bán máy bay tại Việt Nam hay không, nếu được phép thì phải chịu các loại thuế gì.
Kể từ sau khi bán máy bay EC 135P2i, Cục hàng không Việt Nam đã xoá đăng ký quốc tịch của chiếc máy bay này. Từ đó đến nay ông Trần Đình Long không đăng ký sở hữu máy bay riêng.
Trực thăng của ông Trịnh Văn Quyết
Năm 2014, ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC tuyên bố tập đoàn này sẽ tham gia vào kinh doanh dịch vụ cho thuê trực thăng và du thuyền. FLC mua hai chiếc trực thăng có trị giá trên 1000 tỷ đồng, với tham vọng là hãng đầu tiên tiên khai thác dịch vụ trực thăng bay tới các điểm du lịch mà FLC đang quản lý.
Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào khác thác, nhận thấy dịch vụ sử dụng trực thăng tại Việt Nam còn gặp nhiều bất cập nên ông Trịnh Văn Quyết đã đặt bút ký sang nhượng hai chiếc trực thăng cho đối tác.
Một trong những chiếc trực thăng gắn logo của FLC Group đã được bán cho đối tác. Ảnh: Nhadautu |
Nhìn chung, số tiền phải bỏ ra để sở hữu một chiếc máy bay không hề nhỏ, bao gồm chi phí mua, cải tạo máy bay ban đầu cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng,... định kỳ.
Chẳng hạn, để đưa vào khai thác, ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) còn phải tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật... Thời điểm đó, mỗi tháng, Bầu Đức bỏ khoảng 300 triệu đồng cho chiếc phi cơ riêng.
Ngoài chi phí, thì một nguyên nhân quan trọng là việc sở hữu và khai thác máy bay riêng tại Việt Nam có hạn chế liên quan tới quy định cấp phép bay.
Khi mỗi chuyến của máy bay riêng hay bay khai thác hàng không chung đều phải xin cấp phép riêng. Rào cản thủ tục này khiến hoạt động của máy bay riêng ở Việt Nam chưa phát triển, muốn bay gấp lại phải chờ để đi xin phép cất cánh.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện bộ đã cấp 6 giấy phép kinh doanh hàng không chung cho các công ty cổ phần hàng không: Hải Âu, Hành Tinh Xanh, Bầu Trời Xanh, Lưỡng dụng Ngôi sao việt, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty TNHH Sun Air.
Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải cấp 4 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại, cho các công ty: Vietjet, Hải Âu, HAV Aviation, Trường hàng không New Zealand.
Trong dự thảo báo cáo tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không thường lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài giảm. Thay vào đó, nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân tăng mạnh nhằm phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, thói quen sử dụng máy bay cá nhân dần được hình thành và nhu cầu tiếp tục tăng tại Việt Nam.
Tác giả: Trọng Nghĩa
Nguồn tin: markettimes.vn