Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Liên minh HTX tỉnh; Sở Lao động - Thương binh & Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trường trung cấp nghề KT – CN – TCN tỉnh và các đơn vị liên quan.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Nga |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 2 năm thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả.
Toàn tỉnh đã xây dựng được thêm 14 làng nghề (đạt 100% chỉ tiêu quy hoạch), đưa tổng số làng nghề toàn tỉnh đạt 153 làng nghề. Đồng thời, tạo việc làm cho 5.688 lao động, thu nhập bình quân từ nghề 41 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất từ nghề của các làng đạt 154,178 tỷ đồng; Giá trị thu nhập từ nghề của làng đạt 60,074 tỷ đồng.
Nghề mây tre đan truyền thống ở Nghi Phong, Nghi Lộc. Ảnh: Tư liệu |
Trong hai năm, đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề cho 1.138 người; có 45 giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Malaysia, Úc, Nhật... để tham gia giảng dạy các nghề trọng điểm đạt chuẩn ASEAN.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, các cơ quan quản lý nhà nước đã cùng chỉ ra những tồn tại bất cập trong hai năm thực hiện đề án, cũng như công tác đào tạo nghề cho lao động các làng nghề trong thời gian qua.
Nghề gốm ở Trù Sơn. Ảnh: Tư liệu |
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt đề án, trong hai năm tới, UBND các huyện cần có sự quan tâm sâu sát thực tế và hiệu quả hơn công tác đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là đào tạo các ngành nghề trọng điểm. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy nghề TTCN truyền thống; du nhập thêm những nghề mới và phát triển ngành nghề nông thôn; phấn đấu đến năm 2020, xây dựng thêm được 30 làng nghề.
Đồng chí Đinh Viết Hồng kết luận tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga |
Cùng với đó, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải hoàn thành chỉ tiêu, bình quân mỗi năm đào tạo 8.000 – 9.000 người. Sau đào tạo, 90% lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại các cụm công nghiệp, làng nghề, làng có nghề.
Đồng chí cũng yêu cầu các tổ chức tài chính, tín dụng và hệ thống ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làng nghề tiếp cận được vốn vay, nhất là vốn vay ưu đãi.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nghệ An