|
Để tạo ra tiếng cười “tống cựu nghinh tân”, tức cười để khép lại quá khứ và đón nhận những điều mới mẻ, Táo Quân suốt nhiều năm được ví như một chương trình tổng kết năm thông qua lăng kính trào phúng của nghệ thuật hài.
Từ đó, nhiều vấn đề thời sự nổi bật, gai góc, được dư luận quan tâm, báo chí phản ánh đã xuất hiện trong kịch bản của Táo Quân. Qua 16 năm thực hiện, chương trình đã đề cập đến nhiều sự kiện như chiến dịch “đốt lò”, phòng chống tham nhũng, tình trạng lạm phát, khủng hoảng kinh tế, vấn nạn mãi lộ nhức nhối của cảnh sát giao thông, y đức của ngành y tế hay chạy điểm, bạo lực học đường trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, bên cạnh tinh thần phản biện, trào phúng sâu cay, một phần nội dung chương trình Táo Quân cũng xoay quanh thành tích nổi bật của các ngành. Để rồi, sau cùng nhân vật Ngọc Hoàng sẽ khép lại buổi chầu với tinh thần khích lệ, động viên, đồng hành của các Táo vượt qua những hạn chế còn tồn tại, phát huy thế mạnh và hướng tới tương lai tươi sáng.
Táo Quân 2021 trở lại và tiếp tục được xây dựng với format buổi chầu của các Táo. Hiện, các nghệ sĩ tiết lộ có 4 Táo sẽ xuất hiện, bao gồm Táo Kinh tế, Táo Xã hội, Táo Giáo dục và Táo Y tế. Chất liệu cho báo cáo của các Táo và phản biện từ nhân vật Nam Tào – Bắc Đẩu, như truyền thống, sẽ là thông tin sự kiện, vấn đề nổi bật đã được báo chí đăng tải trong năm.
Buổi chầu của các Táo sẽ sử dụng nhiều chất liệu thông tin từ các sự kiện kinh tế - xã hội trong năm. |
Thành quả của ngành y tế sẽ được đề cập
Nghệ sĩ Vân Dung cho biết cô sẽ đóng Táo Y tế trong Táo Quân 2021. Nữ diễn viên cũng hài hước chia sẻ Táo Y tế năm nay sẽ “mát mặt” vì ngành có nhiều thành tựu.
Vân Dung đảm nhận vai Táo Y tế suốt nhiều năm và có không ít thăng trầm từ vai diễn. Không ít năm, nhân vật Táo Y tế nhận những phản biện, phê phán gay gắt từ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Nhân vật này thậm chí từng bị treo lên cao, đút tiền vào miệng. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế trong lần trả lời báo chí vào năm ngoái từng chia sẻ rằng hình ảnh Táo Y tế bị đút tiền vào miệng trong Táo Quân từng khiến bà rơi nước mắt.
Táo Quân trong hành trình của mình đã đề cập trực diện nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành y tế. Tuy nhiên, trong lần trở lại vào năm 2021, cùng chung chia sẻ với Vân Dung, nhiều khán giả dự đoán năm nay nhân vật Táo Y tế chắc chắn nhận được những khen ngợi thuyết phục và xứng đáng từ Thiên Đình.
Năm 2020, Việt Nam được đánh giá là nước thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó ngành y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Từ đầu năm đến nay Việt Nam mới xuất hiện hơn 1.400 ca bệnh và 35 ca tử vong. Việt Nam trở thành điểm sáng hiếm hoi trên thế giới về phòng chống dịch Covid-19, được giới y tế, chuyên gia quốc tế ghi nhận.
Ngành y tế được đánh giá là luôn chủ động. Và hình ảnh những y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ quên mình chống dịch đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, trở thành hình ảnh đẹp nhất trong năm vừa qua. Việt Nam cũng nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên tự phát triển vaccine Covid-19, đã thử nghiệm trên người vào tháng 12.
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam còn trở thành nơi dừng chân, sinh sống an toàn của người nước ngoài. Đại sứ EU Giorgio Aliberti nói với Zing rằng ông cảm thấy may mắn khi ở Việt Nam trong thời điểm Covid-19 hoành hành ở châu Âu và thế giới. “Ở Việt Nam thời dịch là một may mắn xa xỉ”, Đại sứ EU nhấn mạnh.
Khẩu trang, giãn cách và chất liệu cho Táo Xã hội
Khẩu trang không chỉ là một trong những mặt hàng bán chạy nhất thế giới năm 2020. Khẩu trang thực tế đã trở thành hình ảnh biểu tượng của một năm mà đại dịch hoành hành toàn cầu.
Cùng với khẩu trang, giãn cách xã hội cũng là một “từ khóa” được quan tâm của năm 2020. Tháng 4 năm ngoái, Việt Nam tiến hành giãn cách xã hội. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng từng cách ly toàn thành phố và một số nơi khác như Trúc Bạch, Hạ Lôi (Hà Nội) hay Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) từng cách ly với quy mô nhỏ hơn.
Dàn nghệ sĩ Táo Quân năm nay tiếp tục là Quốc Khánh, Công Lý, Chí Trung, Xuân Bắc, Vân Dung, Tự Long và Quang Thắng. |
Trong thời gian giãn cách toàn xã hội, cơ quan, trường học đóng cửa, nhiều hàng quán dừng hoạt động.
Việc ở nhà cũng đã tạo ra nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”. Sở thích và thói quen của không ít người đã buộc phải thay đổi. Năm qua những nhóm mạng xã hội như Yêu bếp, Ghét bếp được nhiều người quan tâm. Những câu chuyện này được dự đoán là chất liệu thú vị cho màn báo cáo của Táo Xã hội trong Táo Quân.
Ngoài vấn đề phòng chống dịch bệnh, chuyện từ thiện cũng có thể là đề tài cho Táo Quân dịp Tết này. Năm 2020, không ít hình ảnh đẹp của mạnh thường quân, nhà hảo tâm, người nổi tiếng trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo vượt qua đại dịch, hạn mặn miền Tây, bão lũ miền Trung đã lan tỏa toàn xã hội. Đó là tinh thần tương thân tương ái, nhân văn cao đẹp.
Tuy nhiên, chuyện “của cho không bằng cách cho”, từ thiện sao cho đúng và những tồn tại của chuyện từ thiện cũng là chủ đề mà Táo Quân có thể sẽ phản ánh.
Vụ sách Cánh Diều sẽ được nhắc đến?
NSƯT Chí Trung năm nay lần đầu tiên đóng Táo Giáo dục. Anh nói với Zing rằng bản thân không bật mí được gì nhiều, để khán giả có sự đón đợi cần thiết.
“Tôi chỉ có thể nói khán giả sẽ có một chương trình bổ ích với nhiều sự kiện trong năm 2020 qua góc nhìn hài hước. Táo Giáo dục, Táo Y tế, Táo Xã hội, Táo Kinh tế là 4 nhân vật đại diện lên chầu năm nay. Đương nhiên, góc nhìn của Táo Giáo dục sẽ không có nhiều tiếng cười đâu”, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ.
Tuy Chí Trung không tiết lộ, giới quan sát dự đoán Táo Quân năm nay chắc chắn không bỏ chuyện dạy và học online, xuất phát từ phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
Năm 2020, nhiều người nói vui là học sinh, sinh viên đã có kỳ nghỉ Tết dài chưa từng có - kỳ nghỉ Tết "lịch sử". Sau Tết Nguyên đán 2020, các tỉnh thành liên tục lùi lịch trở lại trường của học sinh. Bước sang tháng 3, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm mới với tình trạng lây lan cao, hơn 22 triệu học sinh tiếp tục được nghỉ học đến đầu tháng 5.
Ngoài chuyện học và dạy online, Táo Giáo dục 2021 được dự đoán sẽ không thể bỏ quên những vấn đề của năm học 2020-2021. Đây là năm học đánh dấu lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 và cuốn chiếu dần đến lớp 12. Học sinh lớp 1 được học chương trình và cả bộ SGK mới, được chính thầy cô của mình chọn từ 5 bộ sách được Bộ GD&ĐT cho phép lưu hành.
Nhưng ngay khi năm học bắt đầu, nhiều phụ huynh đã than phiền vì giá sách cao, đi kèm là nhiều sách bài tập, tài liệu bổ trợ. Bộ GD&ĐT đã phải ban hành công văn yêu cầu các địa phương chấn chỉnh.
Khi chương trình và SGK mới triển khai được một tháng, đồng loạt phụ huynh, giáo viên than phiền vì chương trình Tiếng Việt nặng, khó hơn chương trình cũ. Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ động giãn, điều chỉnh chương trình theo tình hình tiếp thu của học sinh.
Cùng với chương trình, SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều cũng gây tranh cãi khi sử dụng nhiều bài đọc không phù hợp, được cho là dạy trẻ con những điều xấu. Từ ngữ được sử dụng trong sách khó hiểu, mang tính địa phương, vùng miền. Thậm chí, nhiều ý kiến cực đoan yêu cầu Bộ GD&ĐT phải thu hồi sách.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sau đó phải yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu, nghiên cứu ý kiến của dư luận. Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả thay thế, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong bộ sách và yêu cầu rà soát những bộ sách còn lại. Kết quả sau rà soát, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đề xuất xin chỉnh sửa nhiều nội dung chưa hợp lý trong 4 bộ sách mà họ thực hiện.
Thành tích ngành kinh tế có thể được nhắc đến trong báo cáo của Táo Kinh tế. |
Táo Kinh tế sẽ báo cáo những gì?
Táo Kinh tế luôn là nhân vật không thể thiếu của Táo Quân. Năm nay, Quang Thắng tiếp tục đóng Táo Kinh tế. Trong lịch sử báo cáo cuối năm của Táo Kinh tế, nhân vật này nhiều lần bị phản biện về cách quản lý, tham ô, những dự án ma, tình trạng lạm phát... Tuy nhiên, cũng không ít năm, Táo Kinh tế được Thiên Đình tôn vinh vì đạt thành tích trong năm.
Táo Kinh tế được dự đoán là tiếp tục nhận được khen ngợi từ Ngọc Hoàng nhờ những thành tựu vượt bậc, con số biết nói trong năm vừa qua. Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển và phục hồi kinh tế.
Năm 2020, một loạt lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ sau dịch như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng… Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,9%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Tạp chí The Economist, tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Tính chung năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục, vượt 540 tỷ USD. Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD.
Việt Nam cũng là "ngôi sao" thu hút FDI trong bối cảnh dịch bệnh, với số vốn đầu tư khoảng gần 30 tỷ USD. Một điểm đáng mừng là năm 2020 đã có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2,236 triệu tỷ đồng, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Những thành tích nổi bật, không phải quốc gia nào cũng đạt được này xứng đáng là chất liệu cho Táo Quân - chương trình phát sóng giờ vàng Giao thừa Tết Nguyên đán 2021.
Tác giả: Quang Đức
Nguồn tin: zingnews.vn