Pháp luật

Thảm cảnh của gia đình những “ông trùm”

Quả thật, khi phải chứng kiến những cảnh đời thậm khổ, những gia đình nát bươm vì ma túy ở các làng bản vùng sâu vùng xa, người ta rất dễ bật lên câu hỏi: Vì đâu mà những thanh niên trai tráng người Mông, người Thái vạm vỡ như đại bàng núi cứ nhất nhất lao đầu vào ma túy để rồi chờ ngày “dựa cột”, hoặc ôm hàng chục cuốn lịch vào nhà đá bóc dần?

Pháp luật thượng tôn, tội ác nào sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt, âu đó cũng là cái lẽ thường tình. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là ngoài việc đem “cái chết trắng” gieo rắc cho đồng loại, những “đại ca, ông trùm” ma túy đó còn đẩy chính ràng ruột, máu mủ của mình vào cơn bĩ cực. Cha mất con, vợ mất chồng, trẻ con bơ vơ không nơi nương tựa...

Đẩy cha mẹ già vào tủi khổ

Đến giờ, tôi vẫn nhớ phiên tòa xét xử Và A Sùng (SN 1975), một “ông trùm” ma túy ở Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Hôm đó, Điện Biên mưa trắng xóa, cả hội trường xét xử chỉ lác đác vài người tham dự. Đến ngay cả khu vực dành cho người thân bị cáo cũng chỉ có mỗi một ông già mang dáng vẻ khắc khổ, nhàu nhĩ, quần áo, tóc tai ướt rượt, ngồi vo tròn góc ghế. Đó là ông Và Giả Ch, bố đẻ của Sùng.

Cũng không hẳn gia đình, người thân Sùng ruồng rẫy, mặc kệ hắn lĩnh “bản án đời người” trong cô độc, mà là vì họ quá nghèo, không đủ tiền để kéo “đông đàn dài lũ” từ Na Ư về thành phố. Đến ngay cả ông Ch, trước hôm con trai bị đưa ra xét xử, ông đã phải bán đi đôi gà mới có tiền làm lộ phí.

Toàn cảnh căn nhà của 3 “ông trùm” Sùng, Say, Dơ

Sau phiên tòa đó ít lâu, tôi có ngược núi và vào thăm gia đình ông Ch. Nhà ông nằm ở cuối một con ngõ nhỏ lầy thụt ở bản Ca Hâu (xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Gọi là nhà cho oai, chứ thực ra nó tuềnh toàng và rách nát chả khác gì cái nhà kho, tường vách tả tơi, nhìn lên thấy lốm đốm trời. Phía trước nhà có một vuông sân, bùn đất nhão nhào, cỏ theo chân người mọc vào tận đầu hè.

Gọi cửa mãi mới thấy ông Ch tập tễnh bước ra. Vừa bước qua cái ngưỡng cửa cũ mèm, bong tróc, khách đã thấy toang hoang mùi ẩm mốc, toang hoang những đôi mắt, những khuôn mặt trẻ thơ ngơ ngác. Lâu lắm rồi nhà ông Ch mới có khách phương xa. Mấy đứa cháu nội của ông thấy có khách lạ thì đứa nọ bám áo đứa kia, líu ríu trong buồng.

Có lẽ, trong cái đầu non nớt của chúng vẫn còn kinh sợ khi thấy người lạ mặt đến nhà. Bởi từ trước tới giờ, cứ mỗi lần khách ghé thăm là đều bắt mang đi một ông bố, một ông chú hoặc một ông bác của chúng để bỏ tù.

Cũng trong ngôi nhà ấy, câu chuyện về cuộc đời và gia cảnh của ông Ch được tãi ra, như một thước phim buồn thảm đến tột cùng. Ông Ch có 3 người con trai là Và A Sùng (SN 1975), Và A Say (SN 1976), Và A Dơ (SN 1978) thì cả 3 đều nghiện. Rừng xanh núi đỏ, lo miếng ăn còn khó chứ nói gì đến chuyện kiếm tiền để “đánh đu” với “ả phù dung”. Để có tiền chích hút, 3 đứa con ông Ch nhận vận chuyển thuê ma túy cho một số ông trùm ở Na Ư.

Ban đầu thì cũng chỉ là “bán sức lấy cơm đen”, sau dần trưởng thành, thông thạo mọi mánh khóe, ngón nghề, cả 3 con trai ông Ch đều tách ra lập đường dây riêng rồi tự mình làm chủ. Trước sự cám dỗ ma mị của đồng tiền, Sùng, Say, Dơ ngày càng lún sâu vào con đường tội lỗi.

Nhưng, cũng giống như bao ông trùm phạm ma túy khác, 3 anh em Sùng, Say, Dơ không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Khởi đầu là người anh cả Và A Sùng bị bắt và bị tòa tuyên án 20 năm tù, tiếp đến là Say và Dơ lần lượt bị bắt. Thế nhưng, khác với anh trai, Say và Dơ đều bị tuyên án tử hình. Bản án của Say đã được thi hành, còn Dơ may mắn hơn nhờ biết ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra để khám phá ra những đối tượng, những đường dây buôn bán ma túy khác nên hắn đã được ân giảm xuống chung thân.

Đối với vợ chồng ông Ch, những tưởng đớn đau, mất mát chỉ đến thế là cùng, nào ngờ tai họa vẫn chưa dừng ở đó, nó vẫn tiếp tục trút xuống không ngơi nghỉ. Bởi, chỉ một khoảng thời gian rất ngắn sau đó, 3 cô con dâu của vợ chồng ông, từ con dâu cả đến con dâu út cũng theo chồng lao vào con đường phạm tội để rồi lần lượt lĩnh án 6, 8 và 18 năm tù.

Điều đáng nói là trước khi “an phận mình sau song sắt”, “đám con giai, con dâu giời đánh” ấy đã kịp gửi lại cho vợ chồng ông Ch đúng 10 đứa cháu, đứa lớn nhất 17, đứa nhỏ nhất mới vừa lên 6 tuổi.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông Ch và vợ, bà Vừ Thị S, vẫn phải cặm cụi chạy vạy lo miếng ăn cho đàn cháu. Bữa đói nhiều hơn bữa no, ngô sắn nhiều hơn cơm gạo. Ông và bà đều già, lẻo khẻo lèo khèo, lại nghèo nữa. Cái nghèo nó lấn át bớt thương đi, mấy đứa trẻ cứ lớn lên như cây cỏ. Quần áo đứa nọ mặc lại của đứa kia, tịnh không có cái nào chưa bị vá.

Vợ chồng ông bà Và Giả Ch - Vừ Thị S

Bà S bảo, đại ý rằng, vợ chồng bà như hai cái lá mủn mục giữa rừng, chỉ thoáng chốc thôi cũng hóa cỏ xanh. Bà lo là lo cho mấy đứa cháu. Bởi, ngay từ khi mới lọt lòng, chúng đã bị quăng vào chồng chất khổ đau với bao nhiêu đoạn trường của kiếp phận làm người. Từ đói cơm, thiếu mặc, bạn bè xa lánh đến chuyện không nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ các bậc sinh thành. Giờ rủi mà ông bà nằm xuống, mười đứa trẻ lít nhít, trứng gà trứng vịt ấy biết sống ra sao? Câu hỏi ấy của bà S cứ hắt mãi vào tôi đay đả.

Đầu xanh có tội tình gì?!

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến các đại ca, ông trùm ma túy, người ta thường hay liên tưởng đến cuộc sống xa hoa, giàu sang tột bậc. Thế nhưng có một sự thật là người thân trong gia đình như vợ con, bố mẹ của những kẻ chuyên “đi buôn thần chết” mà tôi đã từng gặp trong các phiên tòa ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La hay Thanh Hóa, Nghệ An... thì phần lớn họ đều đang phải sống lần hồi trong cảnh đói nghèo thăm thẳm.

Có những gia đình mà cả bố lẫn mẹ đều “bán mạng cho ả phù dung”, đẩy đám con mình vào cảnh đói cơm rét áo, như “cặp vợ chồng ma túy” Đinh Minh Thắng (SN 1971) – Lô Thị Thu (SN 1977), nhà ở bản Tạng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Cả Thắng và Thu đều phạm tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trong những vụ án khác nhau.

Chỉ trrong vòng gần 10 năm, “cặp vợ chồng ma túy” nổi tiếng nhất Tiền Phong này phải hầu tòa và “nhập khẩu” trại giam đến 4 lần, chia đều cho cả chồng và vợ. Cứ chồng chưa mãn hạn thì vợ đã vội vã vào thay. Vợ chồng Thắng có 3 đứa con, bố mẹ thay nhau đi tù, nhà cửa, ruộng vườn bán hết, cả 3 đứa trẻ đều lang thang vất vưởng.

Tôi nhớ hôm TAND huyện Quế Phong đưa Thắng ra xét xử, khi cảnh sát dẫn giải hắn vào Hội trường thì từ phía ngoài đứa con gái lớn và cậu con trai út chạy ào vào ôm bố khóc. Cả hai đứa đều gầy gò, đen đúa, lấm lem bùn đất.

Người nhà của Thắng kể rằng, họ đã phải đi tìm mãi mới thấy hai đứa đang bới rác ở đầu thị trấn Kim Sơn, rồi đưa chúng về Tòa cho bố con gặp mặt. Thời điểm đó, Lô Thị Thu, vợ Thắng, đang thụ án ở Trại giam số 6 – Bộ Công an.

Nhìn cảnh bố con Thắng “trùng phùng”, cả Hội trường xét xử hôm ấy không ai cầm được nước mắt. Ai đó dúi 2 gói xôi vào tay hai đứa trẻ, nhưng chúng vẫn nhất quyết không chịu ăn mà cầm đặt vào tay bố. Thắng đẩy lại cho con. Cứ thế, mấy bố con nhường đi nhường lại cho nhau cho đến tận khi phiên tòa kết thúc, hai gói xôi vẫn nằm chơ lơ trên chiếc ghế phía sau vành móng ngựa. Lần ấy, Thắng bị tuyên 36 tháng tù.

Kể từ khi bố mẹ đi tù, cả ba đứa con của Thắng đều lang thang xó rừng, góc núi. Hàng ngày chúng xin hay đào mót được cái gì ăn cái đấy, từ củ sắn, củ khoai đến đọt măng rừng.

Mấy năm sau, khi mãn hạn tù, Lô Thị Thu trở về nhà và đem mấy đứa con đi đâu không rõ. Dù vậy, người ta cũng mừng cho đám trẻ vì từ nay có người chăm bẵm. Nhưng cũng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, Thu lại bị bắt với tội danh y như lần trước: Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Phút trùng phùng hiếm hoi của mẹ con Lô Thị Thu

Ngày Thu bị đưa ra xét xử, họ hàng lại phải tỏa đi tìm mãi mới đưa được hai đứa con của cô về cho gặp mẹ. Chúng vẫn đen đúa, cóc cáy, lấm lem chả khác gì mấy năm về trước.

Hôm đó, mấy anh em trong Tòa án huyện lại góp tiền mua cho hai đứa bịch mì tôm. Nhưng lạ là chúng nhất quyết nhường cho mẹ. Thu không nhận, chỉ khóc. Mãi sau nghe mọi người giải thích là “mẹ ở trong trại có cơm rồi” chúng mới chịu cầm về...

Không biết rồi đây người thân và nhất là những đứa trẻ, con của các “đại ca, ông trùm” ma túy ở Na Ư, ở Tiền Phong hay ở khắp các bản làng vùng cao khác sẽ ra sao, chúng sẽ lớn lên như thế nào khi đói khát bủa vây? Dù rất nhiều kẻ khi sa vào vòng lao lý đã biết tỏ ra ăn năn hối lỗi và nói lời ân hận, thế nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng.

Những “ông bố, bà mẹ ma túy” ấy đôi khi cũng viện ra những lý do kiểu như vì đói nghèo hay là bị rủ rê lôi kéo để biện hộ cho con đường phạm tội của mình. Nhưng bất luận vì lý do gì thì cũng phải nói rằng, họ đã vô trách nhiệm, đã mê muội tột cùng khi quăng đẩy người thân và đặc biệt là những đứa trẻ vào chồng chất khổ đau.

Tác giả: T.Thành

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP