Trong hải trình đi ngang vùng biển đảo Len Đao, Cô Lin, chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Văn Thọ – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, một người con của quê hương Diễn Châu, Nghệ An xúc động kể về trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, trong số 64 chiến sĩ hy sinh thì có 10 người con Nghệ An đã ngã xuống khi tuổi đời mới mười chín, đôi mươi. Máu của những người con xứ Nghệ và đồng đội đã thấm đỏ từng dải san hô, bãi cát ở Trường Sa. Tên tuổi của 10 liệt sĩ Nghệ An cùng các đồng đội được khắc trang trọng trên tấm bia “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14-3-1988” tại các ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông.
“Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma: 14-3-1988” tại chùa Sinh Tồn |
Trong chuyến công tác đến với Trường Sa, câu hỏi đầu tiên mỗi khi tôi đặt chân lên các đảo là: “Có ai quê Nghệ An không?”. Tôi nhận được ngay những câu trả lời: Người Nghệ ở Trường Sa nhiều lắm! Câu hỏi tiếp theo mỗi khi gặp được đồng hương trên đảo: “Anh người mô đó?” đã làm mọi khoảng cách được rút ngắn nhanh một cách kỳ diệu. Người Nghệ xa quê là thế, luôn thân thương mỗi lần gặp mặt, lạ mấy cũng thành quen.
Tôi đã tiếp xúc và nghe những câu chuyện về những người con xứ Nghệ. Ấn tượng nhất là hai anh em họ Lê Văn Quốc và Lê Văn Sỹ quê ở xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương hiện đang công tác tại đảo Song Tử Tây. Bác sỹ Lê Văn Quốc (Khoa Ngoại tiêu hóa, Viện 108) xung phong nhận nhiệm vụ Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây từ tháng 7 năm 2023. Anh cho biết: “Ở giữa biển, việc khám, chữa bệnh đều có thể trở nên đặc biệt. Mỗi người bác sĩ ở Trường Sa phải kiêm nhiều ngành chuyên môn về y khoa, ở đất liền có sự hỗ trợ rất nhiều của đồng nghiệp, phòng, khoa, còn ngoài đảo cần tính độc lập rất cao. Mỗi kíp ở trạm phải đảm đương tất cả các khâu, từ khám, xét nghiệm, chuẩn đoán, điều trị. Bác sĩ Quốc kể, khi xung phong nhận nhiệm vụ ngoài đảo, anh xác định trước những khó khăn. Tuy nhiên, có những tình huống ngoài dự liệu, vừa rồi có trường hợp một ngư dân đang đánh bắt cá cách đảo gần hơn 100 hải lý bị viêm ruột thừa đã được đưa vào đảo mổ cấp cứu thành công. Có rất nhiều ca nặng như bệnh lý giảm áp do lặn sâu, đột quỵ não, bị thương do tai nạn trên biển…, trong đó phần lớn là ngư dân gặp nạn được cấp cứu và điều trị kịp thời”.
Ở Trường Sa thường xuyên luân phiên đổi vị trí công tác giữa các đảo, có người ở một năm, vài năm rồi lại chuyển công tác. Tuy nhiên, anh em đồng hương Nghệ An mỗi khi có dịp vẫn tổ chức gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Trung úy Lê Văn Sỹ – người em họ của bác sĩ Quốc kể: “Khi em mới nhận công tác tại Song Tử Tây được 2 tháng thì nhận được tin bố em mất, rất đau buồn, xót xa vì không thể về chịu tang bố được. Anh Quốc đã bàn với ban chỉ huy đảo lập bàn thờ để anh em đồng đội, đồng hương đến thăm viếng, động viên, chia sẻ, nhờ vậy em đã dần vượt qua nỗi đau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Gặp gỡ những người lính xứ Nghệ trên đảo Song Tử Tây |
Thời gian 3 ngày trên đảo Song Tử Tây, chúng tôi đã được Thượng tá Nguyễn Văn Khương – Chính trị viên đảo tự hào giới thiệu về một người con xứ Nghệ có nhiều thành tích xuất sắc trong huấn luyện chiến đấu, đó là Đại úy Trần Văn Tình quê ở xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên – người có gần 20 năm sống và công tác hầu hết các đảo tại Trường Sa. Khác với sự hình dung ban đầu của chúng tôi, anh trẻ hơn nhiều so với tuổi 45, với làn da rám nắng, thân hình chắc như cây phong ba trên đảo, nắng gió Trường Sa dường như đã ngấm vào con người anh, để rồi dù nhiều năm trôi qua, ở anh vẫn toát lên hình ảnh của người lính đảo với nụ cười tươi. Anh kể về cuộc sống trên đảo Song Tử Tây, về những gian nan thử thách và tinh thần anh dũng kiên cường của người lính đảo. Trên đảo công tác huấn luyện rất vất vả, thời tiết khắc nghiệt, khổ nhất là biển động hay áp thấp nhiệt đới. Mỗi khi biển nổi cơn thịnh nộ, tung bọt nước lên tận nóc nhà, anh em lại phải chui vào hầm tránh bão, đến bữa ăn thì có gì ăn nấy.
Những người lính khi xung phong ra đảo đều mang theo tình yêu quê hương, gia đình để đương đầu với sóng gió, kiên cường giữ vững chủ quyền lãnh thổ đất nước. Họ hy sinh hạnh phúc cá nhân và thậm chí cả siinh mệnh của mình để đất liền được bình yên. Anh tâm sự về gia đình, vợ con hiện ở thành phố Vinh. Đời bộ đội, lênh đênh biển đảo quanh năm suốt tháng, chẳng mấy khi được gần gia đình. Có lần về thăm nhà, cháu nhỏ thứ hai mới 4 tuổi nhìn thấy bố liền khóc thét không nhận ra vì lúc anh ra đảo cháu mới tròn 2 tuổi.
Chiến sĩ Tăng Mạnh Huy và tác giả chụp ảnh lưu niệm tại đảo Sinh Tồn Đông |
Những người lính đảo xứ Nghệ đã trưởng thành như thế, không chùn bước trước mọi thử thách gian lao, luôn lạc quan yêu đời. Những phẩm chất đó vốn được hun đúc trên mảnh đất quê hương, nay thêm ngời sáng ở Trường Sa. Chiến sỹ trẻ Tăng Mạnh Huy (quê ở phường Lê Lợi (thành phố Vinh) rất vui khi gặp được đồng hương chúng tôi ở đảo Sinh Tồn Đông và khoe rằng, em sắp được ra quân về ăn Tết với gia đình và tiếp tục với nghề làm đầu bếp mà em ước mơ. Cảm ơn đời quân ngũ đã cho em rất nhiều thử thách, trải nghiệm. Hai năm tuổi quân đã giúp em giảm đi sự “ngông cuồng”, hiếu thắng của tuổi trẻ. Em thấy mình tự tin, điềm tĩnh, chín chắn hơn rất nhiều. Em tự hào là lính Trường Sa, khi về quê em sẽ có nhiều chuyện để “bốc phét” với tụi bạn đây, Huy cười tươi chia sẻ.
Chiến sĩ Đậu Xuân Hiếu, quê huyện Diễn Châu đang trong nhiệm vụ đứng gác tại đảo Cô Lin |
Tại đảo Cô Lin. tôi bắt gặp hình ảnh chiến sĩ Đậu Xuân Hiếu, quê huyện Diễn Châu đang nghiêm trang đứng gác dưới bầu trời xanh bao la nắng, gió và biển mặn. Hiếu chia sẻ: “Cuộc sống và sinh hoạt của lính bọn em trên đảo Cô Lin cũng khá đặc biệt. Đảo được xây dựng trên những rặng san hô ngập nước biển, không gian đảo khá chật hẹp, không có đất, cây xanh. Vượt lên mọi khó khăn, lính chúng em luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát, những vấn đề xảy ra trên biển đều được ghi nhận, theo dõi và báo cáo kịp thời để có phương án xử lý. Đảo chìm còn là nơi giúp đỡ, cứu nạn các ngư dân gặp nạn, bão tố trên biển; cung cấp, hỗ trợ cho bà con lương thực, nước ngọt, là chỗ dựa tin cậy của bà con mỗi khi đi biển”. Chia tay đảo Cô Lin sau hai giờ ngắn ngủi, Hiếu tự hào nói với chúng tôi, là con em quê hương Nghệ An mỗi khi nghĩ về sự hy sinh cao cả của cha anh trong những trận chiến đấu bảo vệ đảo năm xưa, em lại càng thêm vững ý chí, trọn niềm tin, chắc tay súng.
Đoàn công tác thăm đảo Len Đao |
Xung quanh câu chuyện lính Nghệ ở Trường Sa, không thể không nhắc tới người Nghệ trên những con tàu của Vùng 4 Hải quân đang ngày đêm phục vụ, tiếp tế cho Trường Sa, một người mà tôi muốn nói tới là Thiếu tá Nguyễn Sỹ Hà, một người con của làng Kim Liên quê Bác. Anh trưởng thành từ một người lính đi nghĩa vụ quân sự, anh đã lăn lộn với sóng gió biển khơi trên hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Hà là thủy thủ trưởng trên con tàu 571 mang tên Trường Sa có nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, nhu yếu phẩm, trang thiết bị và các đoàn công tác ra các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam. Hà chia sẻ: “Em đã trải qua hơn 20 năm quân ngũ, từ lính tàu chiến rồi đến tàu chở quân, xa nhà liên miên. Mọi việc gia đình, chăm sóc bố mẹ, con cái đều phải trông chờ vào vợ”. Hà khoe với tôi bức ảnh con trai nhận phần thưởng học sinh giỏi cấp tiểu học, con gái đi thi hùng biện bằng tiếng Anh… Anh rất cảm phục người vợ giáo viên mầm non ở quê nhà đã tảo tần, đảm đang gánh vác việc gia đình, phụng dưỡng bố mẹ già để anh yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thiếu tá Nguyễn Sỹ Hà đang làm nhiệm vụ trên tàu 571 |
Chuyến công tác của đoàn mới chỉ tới 7 điểm đảo ở Trường Sa mà chúng tôi đã gặp được và trò chuyện với nhiều người con quê hương xứ Nghệ, qua đó mới thấy những cống hiến, hy sinh lớn lao, thầm lặng của họ cho biển đảỏ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người lính đã gắn bó trọn tuổi thanh xuân nơi trùng khơi sóng vỗ. Đâu chỉ khó khăn về điều kiện công tác, hơn hết thảy họ thiếu thốn tình cảm, hơi ấm gia đình, chịu rất nhiều thiệt thòi khi những đứa con chào đời, nhiều năm lớn lên không có bố bên cạnh, khi người thân bạo bệnh, qua đời không được về bên chăm sóc. Những khi trên đất liền người người sum họp bên người thân, thì họ vẫn lặng lẽ nghiêm trang làm nhiệm vụ trong nỗi nhớ mong và lặng dõi về quê hương. Những khi trên đất liền, người người được vui chơi, ca hát, hưởng những niềm vui bầu bạn họ vẫn dầm mình trong phong ba bão táp và đối diện với muôn một hiểm nguy an ninh trên biển.
Dù là gì đi nữa, sau những giờ phút được gặp gỡ, được trò chuyện, được sẻ chia những nỗi niềm của người lính Nghệ, trở về đât liền trong hành trang của chúng tôi sâu đậm một niềm tự hào về những chàng lính Nghệ trên đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Trong tim chúng tôi, hẳn sẽ luôn ấm áp hình ảnh những chàng lính Nghệ nơi đảo tiền tiêu ấy, đã và đang lặng lẽ, kiên trung cùng đồng đội muôn phương chắc tay súng gìn giữ vùng trời, vùng biển quê hương…
Tác giả: Hoàng Nguyên
Nguồn tin: tapchisonglam.vn