Đẹp

Thận trọng với những phương pháp điều trị cháy nắng ‘cấp tốc’ để tránh rước họa

Trong những ngày nắng nóng này, có nhiều phương pháp lan truyền trên mạng xã hội được quảng cáo là có thể “điều trị cháy nắng một cách nhanh chóng”. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ vì chúng có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Trong những ngày nắng nóng kỷ lục gần đây, rất nhiều người tìm kiếm các phương pháp điều trị khi bị cháy nắng. Một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các mẹo mà họ cho là 'các biện pháp khắc phục nhanh chóng' để chữa cháy nắng trên TikTok. Tuy nhiên, bạn hãy thận trọng vì chúng có thể gây hại nhiều hơn lợi, đặc biệt là khi bị cháy nắng. Dưới đây là những lý giải của chuyên gia sức khỏe về những phương pháp "cấp tốc" này.

Stephanie Taylor - Chuyên gia Sức khỏe tại Anh quốc đã chia sẻ suy nghĩ của mình về một số phương pháp kỳ lạ đang lưu hành để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng cháy nắng.

Tiếp xúc với ánh nắng và nhiệt độ cao có thể gây cháy nắng.

1. Sử dụng nước súc miệng để làm dịu vết cháy nắng

Nước súc miệng thường được sử dụng để ngăn ngừa bệnh nướu răng và mang lại cho miệng cảm giác thơm mát, nhưng một TikToker tiết lộ rằng cô ấy đã đổ đầy chai xịt Listerine và xịt trực tiếp lên vết cháy nắng của mình để làm dịu cảm giác đau rát khi bị cháy nắng.

Stephanie Taylor cho biết: "Đây là một cách rất kỳ lạ và cực đoan để giảm đau do cháy nắng và hoàn toàn không phải là một phương pháp an toàn. Trong nước súc miệng có chứa thành phần như axit benzoic, điều đó gây hại hơn cho làn da bạn".

Stephanie giải thích việc tiếp xúc lặp đi lặp lại hoặc kéo dài với một trong hai loại hóa chất trong nước súc miệng có thể dẫn đến khô hoặc nứt da cũng như mẩn đỏ và ngứa, điều này sẽ khiến cho làn da bạn bị đau rát hơn.

2. Sử dụng chiết suất cây phỉ Witch Hazel

Chất này thường được sử dụng để điều trị ngứa, đau và sưng tấy, thậm chí có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị tại chỗ để sát khuẩn da, trị mụn trứng cá. Một TikToker cho dung dịch chiết suất từ cây phỉ Witch Hazel vào một cái chai và xịt lên tất cả các vùng cháy nắng và tiết lộ rằng dung dịch có tannin trong đó để loại bỏ hoàn toàn vết cháy nắng.

Với tác dụng sát khuẩn nhẹ và làm lành vết thương, chiết suất cây phỉ có thể giúp làm dịu vết cháy nắng, nhưng Stephanie cũng đưa ra lời khuyên: "Thay vì cho nước cây phỉ vào bình xịt, tôi khuyên bạn nên đổ một ít lên vải sạch và nhẹ nhàng thoa lên vùng bị ảnh hưởng."

Một số phương pháp chữa cháy nắng lan truyền trên mạng có thể gây hại cho da.

3. Dùng giấm trắng bôi lên vết cháy nắng

Một số TikToker đã sử dụng giấm bôi lên da khi bị cháy nắng, họ cũng cho rằng pha giấm vào nước tắm có thể giúp ích cho các vết rộp da cho cháy nắng.

Stephanie đã nhanh chóng lật tẩy huyền thoại này: "Hoàn toàn không có tác dụng. Giấm có độ axit cực cao và độ PH vào khoảng 2 hoặc 3. Khi bôi giấm chưa pha loãng lên da, nó có thể làm hỏng hàng rào bảo vệ vốn đã mỏng manh của da, đồng thời dẫn đến đau và viêm nhiều hơn, cộng với khả năng bị bỏng hóa chất nếu tiếp xúc với da trần quá lâu. Điều này thực sự sẽ gây nhức nhối và có thể gây thêm đau đớn và khó chịu cho những người bị cháy nắng nghiêm trọng.

4. Bôi sữa chua

Trong một số trường hợp cực đoan, các ngôi sao TikTok đã lùng sục bên trong tủ lạnh để tìm các vật dụng bôi lên vết cháy nắng của họ.

Một TikToker hướng dẫn những người khác thoa đều sữa chua lên vết cháy nắng của họ và giữ nguyên trong một giờ để loại bỏ dấu vết của vết cháy nắng.

Chuyên gia sức khỏe Stephanie cho biết: "Một trong những thành phần chính trong sữa chua là axit lactic, giúp loại bỏ da chết một cách tự nhiên để thúc đẩy thế hệ tế bào da mới. Tuy nhiên có nhiều cách tốt hơn là sử dụng thứ gì đó để loại bỏ da chết ngay khi bạn bị cháy nắng".

Tốt nhất nên dùng các sản phẩm truyền thống có chứa các thành phần làm dịu và giảm đau do cháy nắng như lô hội, dầu dừa hoặc chất giữ ẩm làm từ đậu nành và giữ nước. Bạn cũng có thể đặt kem dưỡng ẩm sau khi đi nắng hoặc vào tủ lạnh để làm dịu làn da.

Stephanie nói: "Vào mùa hè, hãy thoa kem chống nắng hoặc kem dưỡng ẩm có SPF 50 lên mặt hàng ngày để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Điều này giúp bạn ngăn ngừa tổn thương da lâu dài và không thể phục hồi".

Tác giả: Khánh Vũ

Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP