Xã bán đất trái thẩm quyền
Bà M, ở xóm 6, xã Thanh Lương cho biết, tháng 9/2006, bà mua 1 lô đất tại khu vực bàu Ó (thuộc xóm 6) do xã bán, lô đất rộng 12m, chiều sâu hơn 20m. Ngoài bà ra còn có 13 người khác mua, mỗi lô 12 triệu đồng. Năm 2017, xã Thanh Lương tiếp tục thu thêm của bà 5 triệu đồng để làm “sổ đỏ”. Những lô đất được xã bán, hiện người dân đã đổ đất đắp nền và làm một số công trình. Bà M còn tiết lộ với chúng tôi, năm 2017, khi xã thu thêm 5 triệu đồng để làm “bìa đỏ”, cán bộ xã còn dặn các hộ dân nếu được hỏi thì nói mua đất từ năm 2003 cho khớp với hồ sơ đất của xã lập…
Khu vực bàu Ó thuộc xóm 6, xã Thanh Lương xảy ra tình trạng chiếm dụng đất tràn lan |
Được biết, khu vực Mai Sen (xóm 2, gần cổng ủy ban xã) được bán đấu giá năm 2011, nhưng hiện nay, các lô đất ở đây đều được xã bán thêm diện tích. Ông T là người mua đất đấu giá cho biết, năm 2011, ông T cùng với 4 người khác ở xã Thanh Lương mua đất ở xóm 2. Đến tháng 7/2017, xã bán đất thêm diện tích đất phía sau cho ông T 30m2 với giá 12 triệu đồng. Ngoài ông còn có 4 hộ mua đất của xã bán, nhà nhiều nhất là 60m2, nhà ít nhất 30m2. Việc mua bán này thể hiện qua biên lai thu tiền của UBND xã. Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông Nguyễn Duy Mai, kế toán là ông Nguyễn Sỹ Quý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Phú, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết, ông vừa giữ chức chủ tịch UBND xã hơn 1 tháng nay do ông Nguyễn Duy Mai đã nghỉ hưu. “Trước đây, tôi làm Phó Chủ tịch HĐND xã, cũng đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh về đất đai ở các kỳ họp nhưng xã cũng chỉ mới giải quyết được 1 phần” - ông Phú nói.
Một doanh nghiệp ở đầu cầu Trằm (xóm 13) đã xây nhà xưởng và đổ đất chiếm bờ sông nhiều năm nay |
Theo lời ông Phú, khoảng vào năm 2005 - 2006, xã tổ chức bán đất ở khu vực bàu Ó cho dân, hiện nay, các hộ dân này đã làm được “sổ đỏ” hay chưa thì ông không nắm được. Còn việc xã thu thêm tiền các hộ dân này để làm “sổ đỏ” ông cũng chưa nghe thông tin. Việc bán đất nối thêm vào diện tích đất các hộ mua đấu giá ở xóm 2 là đúng. Lý do khi quy hoạch đất đấu giá tiếp theo, thừa ra 1 vài mét chiều sâu nên xã có thu tiền diện tích đất thừa này. Ông Phú cũng thừa nhận có việc cán bộ xã bán đất trái thẩm quyền “nhưng cũng để phục vụ mục đích cho tập thể”.
Lấn chiếm đất tràn lan
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng quản lý đất lỏng lẻo ở xã Thanh Lương đã tồn tại nhiều năm nay. Tại nhiều xóm, người dân tự ý lấn chiếm đất trái phép. Trong số những người chiếm đất có cả người nhà cán bộ địa phương.
Khu vực bàu Ó thuộc xóm 6 (giáp xã Thanh Yên) là điển hình của tình trạng lấn đất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Vườn tược của nhiều hộ nằm bên bờ bàu Ó là cơ hội để nhiều hộ dân mở rộng “lãnh thổ”. Với chiêu thức, chở đất nơi khác về đổ lấn dần ra phía sau vườn, sau đó trồng cây khiến cho việc xử lý của địa phương càng khó khăn. Đặc biệt, tại khu vực gần nhà thờ họ Nguyễn Duy đã có khoảng 15 hộ dân lấn đất công khai, chiếm dụng hàng ngàn mét vuông đất làm công trình kiên cố nhiều năm nay. Theo người dân nơi đây cho biết, trong số các hộ lấn đất có nhiều hộ là người nhà của lãnh đạo xã.
Cồn Thòi Lòi đã bị nhiều người dân lấn chiếm để làm nghĩa địa |
Khu vực cồn Thòi Lòi rộng khoảng 4 ha, trước đây, trồng trọt và chăn nuôi nhưng không hiệu quả. Số diện tích này, sau đó được xã giao khoán cho 3 hộ dân ở xóm 2 trồng cây lâu năm. Năm 2005, xã đã chuyển sang quy hoạch đất ở nhưng do buông lỏng quản lý nhiều người đã chặt cây, vây đất để làm nghĩa trang cho các dòng họ. Trong số những khu mộ được khoanh vùng có một số của dòng tộc cán bộ địa phương. Ở khu vực này, còn xảy ra tình trạng lén lút mua bán đất trao tay.
Tại khu vực, nhiều khu đất đã được xây bao hàng rào, các mộ chủ yếu là cát táng nằm san sát. Khu vực dưới chân cồn Thòi Lòi, nhiều khu mộ được xây sát với nhà ở của dân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, ở khu vực cầu Trằm (bắc qua sông Gang) thuộc xóm 13, trong chiến tranh bị bom đánh phá, người dân sợ bom nên bỏ vào làng sinh sống, nơi đây, được chuyển sang làm gạch, rồi trồng cây hàng năm. Năm 2007, khu vực cầu Trằm, xã đã xây gần 10 ki ốt để đấu giá kinh doanh, mỗi ki ốt khoảng 200 m2, giá từ 18 - 20 triệu đồng/1 ki ốt. Thế nhưng, không hiểu tại sao, ở khu vực này, hiện nay, phần lớn các hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố. Ở đây, còn có 1 doanh nghiệp xây dựng nhà ở, trụ sở hoàng tráng trên 3 lô đất liền kề. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây nhà xưởng rộng rãi để sản xuất kinh doanh và đổ đất thải ra phía sau cả ngàn mét vuông để lấn dòng sông Gang lấy diện tích mở rộng sản xuất.
Ông Nguyễn Trọng Phú, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương nói, việc người dân vi phạm chiếm dụng đất ở khu vực bàu Ó là có. Ở đây, nhiều năm nay, xảy ra tình trạng mỗi nhà chiếm dụng một ít. Phần lớn hộ có vườn sát lòng bàu Ó đều lấn, họ làm rất kín nên xã không biết được. Còn ở cồn Thòi Lòi, do quản lý lỏng lẻo nên ở đây xảy ra tình trạng bị chiếm dụng làm nghĩa trang rất nhiều. Hơn 1 nửa cồn đã bị chiếm dụng hết để xây mộ cho các dòng họ. Ông Phú còn cho biết thêm, tại khu vực cầu Trằm, năm 2007, xã đã cho bán đấu giá các ki ốt ở đó để kinh doanh. Còn việc cho doanh nghiệp làm nhà kiên cố và lấn sông, ông Phú cho biết, vừa rồi, doanh nghiệp này xin phép thuê khu đất lấn sông để làm bãi tập kết vật liệu nhưng xã chưa nhất trí.
Khi được hỏi, liệu các hộ mua đất trái thẩm quyền có làm được “sổ đỏ” không? Ông Phú nói: “Xã sẽ rà soát lại trong tháng 12/2018. Đây là đợt rà soát tổng thể, những hồ sơ đất mà vướng mắc chưa làm được bìa phải tìm rõ nguyên nhân để tháo gỡ. Vừa rồi có chủ trương của nhà nước xử lý đất tồn đọng từ năm 2004 trở về trước với những trường hợp chứng minh được tính hợp pháp, nhưng các lô đất xã bán vào thời gian bán từ 2006 trở về sau nên sẽ khó làm bìa đỏ”.
Còn ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, huyện chưa nhận được thông tin về vấn đề đất đai ở xã Thanh Lương. Sắp tới, huyện sẽ cho tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin trên.
Tác giả: Phạm Tuân - Tưởng Cao
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường