Sáng nay (12.2), ông Đàm Xuân Thành - Cục phó Cục Thú y (Bộ NNPTNT) đã về xã Tân Khang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm gia cầm A/H5N6.
Đoàn công tác kiểm tra tại hộ ông Nguyễn Văn Ngọ thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang, huyện Nông Cống, Thanh Hoá. Ảnh: Nguyễn Dũng |
Thông tin tại buổi làm việc tại UBND xã Tân Khang, ông Đàm Xuân Thành cho biết, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 3 địa phương gồm Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa với 7 ổ dịch.
Trong đó, tại Hà Nội có 1.800 con gia cầm ốm chết và phải tiêu hủy hơn 6.000 con. Nghệ An có 218 con gia cầm ốm chết, buộc tiêu hủy 231 con. Riêng tại Thanh Hóa, dịch cúm gia cầm xuất hiện từ ngày 3.2 tại xã Tân Khang. Đến nay, dịch đã lây lan ra 13 hộ chăn nuôi thuộc 3 xã của 2 huyện Nông Cống và Quảng Xương; số gia cầm ốm chết là 1.175 con, tiêu hủy 24.320 con.
Ông Nguyễn Viết Thái - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho hay, ngay sau khi có thông tin gia cầm ốm chết, các địa phương từ huyện đến xã và ngành nông nghiệp đã tổ chức phòng chống dịch rất quyết liệt.
"Dù chưa có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nhưng khi có biên bản chẩn đoán bệnh của ngành thú y, các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan ra diện rộng" - ông Thái nói.
Hiện nay, các địa phương cũng đang tổ chức tiêm phòng vaccine dịch cúm A/H5N6. Ông Đàm Xuân Thành đánh giá cao nỗ lực của Thanh Hóa trong việc phát hiện gia cầm ốm chết ứng phó với dịch cúm A/H5N6.
Tuy nhiên, thực tế tại xã Tân Khang (xã xuất hiện dịch cúm gia cầm đầu tiên) cho thấy nhiều yếu tố chủ quan và ý thức của người chăn nuôi khiến nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan rộng. Người dân ở đây có thói quen nuôi gia cầm, thủy cầm cạnh dòng sông Nhơm; gọi điện mua con giống trôi nổi trên thị trường. Thương lái thu mua trứng gia cầm cũng đồng thời là người cung cấp con giống. Do chăn nuôi gia cầm thương phẩm nhiều nên thường không tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N6 chỉ xảy ra trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine.
Nhiều ổ dịch bùng phát do ý thức chủ quan của người chăn nuôi. |
Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ông Đàm Xuân Thành đề nghị chính quyền địa phương, ngành thú y tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc xin H5N6, tiêu độc khử trùng, rải vôi bột trên các tuyến đường, khu vực trang trại. Ông Thành lưu ý, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác lập chốt và duy trì hoạt động, cấm tuyệt đối việc vận chuyển gia súc gia cầm ra vào vùng dịch; cấm tái đàn trước khi hết dịch…
Các tuyến đường vào xã Tân Khang được lập chốt và phun tiêu độc khử trùng phương tiện giao thông ra vào. Ảnh: N.D |
Thanh Hóa đã cấp cho 2 huyện Nông Cống và Quảng Xương 5.500 lít hóa chất sát trùng; 347.000 liều vaccine cúm gia cầm; 200 bộ quần áo bảo hộ phòng chống dịch. Các địa phương đang tập trung lực lượng tiêm phòng bao vây dập dịch; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm tại các thôn có dịch 2 ngày 1 lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc 3 ngày 1 lần.
Tác giả: TRẦN LÂM
Nguồn tin: Báo Lao động