Kinh tế

Thanh Hóa: Những doanh nghiệp quốc doanh “vang bóng một thời” bây giờ ra sao?

Cách đây 20 năm, những doanh nghiệp quốc doanh trên địa bàn TP Thanh Hóa bắt đầu công cuộc cổ phần hóa. Sau đó, theo thời gian, nhà nước về cơ bản đã thoái hết vốn tại các doanh nghiệp này hoặc chuyển giao cho các Tổng công ty quản lý theo ngành dọc, rất nhiều doanh nghiệp đã gần như biến mất tại thị trường...

Trong số đó, một số ít doanh nghiệp đã kịp niêm yết trên sàn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc chết lâm sàng.

Dược Thanh Hóa: Bao giờ cho tới ngày xưa

Thephaco (tiền thân là Quốc doanh dược phẩm thành lập ngày 10/4/1961) được chuyển đổi từ Công ty Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa ngày 1/12/2002 theo quyết định số: 3664/QĐ – CT ngày 05/11/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Đây là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại thuốc đông dược, thuốc chữa bệnh, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Hoạt động chủ yếu của Thephaco là sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuốc Đông dược, Tân dược, Cao đơn hoàn tán, kinh doanh sản xuất và sửa chữa thiết bị vật tư y tế, cung cấp thuốc chữa bệnh, thuốc bổ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh Thanh Hoá và liên doanh với các tỉnh ngoài, đồng thời giam gia vào thị trường thuốc trên thế giới.

Nhà máy Đông dược Thephaco

Được biết, Thephaco từng được đánh giá là thương hiệu có sức cạnh tranh "khủng" với tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ và trở thành một trong những công ty dược phẩm hàng đầu trong cả nước. Năm 2007 công ty này được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 2015, Thephaco được vinh dự là 1 trong 30 công ty được Bộ Y tế trao danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt lần thứ nhất...

Ngoài ra, Thephaco cũng hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 3 xưởng đạt tiêu chuẩn GMP-WHO: Xưởng thuốc tiêm - thuốc nhỏ mắt, Xưởng thuốc viên, cốm, bột Non β lactam và β lactam, phòng kiểm nghiệm GLP, hệ thống kho đạt tiêu chuẩn GSP.

Từng là một doanh nghiệp đứng trong top đầu của các công ty dược Việt Nam, nhưng đến nay việc kinh doanh và vị thế của Thephaco đã “xuống dốc không phanh”. Thời điểm “vàng son” (năm 2011) tổng doanh thu của công ty đạt hơn 880 tỷ đồng (Nằm trong Top 10 Doanh nghiệp Dược Việt Nam) thì đến năm 2019, tổng doanh thu công ty đạt 522,245 tỷ đồng (trong đó doanh thu hàng công ty sản xuất là 404,064 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế TNDN 3.626 tỷ đồng; năm 2020, tổng doanh thu công ty đạt 533,808 tỷ đồng (trong đó doanh thu hàng công ty sản xuất là 398,787 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2020 là 3.695 tỷ đồng. Cổ tức từ 20%, rớt xuống đáy là 0% và 4% mỗi năm.

Điều đáng nói hơn, thị phần kinh doanh của Thephaco mất dần, nhất là thị trường nội tỉnh. Cán bộ có trình độ thì ngày càng mai một. Nhiều người chán nản với mức thu nhập thấp. Đáng chú ý là số cán bộ chủ chốt cũng vì đó mà “chia tay” Công ty.

Cho đến ngày 1/5/2021, Thephaco không còn một Phó Tổng Giám đốc nào ở lại làm tham mưu giúp việc cho Tổng Giám đốc; kể cả kế toán trước kia cũng đã từ chức. Còn lại duy nhất ông Trần Thanh Minh - Tổng Giám đốc điều hành công ty.

Tháng 4/2022, Thephaco đã chính thức niêm yết trên sàn OTC với mã DTH. Ngoài ra, thương hiệu của Công ty cũng bị ảnh hưởng do quyết định thu hồi Cờ thi đua của UBND tỉnh Thanh Hóa do gian dối trong kê khai thành tích.

Bia Thanh Hóa: Doanh thu tăng cao, lợi nhuận teo tóp

Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (trước đây là Nhà máy Bia Thanh Hóa) có địa chỉ tại phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hoá, được thành lập theo quyết định số 220/ QĐ-UBTH ngày 21 tháng 2 năm 1989 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng 2 xí nghiệp là Xí nghiệp Rượu-Bia-Nước ngọt (thuộc Sở Thương nghiệp Thanh Hóa) và Xí nghiệp chế biến mỳ Mật Sơn (thuộc Công ty Liên hiệp lương thực tỉnh Thanh Hóa).

Ngày 01 tháng 3 năm 2001 Công ty Bia Thanh Hoá trở thành thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam theo quyết định số 0348/QĐ-BCN ngày 16 tháng 02 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và quyết định số 519/QĐ-UB ngày 02 tháng 3 năm 2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 06 tháng 5 năm 2003 Công ty Bia Thanh Hoá trở thành thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội. Tháng 3/2004 Công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa. Tháng 11/2018 Công ty đổi tên thành Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa.

Dây chuyền sản xuất Nhà máy bia Thanh Hóa

Tại Thanh Hoá, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát. Công ty này cũng luôn nằm trong số doanh nghiệp đóng nộp thuế lớn nhất của Thanh Hoá.

Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2019, doanh thu của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa tăng trưởng từ mức 609 tỷ đồng lên 1.167 tỷ đồng. Năm 2020, con số này tăng lên gần 1.407 tỷ đồng.

Dù có sự tăng mạnh về doanh thu nhưng lợi nhuận gộp của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa đều tăng trưởng khá ổn định trong giai đoạn này. Từ mức 121 tỷ đồng năm 2018 lên 181 tỷ đồng 2019 và đạt 192,2 tỷ đồng vào năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa theo đó dao động lần lượt lừ 19,81% vào năm 2018, giảm xuống 15,51% trong năm 2018 và tiếp tục giảm xuống mức 13,67% trong năm 2020.

Về lợi nhuận, năm 2018, doanh nghiệp này lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng, sang năm 2019 tăng mạnh lên 15,5 tỷ đồng. Tới năm 2020, dù doanh thu gần 1.407 tỷ đồng, tăng hơn 240 tỷ so với năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng. Với mức lãi này, chỉ số ROEA (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa trong giai đoạn 2018 – 2020 giảm từ 3,76% – 2,08% và chỉ số ROA (lợi nhuận ròng/tổng tài sản) cũng giảm từ 1,73 – 1,03%.

Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, quy mô tài sản của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa chỉ hơn 300 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018, tổng tài sản đạt 345 tỷ đồng thì đến cuối năm 2020, con số này giảm còn 303 tỷ đồng. Chiếm số lượng lớn trong tổng tài sản của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa là các tài sản ngắn hạn. Trong đó, năm 2018, các khoản phải thu chiếm đến gần 206 tỷ đồng trong khi tổng tài sản là 303 tỷ đồng, tức chiếm gần 68% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty trong giai đoạn 2018 – 2020 chiếm khoảng 56 – 51% tổng tài sản. Trong đó, những năm 2018 và 2020, nợ phải trả của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa giảm nhẹ từ 193 tỷ xuống 155 tỷ đồng. Trong đó, trên 90% số nợ này là các khoản nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa không thay đổi trong giai đoạn này và duy trì ở mức 114 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần du lịch Thanh Hóa: 'Chết lâm sàng' trên đất vàng

Từng được xem là biểu tượng của ngành du lịch xứ Thanh, thế nhưng khách sạn 25A nằm giữa “khu đất kim cương” của thành phố sau nhiều năm không được tu sửa hiện xuống cấp trầm trọng, chỉ còn lác đác vài phòng cho thuê kinh doanh.

Khách sạn Thanh Hoá hay còn được biết đến là khách sạn 25A thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Du lịch Thanh Hoá, có vị trí đắc địa tại số 25A Quang Trung, Phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hoá. Lúc mới hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình đạt chuẩn 2 sao và được xem là VIP nhất Thanh Hoá thời bấy giờ.

Quá khứ một thời huy hoàng là vậy, nhưng nhiều năm trở lại đây do không được đầu tư xây dựng nâng cấp, nhiều phòng để lâu không hoạt động nên khách sạn 25A xuống cấp rõ rệt, khiến ai đi qua cũng lắc đầu tiếc nuối vì sự lãng phí của một công trình đang hoạt động tốt, nằm trên vị trí đắc địa lại “đắp chiếu trùm mền” giữa thành phố.

Khách sạn 25A bỏ hoang giữa lòng thành phố

Ghi nhận của VnEconomy, tại thời điểm này, khách sạn 25A gần như không có khách lưu trú, các khu nhà và phòng ốc cửa đóng then cài, phủ đầy bụi, các ổ khoá hoen ghỉ chỉ có vài phòng được thuê để kinh doanh ở tầng 1 về phía đường Quang Trung. Đi sâu vào bên trong, các khu nhà xung quanh nhiều hạng mục hư hỏng xuống cấp, sân chơi thể thao cũng bỏ hoang cỏ mọc um tùm...

Quay lại với chủ sở hữu của khách sạn Thanh Hoá, theo tìm hiểu của PV thì Công ty Cổ phần Du lịch Thanh Hoá tiền thân là Cơ quan giao tế du lịch của UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 07/07/1985 UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 359 QĐ/TC/UB về việc chuyển đổi cơ quan giao tế du lịch là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu.

Ngày 28/09/1992 UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 1235 QĐTC/UBTT thành lập Công ty Du lịch với chức năng quản lý, trực thuộc Sở Thương mại Du lịch. Ngày 30/05/2001 UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 1315/QĐ-UB phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Du lịch Thanh Hóa thành CTCP.

Ngày 07/12/2001 UBND tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 3356/QĐ-UB chuyển Công ty Du lịch Thanh Hóa thành Công ty Cổ phần Du lịch Thanh Hoá. Ngày 20/02/2015 Công ty tiến hành Đại hội Cổ đông sáng lập chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Theo bản công bố thông tin, Công ty Cổ phần Du lịch Thanh Hoá liên tục thua lỗ trong giai đoạn 2014 - 2016. Cụ thể, năm 2014 lỗ 0,33 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 1,5 tỷ đồng và năm 2016 lợi nhuận sau thuế âm 2,1 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối quý II/2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty Cổ phần Du lịch Thanh Hoá là gần 8,3 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 7,36 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 4 tỷ đồng (chiếm 54%). Cho đến nay doanh nghiệp này gần như đã “chết lâm sàng” trên đất vàng giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa.

Công ty Sông Mã: Tiên phong trong lĩnh vực phân lô bán nền và những dự án tai tiếng

Từ một doanh nghiệp Nhà nước tiền thân là Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa thành lập năm 1993, được cổ phần hóa vào tháng 5/2013, Công ty cổ phần Sông Mã trong nhiều năm qua tuy phải đối mặt với không ít khó khăn thử thách song bằng kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, Công ty đã từng bước vượt qua khó khăn đó để ổn định hoạt động và phát triển ngày càng vững vàng hơn.

Trước cổ phần hóa, Công ty Sông Mã sở hữu các đơn vị như: Xí nghiệp xây dựng số 7; Xí nghiệp xây dựng số 9; Đội xây dựng số 10; Đội xây dựng số 11; Đội xây dựng số 12; Đội xây dựng số 14; Đội Xây dựng số 15; Cửa hàng ăn uống Nam Bắc Thành…

Ngoài ra, công ty này còn tham gia góp vốn vào 9 công ty liên doanh liên kết như: Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 2 (9,8%); Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 3 (22,7%); Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 6 (20,6%); Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Sông Mã (20%); Công ty cổ phần Chợ Lam Sơn (10,1%); Công ty cổ phần Xe khách Thanh Hóa (17,8%); Công ty cổ phần ăn uống Phù Đổng (13,2%); Công ty cổ phần sản xuất vật liệu Tự Lực (3,6%) và Công ty cổ phần xây dựng Sông Mã số 8 (25%).

Đến nay, Công ty cổ phần Sông Mã đã có hơn 25 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Và cũng là đơn vị có nhiều dự án đóng góp để làm thay đổi bộ mặt của thành phố Thanh Hóa, nhất là trong thời kỳ thành phố được chuyển đổi từ đô thị loại III lên đô thị loại I.

Những dự án đó cũng đã góp phần sắp xếp lại các khu dân cư trên địa bàn khi thành phố được mở rộng, tạo ra được những nhà ở xã hội như dự án khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp, khu Tái định cư Đông Vệ 5, khu Tái định cư Đông Vệ 2….có những dự án làm đẹp, góp phần chỉnh trang đô thị và tạo điểm nhấn cho thành phố như các dự án Quảng trường Lam Sơn, khách sạn Sao Mai, di chuyển các nhà cũ xuống cấp ở phố Phan Chu Trinh đến địa bàn khác…

Sau hơn 8 năm thực hiện chuyển đổi cổ phần, Công ty cổ phần Sông Mã đã vượt qua được nhiều khó khăn, giải quyết được nhiều việc tồn động ở các năm trước, ổn định được tổ chức tạo được nhiều việc làm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước và bảo hiểm cho người lao động, lấy lại được thương hiệu của Công ty sau những năm suy thoái kinh tế và tạo ra được khí thế mới để đưa công ty phát triển trong những năm tới. Bình quân hàng năm, Công ty nộp ngân sách từ 12 – 14 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty cổ phần Sông Mã đang tạo việc làm trực tiếp cho khoảng hơn 350 lao động với thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng.

Dự án Hạc Thành Tower đang bị Công an Thanh Hóa điều tra

Công ty Sông Mã được biết đến với tư cách là ông lớn trong thị trường bất động sản địa phương, người tiên phong trong lĩnh vực “phân lô bán nền’ trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Tuy nhiên, trên cạnh đó, những dự án của doanh nghiệp này gần đây liên tục vướng những lùm xùm, tai tiếng. Dự án Trung tâm Thương mại Bờ Hồ do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư, đã sang tay cho nhiều pháp nhân khác nhưng suốt 2 thập kỷ qua vẫn dở dang với nhiều sai phạm khủng về trật tự xây dựng.

Hay như dự án khu dân cư ở phường Lam Sơn đã đưa vào sử dụng từ lâu nhưng hàng trăm hộ dân ở khu phố CL7 vẫn 17 năm sống mòn cùng dự án dang dở. Mới nhất dự án Hạc Thành Tower của Sông Mã đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đưa vào danh sách điều tra là những ví dụ điển hình.

Tác giả: Trương Xuân Thiên

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP