|
Gian nan xin biên chế giáo viên!
Không đâu xa, ngành Giáo dục quận Ninh Kiều - quận trung tâm của TP Cần Thơ đang phải “đau đầu” tìm cách giải quyết vấn đề biên chế giáo viên. Nguyên nhân chính là quy định của ngành Nội vụ về biên chế “ra 2 vào 1” (2 giáo viên nghỉ hưu chỉ tuyển vào được 1 người). Chính quy định này đã khiến cho địa phương phải “đau đầu” bấy lâu nay!
Bà Lâm Thanh Liễu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều - nêu thực tế: “Chúng tôi đang phải giải trình với Sở Nội vụ vì sao tuyển vào 90 người trong khi có 140 người nghỉ hưu (dư hơn 20 người vì quy định cho ra 2 vào 1)! Nếu áp dụng một cách cứng nhắc, đặc biệt là đối với ngành Giáo dục thì chúng tôi rất khó khăn.
Đáng lý ra phải tăng thêm giáo viên, ngoài 140 người nghỉ hưu thì phải tuyển thêm mới đảm bảo nhu cầu do di dân cơ học. Đặc biệt là số giáo viên nghỉ hộ sản thì hiện tại không có người thay thế. Đau đầu hơn là trường hợp cô giáo lớp 3, lớp 5 cùng nghỉ hưu nhưng chỉ tuyển được cô lớp 5, vậy lớp 3 ai dạy? Với cách làm này không ổn chút nào, không khéo sẽ cho học sinh vào hội trường học vì không đủ giáo viên”.
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, địa bàn bị chia cắt bởi sông rạch, núi đồi và có cả hải đảo với hàng ngàn điểm trường lẻ nhưng Kiên Giang xin biên chế giáo viên nhiều năm qua vẫn chưa có. Tỉnh đang rất vất vả bố trí giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non vì còn thiếu hơn 500 biên chế.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang - chia sẻ: Quy định phân bổ biên chế theo số lượng học sinh là chưa hợp lý đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa. Như ở tỉnh Kiên Giang, ngành Giáo dục thiếu gần 1.000 biên chế các cấp học; trong đó cấp mầm non còn thiếu hơn 500 biên chế. Trong khi tỉnh Kiên Giang là địa bàn vùng sâu, vùng xa nên có hơn 700 trường học mà tới 1.900 điểm lẻ.
“Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm từ 5 - 10km nên không thể giảm hơn được nữa. Chúng tôi chỉ có thể tính số biên chế theo lớp chứ không thể làm theo đầu người. Nếu tính biên chế theo đầu học sinh thì hết sức khó khăn trong quá trình điều hành, giảng dạy của giáo viên” – Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang nêu rõ.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Giang: Một trong những khó khăn là quy định thẩm quyền về giao biên chế cho sự nghiệp giáo dục có sự thay đổi. Trước đây do HĐND tỉnh quyết định. Từ khi thực hiện Nghị định 41 về vị trí việc làm thì thẩm quyền này phải do Chính phủ và Bộ Nội vụ phê duyệt nên thường chậm trễ hơn.
Chưa được tự chủ về con người
Mặc dù vấn đề tự chủ trong ngành Giáo dục đã được nói nhiều, nhưng đến nay các trường chỉ thực hiện tự chủ về tài chính, còn tự chủ về con người vẫn chưa được giao. Phòng GD&ĐT chỉ làm công tác tham mưu về nhân sự, có nơi trưởng phòng GD&ĐT cũng chưa được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng... Nhiều nơi quy mô trường lớp, học sinh tăng nhưng biên chế giáo viên nhiều năm liền vẫn “giậm chân tại chỗ” nên ngành Giáo dục rất vất vả trong việc điều hành, bố trí nhân sự.
Tình trạng thiếu hụt biên chế giáo viên còn có nguyên nhân khác là do ngành Giáo dục các địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế, không tuyển dụng giáo viên từ nhiều năm qua. Trong khi đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và nghỉ theo chế độ Nghị định 108 của Chính phủ cũng tăng cao… Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, chủ trương ấn định tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp từ năm 2015 đến năm 2021 là rất hợp lý.
Tuy nhiên quá trình triển khai cần phải linh động với từng ngành, từng lĩnh vực. Đặc biệt là giáo dục, y tế là lĩnh vực trọng yếu, phải tập trung đầu tư về mọi mặt…
Trước những thực tế nêu trên, bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục rất khó vì giáo viên đứng lớp phải thực hiện đúng quy định giờ dạy, định mức giáo viên/lớp. Năm học 2017 - 2018, bậc mầm non, trung học của Cần Thơ đang thiếu giáo viên, đặc biệt là ở một số trường mới thành lập, phải hợp đồng thêm giáo viên ngoài biên chế được giao mới đảm bảo đủ giáo viên để dạy.
Nhiều trường tại quận trung tâm như quận Ninh Kiều, sĩ số học sinh/lớp vượt nhiều so với quy định (45 đến 50 học sinh/lớp, trong khi quy định tối đa 35 học sinh/lớp). Còn ở vùng nông thôn, dân cư thưa nên phải bố trí nhiều điểm lẻ để đảm bảo huy động tất cả học sinh trong độ tuổi đến trường.
Tác giả: Quốc Ngữ
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại