Tin trong tỉnh

Thảo luận tổ 5: Hệ lụy của thủy điện là rất lớn và lâu dài

Đó là nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ 5, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tổ thảo luận gồm các đại biểu được bầu tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông.

Dự phiên thảo luận tổ 5 có các đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Thành Cường.

Cần dừng triển khai các dự án thủy điện

Vấn đề được nhiều đại biểu đề cập liên quan đến hệ lụy rất lớn từ các dự án thủy điện đối với cuộc sống của nhân dân các huyện miền núi.

Đại biểu Nguyễn Đình Hùng (Con Cuông), phán ánh thực tế ở địa phương, các hội nghị tiếp xúc cử tri có đến 80% ý kiến kiến nghị của cử tri đều liên quan đến các vấn đề thủy điện. Hàng năm, qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư có đến 2/3 đơn thư của công dân liên quan đến các dự án thủy điện.

Ông Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh: “Nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện đang làm cho cuộc sống của người dân nghèo đi, chứ không phải làm giàu cho người dân. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc xem xét các dự án thủy điện”.

Đại biểu Nguyễn Đình Hùng (Con Cuông) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Cường.

Cùng đề cập đến các dự án thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng (Kỳ Sơn), cho biết huyện Kỳ Sơn hiện có đến 10 dự án thủy điện, trong đó có 3 dự án đã đi vào hoạt động.

Việc thi công và đưa vào hoạt động các dự án thủy điện trên địa bàn đã làm hủy diệt nguồn thủy sinh trên sông Nậm Nơn, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân làm nghề chài lưới trên sông.

Hiện tại để triển khai dự án thủy điện Mỹ Lý phải di dời gần 500 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu, trong khi đó đất để tái định cư không có, mà việc thực hiện di vén dân thì đang đặt ra nhiều nguy cơ mất an toàn.

Hệ lụy còn làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch, xây dựng một số công trình phúc lợi như trường học ở một số địa phương phải tạm dừng, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và người dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Hoàng đề nghị tỉnh cần dừng triển khai 2 dự án thủy điện trên địa bàn Kỳ Sơn, gồm thủy điện Nậm Mô I và thủy điện Mỹ Lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Kỳ Sơn) đề nghị HĐND tỉnh cần có giám sát tối cao về vấn đề thủy điện để có chỉ đạo kịp thời, nếu không sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn. Ảnh: Thành Cường.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Kỳ Sơn) cho rằng: “Không phủ nhận hiệu quả kinh tế - xã hội mà các dự án thủy điện mang lại, nhưng hệ lụy cũng rất lớn và điều quan trọng là tâm tư, tình cảm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các huyện miền núi đều không mặn mà đến các dự án thủy điện. Hiện tại các dự án thủy điện được xây dựng và phát điện lấy tiền, còn dân mất đất, mất nhà, bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường và công tác tái định cư cũng vô cùng vất vả. Hệ lụy của nó cũng rất lâu dài”.

Có cơ chế cho bản đạt chuẩn NTM

Đại biểu Lầu Bá Chày (Kỳ Sơn) phản ánh hàng loạt khó khăn trong xây dựng NTM ở Kỳ Sơn, đó là địa hình phức tạp; tỷ lệ đói nghèo cao, chiếm hơn 50% nên để huy động nội lực cực kỳ khó; trong 2 năm nay tỉnh không hỗ trợ xi măng; cát sỏi chưa được khai thác…

Do đó, việc xây dựng NTM ở Kỳ Sơn đang còn rất chậm; toàn huyện mới chỉ có duy nhất 1 bản được công nhận đạt chuẩn NTM trong tổng số 193 bản toàn huyện.

Đại biểu Làu Bá Chày kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu có chính sách đặc thù cho các huyện miền núi cao, trước mắt là có chính sách hỗ trợ xây dựng bản đạt tiêu chí NTM và quan tâm cấp xi măng cho các địa phương làm đường giao thông.

Đại biểu Lầu Bá Chày (Kỳ Sơn) kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu có chính sách cho bản đạt tiêu chí NTM. Ảnh: Thành Cường.

Cùng quan tâm đến chương trình xây dựng NTM, đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương), cho rằng đến thời điểm này đã qua nửa năm nhưng nguồn vốn chương trình xây dựng NTM vẫn chưa được phân bổ về cho các địa phương; điều này ảnh hưởng đến nhiều xã đăng ký về đích NTM. Vì vậy đề nghị UBND tỉnh cần tháo gỡ vấn đề này.

"Đây là một những lý do khiến tư tưởng của một bộ phận nhân dân và cán bộ thôn bản không mặn mà trong xây dựng NTM; bởi vậy, tỉnh cần nghiên cứu có cơ chế để khuyến khích các địa phương tập trung hơn", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tương Dương), phản ánh việc phân bổ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM chậm. Ảnh: Thành Cường.

Tại tổ 5, nhiều vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận về giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách cả năm 2018; vấn đề giao đất, giao rừng cho người dân miền núi; tăng cường quản lý đất đai ở cơ sở; giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn thuộc chương trình kiên cố hóa trường học…

Tác giả: Mai Hoa

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP