Đẹp

Thấy gì khi DJ Ngân 98 ăn uống thả ga và bán sản phẩm giảm cân

Trào lưu dùng thực phẩm chức năng để giảm cân thay cho thay đổi lối sống đang phổ biến, đặt ra nhiều lo ngại về hiệu quả thực sự và hệ lụy lâu dài.

"Ham ăn cho dáng đẹp, nhiều khi nhịn cũng đâu có đẹp, nhiều khi nhịn ăn vẫn mập đấy thôi", DJ Ngân 98 trả lời khi nhận được câu hỏi về chế độ ăn của mình trên sóng livestream.

Tuyên bố như một cách đáp trả antifan, nhưng đồng thời cũng thể hiện quan điểm của cô nàng này về việc ăn uống và giữ gìn vóc dáng. Ngân 98 sở hữu một kênh TikTok có hơn 1,3 triệu follower chuyên đăng nội dung mukbang (phát sóng cảnh ăn uống). Những clip tiêu thụ lượng lớn thực phẩm, từ cá trích ép trứng, tôm hùm cho đến các món liên quan đến thịt gà, pizza cỡ lớn... đều thu hút hàng triệu lượt xem.

Đồng thời, nữ DJ này cũng quảng cáo và kinh doanh sản phẩm hỗ trợ giảm cân. Mới đây, đại diện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng để kiểm tra sản phẩm này, nhưng chưa lấy được mẫu do công ty đóng cửa, nơi sản xuất đặt tại Hà Nội.

Những tranh cãi xung quanh sản phẩm của Ngân 98 là một phần trong bức tranh lớn hơn: sự bùng nổ của các loại “thực phẩm chức năng giảm cân” được các KOL/influencer quảng bá như “thần dược” trong cuộc đua tìm kiếm vóc dáng chuẩn mà không cần nhịn ăn hay vận động nhiều.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng để kiểm tra sản phẩm giảm cân mà Ngân 98 quảng cáo và kinh doanh. Ảnh: Ngân 98/Facebook.

Lối tắt hấp dẫn

Không còn là những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt hay phương pháp “ăn ít, vận động nhiều” truyền thống, nhiều người trẻ ngày nay đang tìm đến một xu hướng giảm cân mới: sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Các sản phẩm này đánh vào tâm lý phổ biến là muốn ăn uống thoải mái mà vẫn giữ được vóc dáng, thậm chí là giảm cân, theo Korea JoongAng Daily.

Làn sóng thuốc giảm cân như Ozempic nổi lên tại phương Tây, mang lại hy vọng về một “lối tắt” để đạt được thân hình chuẩn.

Ozempic là một loại thuốc được kê đơn cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, nhưng cũng rất phổ biến trong cộng đồng không mắc bệnh, khi nhiều nhân vật nổi tiếng như Kim Kardashian và Elon Musk được cho là đã giảm cân đáng kể nhờ loại thuốc này.

Chị em nhà Kim Kardashian sử dụng thuốc giảm cân để chạy theo mốt siêu gầy. Ảnh: marie claire.

Loại thuốc mới này cũng đang làm thay đổi cách người phương Tây nói về việc giảm cân khi ngày càng nhiều người dường như sẵn sàng tiếp nhận các biện pháp y tế mạnh để đạt được hình thể lý tưởng mà xã hội đặt ra. Hồi tháng 12/2023, Oprah Winfrey tuyên bố rằng bà “không còn cảm thấy xấu hổ” và công khai thừa nhận đang sử dụng thuốc giảm cân - điều mà trước đó bà luôn phủ nhận.

Hàn Quốc - nơi luôn ám ảnh với chuẩn mực sắc đẹp - cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Tuy nhiên, thay vì dùng thuốc kê đơn nhiều tác dụng phụ, người dân nước này ưu tiên các thực phẩm chức năng không cần toa bác sĩ.

Theo Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Hàn Quốc, doanh thu thị trường thực phẩm chức năng giảm cân tại nước này đã tăng hơn 63% từ năm 2019 đến 2023, đạt khoảng 236,1 tỷ won (tương đương 108 triệu USD). Không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm giảm cân "made in Korea" cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu hút khách, đặc biệt tại Đông Nam Á thông qua các sàn thương mại điện tử.

Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đủ mạnh để khẳng định hiệu quả thực sự, người dùng vẫn tìm đến các viên uống này vì cảm giác an tâm, “có còn hơn không”. “Tôi biết nó không giúp giảm cân rõ rệt, nhưng khi dùng, tôi bớt áy náy mỗi lần ăn nhiều”, một người dùng chia sẻ.

Tâm lý này phổ biến đến mức các nhà sản xuất đã chuyển hướng tiếp thị, nhấn mạnh thông điệp “giảm cân lành mạnh”, “không cần nhịn ăn”, kèm thêm vitamin và khoáng chất trong sản phẩm để người dùng cảm thấy "tràn đầy năng lượng".

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng phần lớn hiệu quả đến từ tác dụng lợi tiểu, không thực sự đốt mỡ hay điều chỉnh thói quen ăn uống. Việc thất vọng sau nhiều lần dùng sản phẩm không hiệu quả dễ đưa người dùng vào vòng lặp tiêu cực - mất tự tin, mệt mỏi và có thể dẫn đến rối loạn ăn uống.

Quảng cáo thuốc giảm cân sai lệch

Các chuyên gia đều đồng ý rằng không có viên thuốc nào có thể thay thế một chế độ ăn đầy đủ, cân đối và lối sống lành mạnh. Những viên "thần dược" được các KOL/influencer quảng bá "có thể làm mọi thứ" chỉ khiến người dùng hình thành thói quen ăn uống lệch lạc - điều cực kỳ nguy hiểm về mặt tâm lý.

Năm 2018, Michelle Lewin, người mẫu kiêm vận động viên thể hình sống tại Florida (Mỹ) có 13 triệu người theo dõi, đã đăng một bức ảnh trên Instagram, trong đó cô cầm hộp thuốc Base Carb Crush cùng dòng chú thích: “Để ăn uống thả ga… và mặc kệ đời”.

Michelle Lewin bị chỉ trích vì quảng cáo thuốc giảm cân giúp "ăn thả ga nhưng không tăng cân". Ảnh: michelle_lewin/Instagram.

Bài đăng dẫn đến trang bán sản phẩm trên Amazon - loại thuốc được quảng bá như một “giải pháp cho bữa ăn gian lận”, hoạt động như thuốc chặn hấp thụ tinh bột và giúp “kiềm chế cảm giác thèm ăn”, với lời hứa rằng người dùng có thể ăn thoải mái mà vẫn không tăng cân.

Khẩu hiệu của sản phẩm ghi: “Thỏa sức ăn những món tinh bột bạn yêu thích mà vẫn giảm thiểu tăng cân, giúp bạn không còn cảm giác tội lỗi và tận hưởng cuộc sống”.

Dù không công bố đầy đủ thành phần, sản phẩm được cho là chứa “chromium, chiết xuất hạt nho và quả mọng Maqui”. Thuốc được sản xuất bởi công ty Base Nutrition - thương hiệu thuộc sở hữu của Lewin, theo trang web cá nhân của cô.

Tuy nhiên, người mẫu đã bị chỉ trích gay gắt vì cổ súy cho một thái độ không lành mạnh đối với thức ăn, đặc biệt là tinh bột.

Huấn luyện viên cá nhân Freddie Ray - đồng dẫn chương trình podcast The Three Dumbbells - nói với The Independent: “Bạn không thể thay đổi thể chất và tinh thần chỉ sau một đêm. Việc đó đòi hỏi sự kiên trì, thói quen lành mạnh, quyết tâm và chấp nhận rằng hành trình đó sẽ có lúc chông gai. Việc dùng thuốc ‘chặn tinh bột’ hay ‘ức chế thèm ăn’ như cách Lewin nói là một kiểu chọn giải pháp tạm thời mà không đụng đến các vấn đề gốc rễ”.

Chuyên gia dinh dưỡng Rhiannon Lambert cũng lên tiếng phản đối xu hướng này. “Bất kỳ loại thuốc ăn kiêng nào cũng đều có thể cực kỳ nguy hiểm vì cơ thể chúng ta không được thiết kế để sử dụng thuốc thay cho một chế độ ăn cân bằng”.

Mukbanger Banzz bị phạt vì quảng cáo thuốc giảm cân sai lệch, gây hiểu lầm. Ảnh: Banzz/YouTube.

Lambert cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc khi nhiều người nổi tiếng với lượng follower khổng lồ lại đang cổ súy thói quen gây hại.

Tháng 8/2019, Jeong Man-su (biệt danh Banzz) - “thánh ăn” nổi tiếng Hàn Quốc với thân hình cơ bắp - từng bị phạt 5 triệu won vì quảng cáo thuốc giảm cân sai lệch. Công ty Eat4U của anh bị cáo buộc gây hiểu nhầm rằng sản phẩm giúp giảm cân hiệu quả mà không cần kiêng cữ hay tập luyện.

Tòa án xác định các video của Banzz, phát liên tục trong 3 tháng, khiến người tiêu dùng tin rằng chỉ cần dùng sản phẩm là có thể giảm cân nhanh chóng và an toàn. Thực tế, để đạt hiệu quả, người dùng vẫn phải kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện khoa học - điều không được nhấn mạnh đầy đủ trong quảng cáo.

Tác giả: Lê Vy

Nguồn tin: lifestyle.znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP