Thể thao

Thấy gì khi VPF nói chuyện hoãn V.League 2023 do Ban chấp hành VFF thông qua?

Những người quản lý bóng đá Việt Nam có lẽ phải tính toán lại việc thường xuyên dừng sân chơi chuyên nghiệp.

5 tháng đá... 4 trận

"Có lẽ công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nên thay đổi thái độ bóng đá (không) chuyên nghiệp của họ, và không cho phép V.League dừng lại nữa", chuyên gia châu Âu Jernej Kamensek khuyên VPF và VFF hãy bỏ việc dừng V.League.

Lời khuyên của Jernej Kamensek cũng là "tiếng than" đến từ rất nhiều HLV V.League. Phần lớn đều cảm thấy vô lý và gặp vô vàn khó khăn khi giải đấu liên tục bị "băm nát".

Tính ngày 19/11/2022 đến ngày 6/4/2023, trừ các cầu thủ lên U20, U23 và đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2022 thì mấy trăm cầu thủ chuyên nghiệp chỉ đá 4 trận tại V.League. Bởi có hơn 2 tháng chuẩn bị thì chơi 4 trận, rồi nghỉ 48 ngày để nhường chỗ cho U20 và U23 Việt Nam (tập để đá giao hữu).

V.League 2023 hoãn 48 ngày vì U20 và U23, dù đội tuyển quốc gia chỉ tập trung vỏn vẹn 5 ngày và không thuộc thời gian FIFA Days.


Vừa đá "nóng máy" đã phải "tắt", nhiều cầu thủ dễ rơi vào tình cảnh chán bóng đá. Vì nghỉ hơn 1,5 tháng thì phải làm lại từ đầu, từ chuẩn bị thể lực đến điểm rơi phong độ khi V.League quay lại. Nên nhớ, quãng nghỉ này dài hơn cả thời gian các đội bóng trên thế giới nghỉ vì World Cup 2022.

Mọi thứ càng khó hiểu khi V.League 2023 nghỉ 48 ngày sẽ đá tiếp 3 vòng và nghỉ hơn 1 tháng. Cụ thể, 14 đội đá 3 vòng trong 12 ngày trong tháng 4, sau đó tập chay và chuẩn bị lại từ đầu để chờ đến ngày 19/5 đá vòng 8.

Các chuyên gia châu Âu, các HLV đều cảm thấy việc dừng giải thật vô lý. "Chẳng có giải VĐQG nào đá mấy vòng lại nghỉ hơn 1 tháng, rồi sau đó đá 3 vòng thì lại nghỉ tiếp 1 tháng", HLV Vũ Hồng Việt nói sau vòng 4 V.League 2023.

VPF nói Ban chấp hành VFF thông qua

Sự bất cập về kế hoạch của VFF và VPF đã nhìn thấy rõ qua ý kiến của chuyên gia, HLV... Nhưng lãnh đạo CLB - những người đại diện cho các đội bóng tham gia các cuộc họp, và tiếp nhận thông tin, kế hoạch từ VPF. Liệu có trách nhiệm gì?

Sự tương phản rất rõ ràng qua việc nhiều HLV V.League phản ứng với thời gian nghỉ của giải đấu, còn lãnh đạo các CLB thì không hề ý kiến gì nên kế hoạch được thông qua. Đây là hiện tượng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược".

Ông Trần Anh Tú phản biện việc hoãn V.League 2023 do các CLB đồng ý, rồi Ban chấp hành VFF có 8 CLB đã thông qua. Ảnh: VPF


Ông Trần Anh Tú (Chủ tịch VPF) lý giải trên truyền thông vào hôm 22/2:"Kế hoạch hằng năm của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được VPF gửi cho các CLB đóng góp ý kiến, sau đó VPF trình VFF thông qua. Ban chấp hành VFF có tám đại diện đến từ các CLB ở V.League, nhưng các thành viên ban chấp hành đều đồng thuận với kế hoạch thi đấu này".

Ban chấp hành VFF khóa 9 (17 người) có lãnh đạo các CLB HAGL, Hà Nội FC, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Định, Viettel, SLNA, Bình Dương, phó chủ tịch VFF - ông Nguyễn Xuân Vũ là Chủ tịch CLB Phù Đổng (hạng Nhất). Hội đồng quản trị VPF (7 thành viên) có ông Nguyễn Quốc Hội (CLB Hà Nội) làm phó Chủ tịch thường trực VPF cùng đại diện CLB TPHCM, SLNA, Đà Nẵng.

Gần nhất, VPF đưa ra Dự thảo điều lệ Cúp Quốc gia có quy định:"Nhà tài trợ chính được quyền quảng cáo ngành hàng độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến Giải".

Ai cũng thấy quy định trên ảnh hưởng lớn đến cơ hội kiếm tiền của các CLB, bởi bị hạn chế chuyện tìm nhà tài trợ cho CLB. Càng bất cập khi VPF chưa công bố nhà tài trợ chính của Cúp Quốc gia 2023. Vấn đề chỉ có hai CLB có tiếng nói phản biện gồm CLB HAGL và CLB Hòa Bình (hạng Nhất).

Thấy chưa hợp lý mà không phản ánh, thấy ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng mà không ý kiến. Lãnh đạo các CLB Việt Nam đã góp phần để VPF triển khai kế hoạch bị các chuyên gia nước ngoài, HLV ngoại nói đi ngược xu thế bóng đá thế giới.

Tác giả: Văn Nhân

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP