Giáo dục

Thầy giáo tí hon: "Đầu hàng số phận là quá hèn nhát"

Với ngoại hình như học sinh tiểu học, giáo viên tin học Nguyễn Văn Hùng là tấm gương sáng cho thấy người khuyết tật vẫn có thể vươn lên thành công trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Hùng (31 tuổi) sinh ra ở Nam Đàn, Nghệ An. Thấy anh nhỏ bé so với các bạn, bố mẹ đưa anh đi khám mới biết con bị bệnh lùn tuyến yên vì thiếu hoóc môn tăng trưởng. Không còn cách nào, họ đành chấp nhận rằng anh mãi chỉ dừng lại ở chiều cao 1,17 m. Khi đó, anh mới 7 tuổi.

Thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng mắc bệnh lùn do tuyến yên thiếu hoóc môn tăng trưởng. Ảnh : Dân trí

Vì cơ thể thấp bé, thời còn đi học, Hùng luôn bị bạn bè trêu chọc. Không ít lần anh bị các bạn bồng bế như đứa trẻ trên tay. Những lúc như vậy, anh ngồi co mình lại một góc và khóc, rồi giấu cả nhà vì sợ mọi người lo lắng.

Tốt nghiệp cấp 3, anh còn chẳng dám thi đại học vì anh vẫn luôn e sợ, với ngoại hình nhỏ bé như vậy thì "khó mà làm nên trò trống gì".

"Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy ở quê nhà quá khó khăn, tôi theo dì vào miền Nam sinh sống. Ở thành phố phát triển, hiện đại, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin. Từ đó, tôi nhận ra mình vẫn có thể học và kiếm được công việc phù hợp. Tôi quyết định đăng ký một lớp kỹ thuật viên tin học trong trường Trung cấp dạy nghề Đồng Nai", anh Hùng tâm sự.

"Thế rồi đến năm 2, tôi xin đi làm gia sư. Lúc đầu người ta e ngại lắm, bảo làm sao mà bé như tôi có sức mà dạy ai. Tôi kiên trì thuyết phục họ để tôi dạy thử, nếu có kết quả mới dám lấy công.

Và rồi, một người học tốt truyền tai hai người, ba người... Tôi dần được nhiều học trò tin tưởng theo học. Sau này khi đã vững nghề, tôi cũng đi làm bảo trì, sửa chữa máy tính để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và gửi về cho mẹ chữa bệnh.

Có những lúc trở về nhà tôi gục khóc vì tại sao mình không mạnh khỏe, cao lớn như người ta. Nếu tôi có sức vóc ấy thì có thể làm nhiều việc hơn để giúp đỡ cha mẹ. Nhưng rồi thấy việc gục ngã, đầu hàng số phận là quá hèn nhát tôi lại đứng dậy, cố gắng học thật nhiều, làm việc thật chăm chỉ", thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Năm 2011, Hùng biết đến một cơ sở dạy nghề ở Hà Nội có tên là Nghị lực sống, ở đó có Nguyễn Công Hùng, thầy dạy lập trình và là "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" (Nguyễn Công Hùng đã mất năm 2012). Và rồi Hùng quyết định ra Hà Nội, tìm đến Nghị lực sống để gặp thầy Hùng rồi ở lại đến nay.

Là giáo viên tin học, Hùng đã mang đến cho các học viên khuyết tật sự tự tin, vượt qua mặc cảm.

Hiện anh Hùng đang là người quản lý đào tạo, giáo viên dạy mảng thiết kế đồ họa ở Trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội (trung tâm giáo dục cho người khuyết tật).

Hàng năm trung tâm đào tạo tối thiểu 60 học viên chia làm hai đợt, mỗi một khóa kéo dài 6 tháng, các bạn sẽ được đào tạo tin học văn phòng, photoshop, tiếng Anh, kỹ năng mềm…

"Các bạn thường tự ti về bản thân nhưng có lẽ khi gặp tôi, một người thầy cũng có ngoại hình khác biệt thì các bạn cởi mở hơn, dễ trò chuyện, làm quen hơn. Ở đây, tôi không chỉ cùng các bạn học về chuyên môn mà còn cùng các bạn vượt qua mặc cảm", anh Hùng tâm sự.

Ở trung tâm của thầy Hùng, các học viên đều không phải đóng học phí. Họ sống chung như một gia đình; sau buổi học mỗi người một chân một tay, người nấu ăn, giặt đồ, người dọn dẹp… Chi phí sinh hoạt, thuê phòng đều được mọi người tự nguyện san sẻ với nhau.

Không ai có thể ngờ người thầy giáo tí hon, dường như lọt thỏm giữa lớp học toàn học viên "khổng lồ", lại chính là người đã truyền cho họ kiến thức, kỹ năng mềm, cách vượt qua thiệt thòi của số phận và kiên cường vươn lên trong cuộc sống.

Học được một nghề là cách duy nhất để người khuyết tật tự lập và sống có ích cho xã hội.

"Học một cái nghề là cách duy nhất để người khuyết tật có thể có cuộc sống ổn định, tự lập, làm công dân có ích cho xã hội. Tuy việc học nghề với các bạn khó khăn hơn người bình thường rất nhiều nhưng tôi vẫn hy vọng, mình có thể giúp được phần nào đó cho các bạn", thầy giáo Hùng chia sẻ.

Ngoài việc dạy học, làm công tác quản lý ở trung tâm, anh Hùng còn làm MC cho chương trình “Cuộc sống tươi đẹp” trên VTV4, tham gia dự án “Truyền thông thu hẹp khoảng cách”, là thành viên dàn hợp xướng đa dạng do Viện Nghiên cứu, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức, tham gia các hoạt động thiện nguyện…

Có lẽ nhờ tân tụy hết lòng với sự nghiệp giáo dục, hạnh phúc cá nhân cũng đã đến gõ cửa "người thầy tí hon" như một món quà đền bù cho anh.

Chính tại Trung tâm Nghị lực sống, cơ duyên đã đến với Nguyễn Văn Hùng qua cô gái nhỏ bé Lê Thị Diễm My ở tận Ninh Thuận xa xôi. Giống Hùng, My cũng mắc bệnh lùn vì thiếu hoóc môn tăng trưởng nên đã 30, cô cũng chỉ cao có 1m2.

My chia sẻ, qua một số chương trình Hùng xuất hiện trên truyền hình, khi đó mới biết và quyết định liên lạc với Hùng để thổ lộ tình cảm nhưng anh từ chối. Không nản lòng, cô xin cha mẹ ra Hà Nội học nghề.

Rời quê hương ra Hà Nội, ngày đầu tiên đến một thành phố mới lạ lẫm, My được Hùng đón về khu nhà ở Linh Đàm - nơi có trụ sở Nghị lực sống. My sống ở khu nội trú dành cho học viên một thời gian, rồi đến khi tốt nghiệp được trung tâm nhận vào làm công việc chỉnh sửa ảnh. Họ là những người bạn tốt của nhau trước khi có một tình yêu đẹp.

Hai con người nhỏ bé đã vượt qua mọi kì thị xã hội để tìm hạnh phúc bên nhau.

"Em và Hùng đã thuê nhà ở cùng các bạn trong Nghị lực sống. Cũng từ mái nhà này, cả hai cảm mến nhau, cùng nhau về thăm quê hai bên, rồi sau nhiều năm tháng đã gầy dựng kế hoạch tổ chức lễ cưới" - My kể.

Tháng 10 và 11 vừa qua, đôi bạn trẻ đã tổ chức đám cưới ở quê My (Ninh Thuận) và sau đó ở quê Hùng (Nghệ An). Chị Nguyễn Thị Vân, em gái ruột của Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng và hiện là người quản lý chính ở Nghị lực sống, cho biết đám cưới Hùng - My rất vui.

Cô dâu chú rể tí hon Diễm My và Văn Hùng trong ngày cưới.

Và từ Nghị lực sống, nơi dạy nghề cho người khuyết tật, chị Vân cho biết đã có vài chục đôi trai gái nên vợ nên chồng, có nghề nghiệp, có thu nhập... Có những người cũng có chiều cao chỉ hơn 1m như My - Hùng, họ đều sống hạnh phúc và có những đôi vợ chồng đã sinh con.

Họ đã sống một cuộc đời tuyệt vời như nhiều đôi bạn trẻ khỏe mạnh khác mà không hề mặc cảm, không hề băn khoăn về chiều cao hay sức khỏe, và tự đứng thật vững chãi trên đôi chân của mình.

Tác giả: Minh Khôi (T/h)

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP