Trong nước

Thêm 4 ca mắc mới Covid-19, TPHCM và Quảng Ngãi ghi nhận thêm bệnh nhân

Sáng 2/8, Bộ Y tế công bố 4 trường hợp mắc mới Covid-19, trong đó có 2 ca trong cộng đồng ở TPHCM, Quảng Ngãi và 2 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh ở Hòa Bình.

Hai ca bệnh nhập cảnh gồm CA BỆNH 587-588 (BN587-588). Trước đó, ngày 17/7, cả 2 người từ Liên bang Nga về Sân bay Vân Đồn lúc 5h15 trên chuyến bay VN5062 (trước đó có 21 ca dương tính trên chuyến bay này), được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Hoà Bình, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần âm tính, kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 1/8 của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Đà Nẵng.

CA BỆNH 589 (BN589): Bệnh nhân nam, 42 tuổi, ở TP. Hồ Chí Minh, đã đi du lịch Đà Nẵng (Nam Hội An và quận Thanh Khê). Qua giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.

CA BỆNH 590 (BN590): Bệnh nhân nam, 40 tuổi, ở Quảng Ngãi, tiếp xúc gần BN517 (bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng). Qua giám sát, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã cách ly tập trung và lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả xét nghiệm ngày 1/8 của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại cơ sở 2 Bình Sơn - Dung Quất, Quảng Ngãi.

Như vậy đến nay Việt Nam ghi nhận 590 ca mắc Covid-19, trong đó 306 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 144 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 94.216, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 920

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.249

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 79.047

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 6 ca.

- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 8 ca.

- Số ca tử vong: 3 ca.

- Số điều trị khỏi: 373 ca.

Liên quan đến diễn biến dịch Covid-19 ở Đà Nẵng với 144 ca mắc mới liên quan đến địa phương này chỉ 9 ngày, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định dịch bệnh lần này diễn biến phức tạp hơn lần trước, với nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng vì thế cần ứng phó nhanh hơn, khẩn trương hơn. Tâm dịch lần này xảy ra tại 3 bệnh viện, chủ yếu ở Bệnh viện Đà Nẵng. Phần lớn các ca mắc đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Bộ Y tế đã cử nhóm điều trị kinh nghiệm nhất, hội chẩn thường xuyên liên tục, đã 6 lần hội chẩn quốc gia liên quan đến các ca bệnh nặng của Đà Nẵng. Bộ Y tế cũng đã cử một nhóm 30 giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ, từ hồi sức, cấp cứu cho đến phòng chống nhiễm khuẩn, thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo…

Đặc biệt có đến 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào nghi ngờ.

Đội xét nghiệm thuộc lực thuộc "Bộ chỉ huy tiền phương" lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong cộng đồng ở Đà Nẵng. Ảnh: Lê Minh - Tuấn Dũng

Hiện các lực lượng thuộc “Bộ Chỉ huy tiền phương” - Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng phụ trách đang hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19.

Theo đó các đội điều tra, giám sát dịch; đội điều trị; đội xét nghiệm đang phối hợp tích cực với y tế Đà Nẵng và các lực lượng trên địa bàn nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị, giúp y tế Đà Nẵng chuẩn bị cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đặc biệt trong việc giám sát điều tra các ca F1, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương- Đội trưởng Đội Điều tra giám sát dịch cho rằng cần cách ly hoàn toàn F1, thành lập các Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, thành viên là cán bộ tổ dân phố có mối quan hệ tốt trên địa bàn dân cư.

“Kinh nghiệm của Hà Nội và nhiều địa phương khác là tổ giám sát này có vai trò rất quan trọng. Mỗi tổ chỉ cần 1-2 người địa phương có uy tín trong tổ dân phố, đi từng nhà, động viên, thăm hỏi để biết người dân có ai ốm, ho, sốt… rồi báo ngay cho y tế”, PGS Dương nói.

Tác giả: Hồng Hải

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP