Tin trong tỉnh

Thiếu điện, khát nước ở khu tái định cư

Mặc dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhằm di dời hơn 70 hộ dân có nguy cơ chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét, nhưng 2 khu tái định cư (TĐC) tại bản Pật, xã Châu Tiến và bản Quắn, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đều trở nên bất cập khi nhiều hạng mục như hệ thống giao thông khó khăn, thiếu điện, khát nước, không nhà trẻ…

Khu tái định cư thuộc bản Quắn, xã Liên Hợp dù người dân đã vào ở nhưng vẫn thiếu nhiều hạng mục.

Trước năm 2010, bản Pật, xã Châu Tiến và bản Quắn, xã Liên Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) nằm bên bờ suối, dân cư đa số là bà con dân tộc thiểu số. Thời điểm ấy, tình trạng lũ quét, lũ ống ngày càng trầm trọng, nước lũ ngập đến nửa nhà, nhiều gia đình sau khi lũ quét đi qua chỉ còn trơ lại móng... Những hộ dân sống bên khe suối có thể bị đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào mỗi khi trời đổ mưa lớn. Thậm chí có những hộ dân đã phải bỏ nhà chạy lên nương để ở tạm lánh mỗi khi mùa mưa đến nhằm đảm bảo tính mạng.

Đến năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 379/QĐ.UBND.NN đầu tư Dự án “Di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và xã Liên Hợp”. Mục tiêu của Dự án là di dân tái định cư ổn định cuộc sống cho 73 hộ dân với tổng mức đầu tư là 36,347 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do khó khăn về nguồn vốn nên số tiến đầu tư bị cắt giảm còn 17,4 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 1.

Đến 2015, giai đoạn 1 của dự án này được hoàn thành với diện tích gần 3,5ha, bố trí 32 hộ dân, có quy mô, kết cấu đầy đủ các hạng mục. Tuy nhiên, có mặt tại bản Quắn, xã Liên Hợp, chúng tôi ghi nhận, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, hệ thống điện, nước, nhà trẻ, nhà văn hóa vẫn chưa được xây dựng… Nhưng, do nhu cầu quá bức thiết, hàng chục hộ dân đã chuyển về đây sinh sống.

Anh Vi Văn Đợi (SN 1983) dân tộc Thái, trú tại bản Quắn, xã Liên Hợp cho biết: “Dù còn nhiều cái thiếu như điện, nước, đường sá, trường học của con cách xa hơn 15km nhưng vẫn phải đến ở, chứ chỗ cũ cứ mưa đến là sợ lũ cuốn. Ngoài ra, tại điểm TĐC do ruộng nương cũng ít nên thu nhập của gia đình khá bấp bênh”.

Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Lô Thị Hoa (SN 1991) cho biết: “Chúng tôi về đây ở nhưng không có ruộng để làm, thiếu thốn đủ bề, con đi học thì xa. Mong Nhà nước làm cho con đường để dân đi lại, rồi xây cho cái trường để các cháu nhỏ không phải đi xa học nữa” - chị Hoa thở dài.

Còn tại bản Bật, xã Châu Tiến cũng không khá hơn, khi tại đây toàn bộ khu TĐC là một bãi đất trống. Hệ thống hạ tầng, đường giao thông, điện, nước... vẫn chưa được đầu tư nên người dân vẫn chưa dám chuyển đến để ở. Khu TĐC thì im lìm, cỏ cây mọc um tùm, chỗ chưa bạt núi, thay vào đó là những hố sâu do trâu đằm. Đặc biệt, nhiều điểm tại khu TĐC này đã bị sạt lở nghiêm trọng, đường vào ngổn ngang đá, xói lở, cầu cống qua suối vẫn chưa làm. Trong khi đó, 42 hộ dân trên địa bàn xã Châu Tiến thuộc diện di dời vẫn phải sống gần những khe suối chấp nhận nguy hiểm, đánh cược mạng sống của mình với những cơn lũ ống, lũ quét có thể ập về bất kỳ lúc nào.

Ông Hoàng Quang Tiệp - Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Hiện nay Dự án đang được khởi động trở lại và đang cho đấu thầu rộng rãi. “Cuối tháng 7 này họ mới khởi công trở lại. Trước mắt nghe nói sẽ xây đập tràn qua suối, sau đó làm các hạng mục khác. Chúng tôi cũng chưa biết đến khi nào xong Dự án để dân đến ở cả. Tất cả phụ thuộc vào chủ đầu tư” - ông Tiệp nói.

Còn ông Trương Văn Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản huyện Quỳ Hợp cho biết: Tại điểm TĐC ở xã Châu Tiến hiện tại đã bố trí nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 2 của Dự án. Trong khi đó, tại điểm TĐC ở xã Liên Hợp dù thừa nhận thực trạng dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nhưng bản thân ông Nam cũng chưa nhìn thấy nguồn để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng để Dự án trên hoàn thành giúp người dân vùng sạt lở sớm chuyển về an tâm sinh sống. Hiện Ban Quản lý dự án cũng đã tham mưu UBND huyện Quỳ Hợp lập hồ sơ thiết kế giai đoạn 2, đồng thời đã trình các sở, ban ngành cấp tỉnh thẩm định và phê duyệt” - ông Nam cho biết thêm. Như vậy, dù là một dự án mang tên “khẩn cấp” và thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn... theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ nhưng tiến độ thì hoàn toàn ngược lại.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP