Đại biểu Sùng Thìn Cò cho rằng cần phải nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của lực lượng công an tại cơ sở - Ảnh: Quochoi.vn |
Sáng 17-11, Quốc hội thảo luận dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở với nhiều ý kiến tranh luận về tính cần thiết của việc thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chính quy đưa ra trong dự thảo cũng như tính cần thiết ban hành luật này.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (An Giang), ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho hay dự thảo luật nêu có thể giảm được 500.000 người là chưa thuyết phục. Ông dẫn chứng: theo pháp lệnh về công an xã, hiện có 126.000 công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ phường, xã là 70.000 người, lực lượng phòng cháy chữa cháy là 500.000 người.
Do đó ông Bộ chỉ ra số người tăng mà ngân sách phải chi trả thêm là hơn 800.000 người chứ không phải là 500.000, chưa kể chi phí trụ sở, hoạt động..., ngân sách địa phương sẽ không còn cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
"Giả sử không có luật này, các quy định văn bản pháp luật hiện nay đều có hàng loạt quy định phối hợp giữa các lực lượng. Có cần ban hành luật mà sẽ ngốn nhiều ngân sách nhà nước trong thời gian tới hay không?, ông Bộ cũng đặt câu hỏi này tới Bộ Nội vụ.
Có công an chính quy, có cần lực lượng an ninh trật tự cơ sở?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội, cũng đặt câu hỏi về việc xây dựng thêm một lực lượng không, khi mà hiện nay lực lượng công an chính quy đã được đưa về xã để thay thế lực lượng công an xã không chuyên trách.
Ông cho rằng cần phát huy tốt vai trò của lực lượng này và tin tưởng vào hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, xã phường, thôn bản, tin tưởng nhân dân.
"Không có việc gì mà dân không nắm được, dân không biết. Chúng ta không biết tại vì chúng ta không tốt, chúng ta không làm tốt công tác dân vận, nắm tình hình. Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông. Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?", ông Cò phát biểu.
Thiếu tướng Cò cũng hỏi nếu xác định lực lượng này là rất quan trọng thì tại sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ, trong khi hiện nay đang đưa lực lượng chính quy xuống xã. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các đại biểu cân nhắc đối với dự luật này.
Sẽ thành "cánh tay nối dài" cho công an chính quy?
Trái ngược các ý kiến trên, nhiều đại biểu ngành công an cho rằng cần thiết có thêm lực lượng này. Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - phó giám đốc Công an Đăk Lắk - cho rằng các lực lượng này đã được hình thành ở cơ sở, đã và đang ở trong dân, là lực lượng không chuyên trách, mang tính tự nguyện, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm nòng cốt trong các nhân tố địa bàn cơ sở, trong dân.
Trong khi đó, lực lượng công an xã chính quy mặc dù đã triển khai được 100% đến xã, song theo bà Xuân, vẫn hạn chế vì có nơi chỉ bố trí được 3-5 người, lực lượng quá mỏng không thể giải quyết được các địa bàn thôn xóm, xã phường. Do đó, việc bổ sung lực lượng này là "cánh tay nối dài" giúp công an xã có thêm lực lượng hỗ trợ, tuyên truyền vận động quần chúng, hòa giải trong dân.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải - phó giám đốc Công an Hà Nội - cũng cho hay việc đưa công an chính quy về xã giúp giảm tội phạm, tạo lòng tin của nhân dân song đang gặp nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên tắc bố trí là phải đưa 100% cán bộ chiến sĩ ở địa phương khác về, nên gặp khó khăn trong nắm địa bàn dân cư, trong khi công an bán chính quy nắm kỹ được địa bàn, giúp điều tra, phá án nhanh.
Lực lượng công an chính quy cũng còn mỏng so với yêu cầu thực tế. Nhiều địa phương địa bàn rộng nhưng chỉ có 5-7 cán bộ, tuần tra khép kín cả ngày đêm là vô cùng vất vả và không đủ sức. Việc xây dựng lực lượng này cũng để hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, không tăng biên chế.
Xây dựng lực lượng an ninh trật tự cơ sở không phải để thoái thác nhiệm vụ Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định không phải xây dựng lực lượng nhiệm vụ này để thoái thác và phân cấp nhiệm vụ, trốn tránh trách nhiệm. Do lực lượng này có lịch sử hình thành từ lâu, nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, nhiều hoạt động của lực lượng này động chạm quyền tự do dân chủ, quyền công an nên phải được quy định bằng luật. Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định các số liệu thống kê là thực tế theo quy định, nếu thống nhất 3 lực lượng có thể giảm được 500.000 người "chứ không phải là con số tự nghĩ ra". |
Tác giả: NGỌC AN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ