Hốc cứu nạn trên đèo Lò Xo |
Mới đây nhất, khoảng 2h ngày 18/8 tại Km 1428+150 (trái tuyến) khu vực đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, xe ôtô tải BKS 43C - 059.20 đang lưu thông theo hướng Đà Nẵng - Kon Tum bị mất thắng, không dừng lại được trên đèo với địa hình một bên vách đá, một bên vực sâu nguy hiểm.
Tuy nhiên, lái xe đã kịp đánh lái, cho xe đi vào hốc cứu nạn và dừng lại an toàn. 4 người trên xe may mắn không bị thương, chiếc xe cũng chỉ bị hư hỏng nhẹ do đâm vào tường lốp cuối hốc cứu nạn.
Một trường hợp khác xảy ra khoảng 6h30 ngày 9/5 cũng ở vị trí trên. Xe ô tô BKS 47C-189.32 do tài xế Nguyễn Thanh Sơn (trú xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) điều khiển, đang lưu thông qua đèo Lò Xo, hướng Hà Nội - Đắk Lắk bỗng nhiên mất thắng. Anh Sơn và 2 người ngồi trên cabin thoát nạn nhờ đi vào hốc cứu nạn, 16m dài tường lốp bị hư hỏng, giao thông không bị ách tắc.
“Khi phát hiện xe mất phanh, chúng tôi đang hoảng loạn không biết xử trí thế nào vì xe đổ dốc ngày một nhanh. Cố bám đường được khoảng 500m, tôi phát hiện có một hốc cứu nạn mới làm, liền nhanh tay đánh lái cho xe lao vào. Khi xe dừng lại, 3 anh em ôm nhau khóc, vì biết mình thoát chết”, anh Sơn nói.
Ông Nguyễn Danh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đây là đoạn tuyến có đường cong ôm phải, độ dốc dọc khoảng 6%, hệ thống ATGT đầy đủ nhưng cũng hay xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Từ khi có hốc cứu nạn, số vụ TNGT giảm đáng kể.
Còn theo Ban QLDA 5, quá trình triển khai xây dựng 14 hốc cứu nạn trên tuyến đã không ít lần chứng kiến tai nạn nghiêm trọng do xe đổ đèo mất phanh. Nhưng hơn 2 tháng nay, trên đèo Lò Xo không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào.
Đáng chú ý, đây là cung đường “đen” đầu tiên áp dụng giải pháp hốc cứu nạn và làn đường hãm xe tại Việt Nam. Hai giải pháp này được thực hiện dựa trên nguyên lý của đường cứu nạn, vốn đã áp dụng nhiều nơi trên thế giới để hạn chế thiệt hại do tai nạn trên các đèo dốc.
Ông Trịnh Đức Liêm, người chủ trì thiết kế Dự án nghiên cứu tổng thể nâng cao ATGT đèo Lò Xo, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3, Cục QLĐB III cho biết, với địa hình một bên vực sâu, một bên núi cao, có cả rừng quốc gia, rừng đặc dụng, rất khó để lựa chọn được vị trí xây đường cứu nạn đạt chuẩn với chiều dài 150 - 200m trên đèo Lò Xo.
Vì vậy, việc xây dựng hốc cứu nạn từ giữa năm 2019 đến tháng 6/2020 hoàn thành đã góp phần giảm thiểu TNGT trên đèo Lò Xo, đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ rơi xuống vực vì mất phanh. Điều đặc biệt, các hốc cứu nạn này thường nằm thẳng với đoạn đường xuống dốc, ngay góc cua nên lái xe rất dễ xử lý xe lao vào hốc cứu nạn.
Theo ông Nguyễn Danh Tiến, các khúc cua gần các hốc cứu nạn đều có nhiều biển báo “hốc cứu nạn” và ghi rõ khoảng cách tới hốc cứu nạn. Vì vậy tài xế cần bình tĩnh, khi gặp tình huống không làm chủ tốc độ do mất thắng, chủ động xử lý xe chạy vào hốc cứu nạn an toàn.
Tác giả: Văn Tư
Nguồn tin: Atgt.vn