Số hóa

Thống nhất thu trọn gói 11.000 đồng/tháng cho dịch vụ SMS Banking

Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng dịch vụ.

Giữa tháng 2, nhiều người dùng đã phản ứng về việc một số ngân hàng nâng mức thu phí cước SMS Banking. Theo đó, thay vì mức cố định 11.000 đồng/tháng/số điện thoại (đã bao gồm VAT) như trước, người dùng Techcombank hiện phải trả khoản phí cao nhất 82.500 đồng/tháng cho dịch vụ SMS Banking. Phí dịch vụ này tại Vietcombank, BIDV cao nhất cũng lên tới 77.000 đồng/tháng.

Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) (Ảnh: Thế Anh).

Thậm chí, trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã liên tục kêu gọi nhau hủy dịch vụ SMS Banking của các ngân hàng. Mới đây, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các nhà mạng và ngân hàng đã cùng nhau ngồi lại để giải quyết vấn đề này.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

"Về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số ngân hàng thương mại trước đây. Tuy nhiên, với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng", ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết mức giá cước trọn gói của nhà mạng đưa ra cho các ngân hàng là 11.000 đồng/tháng cũng là giá cước trung bình mà các ngân hàng đang thu của khách hàng. Với cách tính cước này thì khách hàng sử dụng ít hay nhiều tin nhắn thì vẫn trả 11.000 đồng vì đã tính trọn gói.

"Tôi cho rằng đây là mức phí phù hợp cho khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT để không phải mất phí. Nếu khách hàng sử dụng SMS Banking thì cũng chỉ trả cước trọn gói như vậy chứ không phát sinh thêm cước nữa. Vấn đề là khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ nào thuận tiện cho mình", ông Hùng chia sẻ.

Tuy vậy, ông Hải cũng cho biết thêm rằng việc áp dụng mức cước trọn gói này trước mắt có ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông. Theo tính toán sơ bộ, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của dịch vụ này khoảng 20-30%, tùy theo từng nhà mạng.

Bên cạnh dịch vụ SMS Banking, khách hàng có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ OTT để không phải mất phí (Ảnh: Thế Anh).

Ngoài ra, đối với các ngân hàng thương mại thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.

Bên cạnh đó, việc tính cước trọn gói được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam.

"Với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, trên nền tảng hạ tầng số (viễn thông) đang có chi phí thấp, nay cộng hưởng thêm giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng được tính theo phương thức mới, sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chúng tôi cho rằng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những bước phát triển bùng nổ hơn trong thời gian tới", ông Hải chia sẻ.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP