Kinh tế

Thu tiền triệu từ trồng dưa chuột vụ đông

Theo tính toán của bà con nông dân huyện Anh Sơn, 1 sào dưa chuột năng suất đạt khoảng 1,5- 2 tấn, với giá thị trường dao động từ 8 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg, thì 1 hec ta trồng dưa chuột sau khi trừ chi phí cho thu nhập 140 triệu đồng.

Theo chân cán bộ nông nghiệp xã Tường Sơn ra cánh đồng dưa chuột lớn nhất xã, không khí hết sức nhộn nhịp khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ dưa chuột.

Vụ đông năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Phúc thôn 7 xã Tường Sơn,trồng 4 sào dưa chuột trên đất ruộng, do xuống giống sớm nên thời điểm này mới vào đầu vụ đã có thu hoạch. Năm nay thời tiết lúc mới xuống giống gặp mưa nhiều nên dưa chuột bị nấm, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên cũng đạt năng suất, dưa rất sai quả, chất lượng quả đồng đều.

"Tính đến hết vụ một sào dưa chuột của gia đình bà năng suất đạt 1,5- 2 tấn, với giá thị trường dao động từ 8 ngàn đến 10 ngàn đồng/kg, trừ chi phí cho gia đình bà Phúc thu về 7 triệu đồng/sào" - bà Phúc tr chia sẻ.

Niềm vui được mùa của bà Nguyễn Thị Phúc thôn 7 xã Tường Sơn.

Những ngày này gia đình chị Nguyễn Thị Liên cũng bận rộn hơn ngày thưởng bởi đã vào vụ thu hoạch dưa chuôt. Chị Liên cho biết: Trước đây, trên diện tích gần 2 sào đất ruộng, gia đình chỉ chuyên trồng lúa, hiệu quả không cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dưa chuột mang lại, chị đã mạnh dạn đưa cây dưa chuột vào trồng trong vụ đông. Để có sản phẩm dưa sạch, thị trường tin dùng, gia đình chị đã tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hái nên nhiều khách hàng tìm đến mua. Hiện tại, đang vào vụ thu hoạch chính, mỗi ngày gia đình chị hái được 8-9 yến, có ngày được 1,2 tạ, mỗi kg dưa chuột hiện tại có giá 8 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí vụ dưa này gia đình chị thu về gần 15 triệu đồng.

Bà con nông dân huyện Anh Sơn đang bắt đầu vào vụ thu hoạch dưa chuột vụ Đông

"Hiện nay xã Tường Sơn là địa phương có diện tích trồng dưa chuột lớn nhất huyện Anh Sơn. Ban đầu được các hộ gieo trồng tự phát nhưng đến nay đã trở thành cây chủ lực chính trong vụ đông. Hiện toàn xã có trên 15 ha tập trung nhiều ở thôn 7, thôn 8, dưa được trồng chủ yếu trên đất ruộng. Đặc biệt, giống dưa chuột ở đây là giống dưa cỏ địa phương, được người dân tự để giống, quả không to như giống dưa cao sản nhưng dòn, ngọt và thơm nên rất được người tiêu dùng ưa thích" - bà Nguyễn Thị Bích Thủy phó chủ tịch UBND xã Tường Sơn trao đổi.

Có thể khẳng định, mô hình trồng dưa chuột đã cho hiệu quả kinh tế cao, gấp 3 lần so với cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích, cây dưa chuột đã và đang đem lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.

Đây là giống dưa cỏ địa phương, được người dân tự để giống, quả không to như giống dưa cao sản nhưng dòn, ngọt và thơm, năng suất đạt khoảng 1,5- 2 tấn/sào

Vụ đông năm nay, toàn huyện Anh Sơn có 25 ha dưa chuột, được bà con trồng nhiều ở xã Cẩm Sơn, Tường Sơn, Hoa Sơn, Tào Sơn. Theo tính toán của người dân, dưa chuột là loại cây rất thích hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân địa phương, chi phí đầu tư thấp, chỉ với một bộ giàn nứa cho dưa leo, nếu bảo quản tốt có thể dùng cho 3 đến 4 vụ, hiệu quả thu lại cao. Thời gian sinh trưởng của cây dưa chuột chỉ 70 ngày, trồng sau 45 ngày đã cho thu hoạch. Khi đã bước vào vụ có thể thu hoạch liên tục 2 ngày 1 lần trong vòng 1 tháng, với năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/sào, với giá thu mua tùy thời điểm, trừ chi phí tính ra mỗi ha mang lại cho người dân thu nhập 140 triệu đồng.

Mô hình trồng dưa chuột đã cho hiệu quả kinh tế cao, gấp 3 lần so với cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.

Với phương châm “Sạch, chất lượng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, huyện Anh Sơn đã phối hợp với ngành khuyến nông các địa phương tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, khuyến khích người dân áp dụng phương pháp canh tác mới từ đó hình thành và phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa.

Tác giả: Thái Hiền

Nguồn tin: truyenhinhnghean.vn

  Từ khóa: anh sơn , Dưa chuột , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP