Trong nước

Thủ tướng: Tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn

Theo Thủ tướng, chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng “tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn”.

Tại Hội nghị về cải thiện năng suất lao động quốc gia, sáng 7/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nếu tính năng suất lao động (NSLĐ) theo cách lấy GDP chia cho tổng số lao động thì con số này của Việt Nam còn thấp.

Tuy nhiên, Thủ tướng dẫn lời của GS. Michael Porter, cha đẻ của lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia, nêu rõ “chúng ta phải hiểu đầy đủ rằng năng suất sử dụng các nguồn lực bao gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên khác, trong đó đặc biệt là năng suất của lao động đóng vai trò trung tâm, vì đây là thước đo chính xác nhất và có ý nghĩa duy nhất cho năng lực cạnh tranh, mặc khác đây là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia”.

Thủ tướng yêu cầu phải cải cách thể chế để tháo gỡ nút thắt về năng suất

Theo Thủ tướng, chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng “tiềm lực trong mỗi người dân của chúng ta rất lớn”. Điều này thể hiện mức tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước ASEAN cũng như nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 5,8%.

Thủ tướng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp. Thiếu nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là kỹ năng mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu.

Thủ tướng nêu các định hướng lớn để thúc đẩy tăng năng suất lao động mà đầu tiên là phải cải cách thể chế để khắc phục “nút thắt” ở trên. Nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi lao động được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế và xã hội.

Một hướng quan trọng để giải bài toán năng suất hiện nay là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng. Ngoài ra, cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất.

Cần cải cách mạnh mẽ và nhanh hơn nữa khu vực doanh nghiệp Nhà nước để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ khu vực tư nhân và các khu vực khác như hợp tác xã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp tục thu hút FDI một cách có chọn lựa, ưu tiên các dự án sử dụng nguồn lực chất lượng cao để cùng với khu vực kinh tế trong nước nâng cấp nền sản xuất, tăng năng suất chung của nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh định hướng tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó trở thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm.

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

Điều này giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Theo đó, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Hơn bao giờ hết, việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới. Một lần nữa, bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang dự kiến đặt mục tiêu phát triển cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

Tác giả: Hà Duy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP