Trong nước

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật

Thủ tướng yêu cầu Bộ nào chưa giao Bộ trưởng trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại.

Sáng 28/9, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự thảo báo cáo theo quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).


Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, báo cáo theo phân công, xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc hoàn thiện, trình văn bản; bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ, cơ quan nào chưa giao Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng.

Song song với đó, theo người đứng đầu Chính phủ, cần bố trí đủ biên chế với cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả đam mê, xem xét tuyển mới các nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách, chế độ phù hợp, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội; chú ý lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của các đối tượng tác động, các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm, các nhà hoạt động thực tiễn.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các thành viên Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).


Trước đó, ngày 15/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, hiện đội ngũ làm công tác pháp chế trên cả nước là khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người làm chuyên trách, 7.000 người kiêm nhiệm. Các Bộ ngành Trung ương có 89 tổ chức pháp chế và 65 phòng pháp chế ở địa phương.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên sau rất nhiều lần đôn đốc, hiện mới có 8/28 Bộ trưởng tham gia chỉ đạo công tác này.

"Tôi xin nêu và cũng đồng thời cảm ơn các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước. Số còn lại 20/28 Bộ là do Thứ trưởng phụ trách", ông Lê Thành Long nói.

Tác giả: ANH VĂN

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP