Tin trong tỉnh

Thực hiện tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về Chuyển đổi số

Là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính –Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 tổ chức vào sáng 12/10.

Tham dự chương trình còn có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Hồ Đức Phớc – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở TT&TT và các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, các doanh nghiệp, đại diện Tổ công nghệ số cộng đồng tiêu biểu tại địa phương.

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An

Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, theo đó lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chính phủ tổ chức Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia - sự kiện quan trọng này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Năm 2024, Ngày chuyển đổi số quốc gia có chủ đề: "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".

Sự kiện cũng truyền tải thông điệp của Chính phủ quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và hiện đại hóa quản trị quốc gia, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho đất nước.

Tại chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp tập trung thảo luận về các giải pháp chuyển đổi số ngành dệt may, giải pháp nông nghiệp thông minh, giải pháp thanh toán trực tuyến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh.

Lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Giang, Hà Nội, Thanh Hoá, Đồng Tháp… làm rõ hơn đóng góp của Tổ Công nghệ số cộng đồng giúp người dân đồng bào dân tộc miền núi phát triển kinh tế số trong hoạt động du lịch cộng đồng; thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; chung tay thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số giúp địa phương đạt được các tiêu chí chuyển đổi số cấp huyện…

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đồng bộ, quyết liệt

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Trong thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; các cấp, các ngành của tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số một cách đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiện đại.

Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đang gấp rút hoàn thiện, sớm ban hành Đề án Chuyển đổi số của tỉnh. Đến nay tỉnh đã đạt được 10/11 mục tiêu về Chính quyền số, 04/06 mục tiêu về Kinh tế số, 02/03 mục tiêu Xã hội số. Các nền tảng số, phần mềm dùng chung của tỉnh đều được triển khai trên các nền tảng điện toán đám mây bảo đảm vận hành hiệu quả, an toàn thông tin. Tỉnh đã triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn, bản gồm 460 tổ cấp xã với 5.221 người tham gia; 3.793 tổ cấp thôn, xóm với 18.093 người tham gia...

Các đại biểu tham dự điểm cầu tỉnh Nghệ An

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Nghệ An còn gặp một số khó khăn, vướng mắc; kết quả chung về công tác chuyển đổi số của tỉnh còn chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để quyết tâm, nỗ lực thực hiện Chuyển đổi số đạt kết quả cao nhất, đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Bộ TT&TT đề ra. Đặc biệt tập trung vào các nhiệm vụ: Thực hiện số hóa tài liệu, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực hồ sơ điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Ưu tiên chỉ đạo triển khai tại các ngành, lĩnh vực quan trọng có đóng góp lớn cho GRDP như: Công thương, Du lịch, Nông nghiệp, TT&TT…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, các cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất kinh doanh và người dân. Hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển kinh tế số, từng bước xây dựng xã hội số. Tăng cường triển khai các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, bản...

Quan tâm kịp thời, tôn vinh các điển hình làm tốt các nhiệm vụ về Chuyển đổi số

Nhấn mạnh lại tinh thần toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả trong Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong thực hiện các nhiệm vụ về Chuyển đổi số, giao rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là mục tiêu, chủ thể của Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nếu làm tốt công tác chuyển đổi số, xếp hạng của Việt Nam về chuyển đổi số trên thế giới sẽ được tăng lên, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia, qua đó thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư tốt nhất. “Chúng ta đi sau về chuyển đổi số nên phải có tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”. Các cơ quan, đơn vị cần ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về Chuyển đổi số đã đề ra. Xây dựng hoàn thiện thể chế về Chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, đi đôi với đó là các hạ tầng chiến lược khác; xây dựng các chính sách hỗ trợ cho Chuyển đổi số. Các Bộ, ngành, địa phương quan tâm kịp thời, tôn vinh các điển hình làm tốt các nhiệm vụ về Chuyển đổi số trong phạm vi quản lý của mình.

Đánh giá cao hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, theo Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, với những hoạt động tích cực, rộng khắp của Tổ công nghệ số cộng đồng, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, từ đó đạt được những thành quả bước đầu, bền vững của công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia nói chung và tại các địa phương nói riêng…

*Cũng tại Chương trình này, Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể đối thoại với các Tổ chức, Doanh nghiệp và thành viên tiêu biểu Tổ công nghệ số cộng đồng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Minh Thanh - Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng Khối 5, phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng lựa chọn của mọi quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Để thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia thì vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong việc kiến tạo, nâng đỡ cho chiến lược này; vì vậy, phải hoạch định được chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia. Trong nhiều yêu cầu phải “đuổi kịp, tiến cùng, vượt lên” thì “tiến cùng và vượt lên” về mặt tư duy là đi đầu còn công nghệ, đầu tư có thể đi sau. Muốn vận hành Xã hội số thì phải có một hệ thống pháp lý để đầu tư, phát triển, vì vậy chức năng của Chính phủ là phải xây dựng một hệ thống pháp lý để vận hành Xã hội số. Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng về đầu tư hạ tầng cho Chuyển đổi số như điện, sóng, cơ sở dữ liệu… Phải đào tạo được nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cho Chuyển đổi số, vì vậy, Chính phủ cần phải hoạch định được nội dung này. Bên cạnh đó, phải tập trung tuyên truyền, nâng cao dân trí để thực hiện Chuyển đổi số, mục đích cuối cùng của Chuyển đổi số là phục vụ người dân vì vậy người dân cần biết và sử dụng các tiện ích này. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đánh giá cao vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng và mong muốn sẽ tiếp tục nhân rộng các hoạt động hiệu quả của Tổ hướng dẫn cho người dân để “người dân sử dụng Chuyển đổi số càng nhiều thì Xã hội số của chúng ta càng thành công”.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP