Ghế rồng, biểu tượng của quyền uy
Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2.
Đây là nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời là trung tâm chính trị của Trung Quốc suốt 500 năm.
Tử Cấm Thành, nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh (Ảnh: Travel). |
Bên trong Tử Cấm Thành gồm hơn 9.000 căn phòng được chia thành 3 đại điện lớn, gồm điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa. Tiếp đó mới tới chốn Hậu cung là nơi ở của các phi tần.
Trong đó, điện Thái Hòa là nơi các Hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh dùng để thiết triều, bàn chính sự. Ngay giữa điện là chiếc ghế rồng bố trí ở khu vực trung tâm, được những người thợ lành nghề nhất thời bấy giờ thiết kế tinh xảo, tượng trưng cho quyền uy Thiên tử. Sử sách Trung Hoa từng ghi lại, chỉ những bậc "Chân mệnh thiên tử" mới được phép ngồi lên ghế rồng. Những kẻ khác nếu mạo phạm sẽ bị trừng trị đích đáng.
Chất liệu tạo nên ghế rồng không phải loại gỗ thông thường. Người xưa sử dụng thứ gỗ có lõi vàng, mùi thơm đặc trưng và đạt độ bền cao. Loại gỗ này có khả năng tồn tại thời gian dài nên còn dùng làm quan tài phục vụ cho giới quý tộc và quan lại thời xưa.
Ghế rồng ở điện Thái Hòa được thiết kế tinh xảo (Ảnh: Sohu). |
Do trải qua nhiều biến cố lịch sử và các thời đại thay đổi, việc sửa chữa ghế rồng khó khôi phục đúng hiện trạng như ban đầu. Theo đại diện Bảo tàng Cố Cung ở Tử Cấm Thành, muốn sửa chữa lỗi nhỏ của ghế rồng cần rất nhiều thời gian. Đến nay, món báu vật này vẫn được trưng bày ở điện Thái Hòa và không mở cửa cho du khách tới tham quan.
Thực hư về 2 nhân vật bỏ mạng sau khi ngồi lên ghế rồng
Tài liệu cổ Trung Hoa có nhắc tới chi tiết ghế rồng là bảo vật rất linh thiêng vốn chỉ dành cho người có thân phận cao quý, là bậc Thiên Tử (tạm dịch: con trời). Những người bình thường khác từng ngồi lên đều nhận kết thúc giống nhau.
Đầu tiên là Lý Tự Thành. Năm 1627, Sùng Trinh lên ngôi Hoàng đế nhà Minh. Nhưng triều đình mục nát, ông không thể xoay chuyển tình thế. Một trong những cuộc khởi nghĩa mạnh nhất ở Trung Hoa thời điểm đó do Lý Tự Thành đứng đầu.
Sau khi lật đổ nhà Minh, Lý Tự Thành chiếm ngôi báu, tự xưng làm Hoàng đế. Ông ngồi lên ghế rồng ở Tử Cấm Thành, bắt quan lại tới bái lạy. Chỉ một ngày sau, Lý Tự Thành đốt cháy Tử Cấm Thành, kéo quân chạy khỏi Bắc Kinh. Sau khi lên ngôi vua hơn 40 ngày, ông bị Ngô Tam Quế cướp ngôi.
Sử sách ghi chép, Lý Tự Thành chết ở Hồ Bắc vào tháng 4/1645. Xung quanh cái chết vẫn còn nhiều nghi vấn.
Chân dung Viên Thế Khải (Ảnh: WK). |
Tiếp đến là Viên Thế Khải. Vào tháng 2/1912, ông uy hiếp Phổ Nghi, Hoàng đế nhà Thanh thoái vị, để tìm cách đăng cơ. Chuẩn bị cho lễ đăng cơ, Viên Thế Khải bỏ ngai vàng của nhà Thanh trong điện Thái Hòa, thay bằng ghế rồng mới của mình. Tháng 12/1915, Viên Thế Khải mặc áo rồng, tổ chức lễ tế trời ở đền Thiên Đàn phía đông Bắc Kinh. Đến tháng 6/1916, ông đột ngột qua đời.
Trước những ý kiến trái chiều về lời nguyền bí ẩn xung quanh ghế rồng, nhiều chuyên gia cho rằng, những nhân vật kể trên đều xuất hiện trong thời kỳ chiến tranh, là tướng lĩnh cầm đầu các phong trào nổi dậy. Xét trong bối cảnh lịch sử, họ sống ở thời kỳ loạn lạc, nhiều biến động, nên việc bỏ mạng ngoài ý muốn là điều bình thường.
Tác giả: Huy Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí