Du lịch

Thực hư chuyện hồn ma dưới chân Vạn Lý Trường Thành dài gần 7 nghìn cây số

Vạn Lý Trường Thành là một công trình kiến trúc hùng vĩ, một tấm chắn phòng ngự bảo vệ biên giới phía Bắc của Trung Quốc. Trường Thành được ca ngợi là một trong những kỳ quan nhân tạo vĩ đại nhất của thế giới, nơi đây luôn hấp dẫn du khách bởi nhiều cảnh quan đẹp cùng với những câu chuyện kỳ bí.

Vạn Lý Trường Thành dài gần 7000km.

Gần 1 triệu người chết khi xây dựng

Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành bằng đất và đá nổi tiếng của Trung Quốc. Nhiều người đã nghĩ Vạn Lý Trường Thành là công trình ở Bắc Kinh nhưng Vạn Lý Trường Thành thật ra là tên gọi chung của tập hợp nhiều thành lũy bằng đất đá được xây dựng từ khoảng 2500 năm trước trong thời Tây Chu, kéo dài ngàn vạn cây số từ phía Đông sang Tây.

Nó có chức năng như một tuyến phòng thủ quân sự để bảo vệ đế quốc Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công, xâm lược của của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Bởi vai trò quan trọng này mà nó được kéo dài liên tục trong suốt 2000 năm sau đó, cho đến cuối triều đại nhà Minh, mở rộng ra 15 tỉnh thành của Trung Quốc, mang hình dạng uốn lượn của Rồng. Ngày nay, Vạn Lý Trường Thành trở thành biểu tượng văn hóa của Trung Quốc.

Tần Thủy Hoàng là người đề ra ý tưởng xây dựng Vạn lý Trường Thành bảo vệ Trung Hoa khỏi sự xâm lấn, cướp bóc của các bộ tộc du mục phương bắc. Trên thực tế, các dấu vết đầu tiên về Vạn lý Trường Thành đã có từ trước thời Tần Thủy Hoàng hàng trăm năm, trong giai đoạn Xuân Thu - Chiến Quốc.

Năm 220 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng ra lệnh xóa hết biên giới giữa các nước chư hầu, các bức tường ở phía bắc được kết nối thành Vạn lý Trường Thành. Tướng Mông Điềm được giao nhiệm vụ giám sát quá trình xây dựng, tận dụng một đội quân khổng lồ, dân thường và các tù nhân. Vạn lý Trường Thành thời Tần Thủy Hoàng dài 4.800km, từ Sơn Hải Quan cho đến tỉnh Cam Túc. Ở một số khu vực, tường thành được xây dày hơn để gia cố an ninh.

Ngày nay, những di tích về Vạn lý Trường Thành chủ yếu được xây ở thời nhà Minh (1368-1644). Vạn lý Trường Thành ngày nay được xây từ năm 1474, sau một giai đoạn nhà Minh không ngừng mở mang bờ cõi, chuyển về trạng thái phòng thủ. Ước tính có khoảng 25.000 tháp canh đã được xây dựng dọc theo bức tường. Dọc theo trường thành là các đền thờ, cống vật, đền thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Quan Vũ, một vị tướng phục vụ trong triều đại nhà Hán, sống ở thế kỷ thứ 3, cũng có đền thờ được xây dựng tại đây.

Vạn Lý Trường Thành được tạo ra từ các vật liệu xây dựng bình thường như đất và đá là phần lớn. Tuy nhiên có một điều thú vị, gạo nếp được kết hợp vào công thức làm vữa nhờ tính chất kết dính của nó. Các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng hợp chất amylopectin (hợp chất tạo sự kết dính) có trong gạo giúp tường thành vững chắc và bền bỉ hơn.

Ngoài xây dựng tường thành, các chuyên gia còn phát hiện người xưa tận dụng loại vữa gạo nếp này xây dựng lăng mộ, thành quách. Một số công trình kiến trúc vẫn tồn tại tới ngày nay. Ngày nay, chiều dài của Vạn Lý Trường Thành lên tới 6.700 km trải trên địa phận của 6 tỉnh phía bắc Trung Quốc.

Để xây nên công trình vĩ đại này, người dân Trung Hoa đã hao tốn không biết bao nhiêu máu và nước mắt. Đây là công việc cực kỳ nguy hiểm, trong quá trình xây dựng, bảo trì, giám sát Vạn Lý Trường Thành, những người phu xây dựng phải làm việc cật lực trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, kể cả khi gió mưa, bão tuyết và không ít máu xương đã đổ ra trên từng chặng đường của công trình.

Việc bị điều động đi xây dựng trường thành cũng là hình phạt thường xuyên của tù nhân thời nhà Tần, nhất là những tù nhân bị tử hình. Để phân biệt với người dân lao động bình thường, quản sự đã cạo đầu tù nhân và bôi đen mặt họ rồi trói tay chân lại bằng xích tạo thành một chuỗi.

Ước tính số lượng lên tới 800.000 người bao gồm tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách... phải làm khổ sai, mùa đông thì lạnh buốt, nước đóng băng, mùa hè thì không khí nóng như nung, mù mịt cát bụi. Hàng ngàn người đã chết trong quá trình xây dựng bức Trường Thành này, trong đó một số được chôn cất ngay dưới móng tường thành, nhiều đến mức Vạn Lý Trường Thành còn được mệnh danh là “Nghĩa trang dài nhất thế giới”.

Tuy vậy những câu chuyện kinh dị truyền miệng như gạch vữa xây nên Vạn Lý Trường Thành được trộn từ xương người là hoàn toàn không có thật. Vữa xây Trường Thành gồm nhiều loại vật liệu khác nhau qua các thời kỳ, từ bột gạo, đất sét, đá đến gạch vun, gỗ, đá vôi…

Trên thành cất những đồn canh, có đường rộng chạy ngựa được để nối các đồn với nhau. Không biết bao nhiêu lời than thở, bao nhiêu nước mắt của thân nhân những người đó, không văn nhân thi sĩ nào chép lại hết được. Trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương Nữ: "Nàng thương nhớ chồng, đi 10 ngàn dặm đường để thăm chồng bị bắt đi xây thành, đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi.

Xung quanh chỉ là rừng núi và đá. Không biết kiếm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng, khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng, tự động tách ra cho nàng tìm thấy hài cốt chồng".

Hồn ma chân Vạn Lý

Vào năm 1987, Vạn Lý Trường Thành được UNESCO công nhận là một di sản thế giới. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, công trình này trở thành địa điểm du lịch hút khách tới tham quan và tìm hiểu về những giá trị văn hóa - lịch sử của người Trung Quốc thời xưa.

Tới Vạn Lý Trường Thành nhất định phải đến những điểm nổi tiếng sau đây. Đầu tiên Bát Đạt Lĩnh là đoạn Trường Thành được trùng tu tốt nhất, được phần lớn du khách đi tour Bắc Kinh ghé thăm, cách trung tâm Bắc Kinh 80km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, Bắc Kinh. Đoạn Trường Thành chạy qua địa điểm này được xây dựng năm 1505 thời nhà Minh. Khúc Trường Thành tại Bát Đạt Lĩnh này là phần thăm quan đầu tiên được mở cửa vào năm 1957. Nhìn từ xa, Bát Đạt Lĩnh cong cong, dốc thoai thoải, như lưng rồng trắng uốn lượn trên triền núi xanh tươi bát ngát, làm choáng ngợp biết bao du khách đi du lịch Bắc Kinh.

Cửa Ải Gia Dục Quan, hay còn gọi là Pháo Đài Gia Dục Quan, là cửa ải đầu tiên ở phía Tây Vạn Lý Trường Thành, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Đây là một trong những cửa ải chính của Vạn Lý Trường Thành, cùng với Cư Dung Quan và Sơn Hải Quan. Nơi đây được mệnh danh là “cửa ải lớn nhất thiên hạ”, xây dựng từ năm 1372, thời nhà Minh. Cửa ải này còn là một điểm quan trọng trên con đường tơ lụa cổ đại.

Truyền thuyết kể rằng khi Gia Dục Quan mới ở trên bản vẽ thiết kế, quan phụ trách đã yêu cầu người thiết kế ước lượng số viên gạch cần đến. Người này đã lên kế hoạch tỉ mỉ, cần 99.999 + 1 viên gạch để xây thành lũy. Khi pháo đài hoàn thành thì chính xác thừa đúng 1 viên. Viên gạch đó đến nay vẫn được đặt trang trọng trên cổng thành Gia Dục Quan.

Sơn Hải Quan hay Du Quan, là một trong 3 ải chính của Vạn Lý Trường Thành. Nơi bức tường thành này giáp với biển Bột Hải được gọi là “Lão Long Đầu”. Cửa ải này mang danh “Cửa ải đầu tiên dưới Thiên đường”…

Song song với những điểm nổi tiếng, Vạn Lý Trường Thành còn thu hút những du khách hiếu kỳ khi nơi đây gắn liền với những câu chuyện ma quái kỳ bí. Một số du khách khi đến tham quan Vạn Lý Trường Thành đã nhìn thấy bóng dáng mờ ảo của những công nhân hay binh sĩ từng ở nơi này. Những bóng người này thoắt ẩn thoắt hiện khiến nhiều người gan dạ nhất cũng phải sợ hãi.

Rùng rợn hơn, một vài người kể rằng nghe thấy tiếng bước chân hành quân của binh sĩ từng làm nhiệm vụ tại Vạn Lý Trường Thành hay tiếng khóc bi thương dù xung quanh không có người nào đang khóc.

Chính những câu chuyện kỳ bí và rùng rợn này khiến một số người cho rằng chúng có liên quan đến “hồn ma”. Đó có thể là linh hồn của hàng triệu công nhân bỏ mạng trong quá trình xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Họ được chôn ngay bên dưới công trình này do đường xá xa xôi không thể đưa về quê mai táng. Ngoài công nhân, những lính canh bỏ mạng khi làm nhiệm vụ tại Vạn Lý Trường Thành vì công việc vất vả, thời tiết khắc nghiệt... cũng được chôn cất tại đây. Do vậy, linh hồn của những người này không được siêu thoát, vẫn ở lại Vạn Lý Trường Thành và gây ra những sự việc kỳ bí khó lý giải.

Cho tới tận bây giờ, những câu chuyện này thu hút sự quan tâm của công chúng dù giới khoa học chưa thể chứng minh hồn ma có thật hay không.

Tác giả: Thu Thương

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP