Đài Sputnik dẫn báo cáo ban đầu cho biết trong số 103 người thiệt mạng có 13 nhân viên quân sự Mỹ, 28 thành viên Taliban, còn lại là dân thường.
Một phát ngôn viên của Taliban nói với Reuters: "Chúng tôi đã mất nhiều người hơn người Mỹ. Không có lý do gì để Washington gia hạn thời hạn rút quân".
Vụ đánh bom kép xảy ra trong bối cảnh quân đội Mỹ và đồng minh đang thực hiện chiến dịch sơ tán tại sân bay thủ đô Kabul, hạn chót vào ngày 31-8.
Vụ đánh bom kép xảy ra gần sân bay thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 26-8. Ảnh: Reuters |
Nhánh ISIS-K của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép, do hai kẻ đánh bom tự sát tiến hành. Các vụ tấn công vấp phải sự lên án của một số quốc gia, bao gồm Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, thậm chí cả Taliban đang kiểm soát thủ đô Kabul. Phong trào này thề sẽ bắt những kẻ liên quan phải đền tội.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết làm mọi thứ để trừng phạt những kẻ khủng bố.
"Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích và người dân của mình bằng mọi biện pháp. Chúng tôi sẽ không bị cản trở bởi những kẻ khủng bố và không để chúng làm ảnh hưởng chiến dịch sơ tán" - ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Tổng thống Biden còn cho biết ông đã thảo luận với các chỉ huy quân sự Mỹ về "kế hoạch tấn công căn cứ, thủ lĩnh và những kẻ khủng bố của ISIS-K".
"Tôi chưa bao giờ quan tâm việc chúng tôi nên hy sinh mạng sống của người Mỹ để cố gắng thành lập một chính phủ dân chủ ở Afghanistan. Mỹ không có lợi ích ở Afghanistan" - nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.
Về cuộc thảo luận "tấn công căn cứ, thủ lĩnh và những kẻ khủng bố của ISIS-K" mà Tổng thống Biden nhắc tới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 27-8 đặt câu hỏi liệu Mỹ có biết chính xác căn cứ và nơi ở của thủ lĩnh ISIS-K để nhắm mục tiêu hay không.
Vụ đánh bom kép gây ra thương vong lớn nhất cho quân đội Mỹ trong một sự cố như vậy khoảng 1 thập kỷ trở lại đây. Chúng diễn ra sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul khiến Mỹ và đồng minh vội vã đưa công dân và nhân viên ngoại giao của mình sơ tán khỏi Afghanistan do tình hình an ninh bấp bênh.
Một số quốc gia, chẳng hạn như Anh, đã cam kết tiếp nhận người tị nạn Afghanistan từng đóng vai trò hỗ trợ cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan.
Tác giả: Phạm Nghĩa
Nguồn tin: Báo Người lao động