XEM CLIP
Trong căn nhà nhỏ nằm cạnh trụ sở UBND xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế), tiếp xúc với PV VietNamNet chiều 16/10, ông Hà Phước Đông, nhân viên Trạm bảo vệ rừng 67 (Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền) vẫn chưa hết bàng hoàng.
Ông Hà Phước Đông kể lại sự việc với PV. VietNamNet. |
Theo ông Đông, từ sáng sớm 12/10, trên địa bàn xã Phong Xuân xuất hiện mưa lớn, nước lũ trên thượng nguồn cuồn cuộn đổ về khiến mực nước lũ trên sông Bồ dâng cao.
Sau bữa ăn sáng muộn, khoảng 9h30 cùng ngày, ông Đông cùng một đồng nghiệp tên Hồ Ấn gói lương thực, thực phẩm, theo tuyến đường 71 đi thẳng vào khu vực Trạm bảo vệ rừng 67 để trực.
“Khi đến đoạn cầu tràn Khe Cát (cách trạm khoảng 10km), chúng tôi nhìn thấy mực mước lũ dâng cao, không thể qua được.
Cùng lúc này, tôi nhận được điện thoại của anh Hoàng Hậu (Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng 67 – PV) gọi, thông báo tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp và yêu cầu quay trở về để đảm bảo an toàn”, ông Đông nhớ lại.
Dự báo với mưa lớn như hiện tại, trong những ngày tiếp theo sẽ có lũ lớn, nếu vào trạm rồi ở lại sẽ có khả năng gặp nguy hiểm nên cả ông Đông và ông Ân báo lại lãnh đạo trạm, xin được quay về nhà.
Thủy điện Rào Trăng 3: Nhân viên bảo vệ rừng kể phút giây “lạnh người” |
Cũng theo chia sẻ của người nhân viên này, nếu không có cuộc gọi điện kịp thời của Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng 67, chắc số người gặp nạn vào rạng sáng hôm sau không dừng ở con số 13.
Phút giây “lạnh người”!
Trưa 13/10, khi đang ngồi trong nhà thì ông Đông bất ngờ thấy Phó Chủ tịch xã Phong Xuân hớt hải chạy vào.
Vị này nhanh chóng thông báo cho ông Đông biết, đoàn cán bộ cứu hộ gồm lãnh đạo địa phương, lực lượng quân đội trên đường vào cứu hộ các công nhân bị vùi lấp tại thủy điện Rào Trăng 3 đã gặp nạn trong đêm khi đang dừng chân tại khu nhà nghỉ của Trạm bảo vệ rừng 67, hiện đang có 13 người mất tích.
Khuôn mặt ông Đông vẫn chưa hết thất thần. |
“Vị phó chủ tịch biết tôi làm nhân viên bảo vệ ở đó, đề nghị tôi hỗ trợ lực lượng chức năng, tiếp cận và xác định hiện trường”, ông Đông nhớ lại.
Sau nhiều giờ băng đèo, lội suối, ông Đông cùng một số người trong đoàn cứu hộ tìm đến hiện trường Trạm bảo vệ rừng 67 – nơi có 13 cán bộ cứu hộ gặp nạn.
“Tôi đã lạnh người khi tận mắt nhìn thấy cảnh hoang tàn, đổ nát. Châm vội điếu thuốc đưa lên miệng và trấn tĩnh lại, tôi mới nhận ra rằng, mình đã may mắn thoát nạn.
Là người có hơn 4 năm sống và làm việc tại đây, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Nó chẳng khác gì hậu quả của một trận động đất có cường độ lớn”, nhân viên bảo vệ rừng này chia sẻ.
Theo ông Đông, trước mắt ông lúc này là một đống bùn đất, đá đổ nát. Khu nhà nghỉ, nhà làm việc của các nhân viên bảo vệ rừng trong phút chốc chỉ còn là một bãi đất tan hoang, không còn vết tích.
Hiện trường tan hoang tại khu vực từng là trụ sở trạm bảo vệ rừng 67. |
Cũng theo lời kể ông Đông, tại hiện trường, một cán bộ trong đoàn cứu hộ nhờ ông định hình và đánh dấu vị trí của ngôi nhà của trạm – nơi đang vùi lấp 13 cán bộ của đoàn cứu hộ.
“Lúc này tôi mới hiểu được nguyên nhân vì sao trong quãng đường di chuyển vào hiện trường, những cán bộ trong đoàn cứu hộ lại có thái độ khẩn trương, gấp gáp như vậy”, ông Đông buồn rầu.
Không chút chần chừ, nhặt vội những cành cây còn dánh chặt bùn đất, ông Đông cắm xuống các vị trí, đánh khuôn viên ngôi nhà.
“Ở đó! Những vị trí của các cành cây là tọa độ chính xác của ngôi nhà trước khi bị bùn đất san ủi. Những cán bộ gặp nạn chắc đang nằm dưới ấy!, ông Đông chỉ tay về các vị trí mình vừa định vị rồi vội quay đi mang trong lòng nỗi buồn đau khôn tả.
Sau nhiều ngày với sự hỗ trợ của hàng trăm con người, phương tiện cơ giới, đến 18h20 ngày 15/10, lực lượng chức năng đã hoàn tất công tác tìm kiếm, đưa thi thể 13 cán bộ hy sinh về tại Bệnh viện Quân y 268.
Tác giả: Quang Thành – Lê Bằng - Duy Tuấn
Nguồn tin: Báo Vietnamnet