Kết quả cho thấy quá trình hoạt động của các nhà máy thủy điện còn tồn tại muôn vàn bất cập…
Hậu quả để lại vô cùng nặng nề |
Chất chồng mối lo
Đến hiện tại, tỉnh Nghệ An có 13 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, bao gồm: 3 nhà máy vận hành theo QĐ 2125 /QĐ-TTg ngày 1/12/2015 trên lưu vực sông Cả là Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê; Thủy điện Hủa Na vận hành theo QĐ 214/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 được xây dựng tại thượng nguồn sông Chu; có 4 nhà máy thủy điện cột nước thấp vận hành theo Quy trình của Bộ Công Thương, hồ chứa không có dung tích phòng lũ là Nậm Mô, Bản Ang, Nậm Nơn, Châu Thắng; có 5 nhà máy thủy điện cột nước cao vận hành theo Quy trình của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, hồ chứa không có dung tích phòng lũ gồm thủy điện Nậm Cắn 2, Bản Cánh, Bản Cốc, Sao Va và Nậm Pông.
Tổng mức đầu tư 13 thủy điện hơn 18.300 tỷ đồng. Các công trình đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 600 lao động địa phương, trung bình mỗi năm đóng góp ngân sách hơn 200 tỷ đồng và gần 40 tỷ kinh phí quỹ trồng lại rừng, dịch vụ môi trường rừng.
Lợi ích các nhà máy thủy điện mang lại là lớn, nhưng thiệt hại do chính các đơn vị này gây ra cũng chẳng hề nhỏ.
Sau khoảng 2 tháng kiểm tra, rà soát tỉ mẩn, cơ quan liên ngành xác định công tác dự báo lưu lượng về hồ Thủy điện Bản Vẽ chưa chính xác. 80% diện tích lưu vực hồ chứa thủy điện Bản Vẽ nằm ở địa bàn nước bạn Lào nhưng chỉ có duy nhất một trạm thủy văn chuyên dùng đặt tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, cách nhà máy khoảng 60km về phía thượng lưu, do đó không thể kiểm soát, theo dõi hết tình hình. Đài khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ cũng không có số liệu để dự báo lũ về.
Hậu quả để lại vô cùng nặng nề |
Đối với các nhà máy thủy điện vận hành đơn hồ theo quy trình của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thực tế các hồ này không có dung tích phòng lũ nên khi lũ tràn về với quy mô lớn thì lực bất tòng tâm.
Đoàn kiểm tra liên ngành kết luận, việc triển khai xây dựng nhiều dự án thủy điện trên lưu vực sông Cả đã làm biến đổi lớn đến dòng chảy, nước rút chậm hơn vào mùa lũ, thời gian ngập lụt lại kéo dài hơn. Các hồ thủy điện là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch lớn về lưu lượng nước giữa 2 mùa (mùa khô các hồ thủy điện tích nước vận hành dẫn đến lưu lượng chảy về hạ du quá thấp; ngược lại mùa mưa lưu lượng nước sông tự nhiên rất lớn).
Mỗi khi tiến hành xả lũ, sự chênh lệnh nói trên đã hình thành lưu tốc nước rất mạnh, khiến cho mức độ sạt lở, thiệt hại vùng hạ du tăng cao (nhất là khu vực gần thân đập). Bên cạnh đó, do hạn chế trong công tác quan trắc, dự báo nên việc xả lũ không chủ động, lưu lượng xả liên tục thay đổi lớn trong thời gian ngắn làm cho lũ vùng hạ biến đổi bất thường, điều này gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống.
Đoàn kiểm tra còn chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn tại khác: tình trạng lấn chiếm lòng sông đã làm co hẹp tiết diện thoát lũ, hành lang thoát lũ không được đảm bảo; quá trình bồi lắng các lòng hồ thủy điện rất lớn, quy trình vận hành một số hồ chứa hiện tại không phù hợp với thực tế; chưa có bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo quy định; Chính phủ ban hành quy trình Vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả từ cuối 2015 nhưng đến nay mới vận hành xả lũ nên bộc lộ nhiều bất cập; việc quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu của đơn vị quản lý vận hành hồ còn thiếu, chất lượng số liệu dự báo chưa tốt…
Phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ
Qua thống kê, đợt thiên tai từ 28/8 - 31/8 cũng như quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện đã gây nên thiệt hại nặng nề cho 4 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn. Ước tính tổng thiệt hại lên đến 139,439 tỷ đồng.
Quá trình vận hành của các nhà máy thủy điện tại Nghệ An tồn tại muôn vàn bất cập |
Trên cơ sở tình hình thực tế, các công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh phải phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra thiệt hại vùng hạ du, khu vực lòng hồ để có phương án hỗ trợ, đền bù kịp thời (đền bù di dời cho những hộ dân nằm trong phạm vi mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và đền bù thiệt hại cho những hộ gia đình bị ngập trên mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; hỗ trợ thiệt hại vùng hạ du nhà máy thủy điện do xả lũ).
Những chủ hồ chứa nào chưa tiến hành cắm mốc và bàn giao cho địa phương hành lang bảo vệ nguồn nước thì phải đứng ra chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắm mốc và bàn giao trước ngày 30/4/2019. Những chủ hồ chứa nào chưa lắp đặt hệ thống camera giám sát vận hành hồ chứa thì phải triển khai và truyền tải thông tin về cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, các Sở Công Thương, TN-MT, NN-PTNT, UBND các huyện vùng hạ du hồ chứa trước ngày 30/4/2019 để giám sát điều hành.
Riêng các hồ chứa đã đi vào vận hành thì phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du theo các kịch bản. Các đơn vị này phải lắp đặt và thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của pháp luật có liên quan trước ngày 30/4/2019.
Đoàn đề nghị các chủ hồ Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Mộ, Bản Ang, Nậm Nơn, Chi Khê và các hồ chứa đã đến định kỳ 5 năm phải tiến hành điều chỉnh lại quy trình.
Nhận thấy ẩn họa khôn lường đến từ quá trình phát triển ồ ạt các công trình thủy điện, Đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An đưa ra khỏi quy hoạch, rút giấy phép đầu tư các dự án không thực sự khả thi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đến đời sống nhân dân (Mỹ Lý, Nậm Mô 01, Xốp Cốc…). Đồng thời không quy hoạch thêm các thủy điện đang khảo sát trên toàn địa bàn tỉnh (Cẩm Sơn, Bản Pủng, Bản Bà…). Ngoài ra, cần trích một phần từ lợi nhuận hoặc số tiền thuế đóng góp của các công trình này để phát triển các huyện miền tây. Song song với đó, Đoàn cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ lắp 1 rađa theo dõi thời tiết đặt ở huyện Kỳ Sơn, xây dựng 1 trạm khí tượng thủy văn ở thượng nguồn sông Cả, cũng như có phương án sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa (3 hồ Bản Vẽ, Chi Khê, Khe Bố) phù hợp với điều kiện hiện nay… |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam