Khói bụi bốc lên cao ngút sau vụ nổ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên ngày 24/5. (Ảnh: Reuters) |
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tới, nhưng câu hỏi về việc nước nào sẽ chi trả khoản chi phí hỗ trợ Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa của nước này đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Theo một thống kê, chi phí cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên có thể gấp ít nhất 5 lần so với Ukraine. Vào những năm 1990, Mỹ đã hỗ trợ Ukraine 175 triệu USD nhằm san sẻ khoản phí để phá bỏ kho vũ khí hạt nhân của Kiev. Vào thời điểm đó, Ukraine có khoảng 1.800 đầu đạn hạt nhân được sản xuất trước khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Toàn bộ chi phí, cộng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, ước tính vào khoảng 460 triệu USD.
Theo một nghiên cứu của chuyên gia Kwon Hyuk Chul của Đại học Kookmin (Hàn Quốc), tổng chi phí, bao gồm những khoản trực tiếp để giải trừ kho vũ khí, tới những khoản gián tiếp như viện trợ kinh tế có thể sẽ đạt đến ngưỡng 20 tỉ USD. Cụ thể, ông Kwon ước tính khoản chi phí trực tiếp nhằm dỡ bỏ các cơ sở nghiên cứu, phá bỏ các vũ khí vào khoảng 5 tỉ USD.
Mặc dù mục tiêu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hướng đến là nhanh chóng phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng chuyên gia Siegfried S. Hecker, giáo sư đại học Standford (Mỹ) cho rằng với tình hình hiện tại và trong tương lai, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân có thể sẽ kéo dài tới 15 năm.
Ông Hecker cho biết quá trình khử nhiễm và dừng hoạt động của một nhà máy xử lý nguyên liệu phóng xạ ở Triều Tiên có thể phải tốn không dưới 10 năm để hoàn thành. Nhà khoa học này cũng cho biết ước tính 15 năm của ông bao gồm cả những tính toán dựa vào tình hình thực thế giữa Mỹ và Triều Tiên hiện tại cũng như những vấn đề kỹ thuật và chính trị 2 nước có thể đối mặt trong tương lai.
Theo thông tin từ cơ quan tình báo Hàn Quốc, lượng nhân lực trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vào khoảng 3.000 người, bao gồm 200 chuyên gia thực địa.
Khoản chi phí để phi hạt nhân hóa sẽ không chỉ dừng lại ở việc giải trừ kho vũ khí của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nhấn mạnh rằng mong muốn cua Seoul không chỉ có loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Triều Tiên, mà họ còn muốn xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Liên quan tới vấn đề kinh tế của Bình Nhưỡng, Mỹ cũng đã “đánh tiếng” về việc viện trợ kinh tế và cho phép các hoạt động đầu tư tư nhân ở nước ngoài xuất hiện ở Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại phủ nhận việc Mỹ sẽ viện trợ kinh tế cho Triều Tiên nếu nước này đồng ý phi hạt nhân hóa. Theo Chosun, ông Trump nhận định: “Tôi nghĩ Hàn Quốc sẽ làm việc đó (viện trợ kinh tế cho Triều Tiên). Tôi nghĩ, thẳng thừng mà nói, Trung Quốc sẽ giúp đỡ. Tôi cũng nghĩ Nhật Bản sẽ giúp đỡ. Tôi không nghĩ là Mỹ sẽ phải chi trả”.
Theo một báo cáo của công ty đầu tư Eurizon SLJ Capital có trụ sở tại Anh, quá trình phi hạt nhân hóa và đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, sẽ cần khoảng 2.000 tỉ USD trong khoảng thời gian 10 năm. Nghiên cứu của công ty trên dựa vào giả thuyết 2 miền Triều Tiên sẽ sáp nhập, giống mô hình của Đông Đức và Tây Đức thế kỷ trước.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí