Xã hội

Tìm thấy thi thể 3 công nhân tại Rào Trăng, 13 người cứu hộ vẫn mất tích

Liên quan sự cố tại Thủy điện Rào Trăng 3, tổng số người chết, mất tích hiện tại là 30 người gồm 17 công nhân (3 chết, 14 người mất tích) và 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ (mất tích).

40 công nhân đang trú ẩn tại Rào Trăng 4

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 thông tin, tổng số người chết, mất tích hiện tại là 30 người gồm 17 công nhân (3 người chết đã tìm thấy thi thể, 14 người mất tích) và 13 cán bộ, chiến sĩ đoàn cứu hộ (mất tích).

Hiện xác định có 40 công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã di chuyển bằng đường rừng qua Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 trú ẩn an toàn. Lượng lương thực ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4 chỉ còn đủ dùng cho 1 ngày.

Khu vực 2 thủy điện này đều đang bị sạt lở nghiêm trọng, muốn tiếp cận phải đi bằng đường thủy nhưng nước đang chảy xiết do lũ.

Ngoài ra, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có thêm 1 nhà máy thủy điện A Lin B2 tại huyện A Lưới cũng đang bị cô lập, chưa có thông tin về thủy điện này.

"Đất đá bỗng lở xuống không kịp trở tay"

16h, trao đổi nhanh với PV Dân trí qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, ông là một người trong đoàn công tác 21 người của chính quyền và các ban, ngành chức năng nỗ lực tiếp cận hiện trường, xác minh thông tin sạt lở công trình Thuỷ điện Rào Trăng 3 từ hôm qua (12/10). Khi cả đoàn đang đi thì đất đá sạt lở, không kịp trở tay.

Theo ông Bình, hiện có 8 người, trong đó có ông Bình đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Còn 13 người vẫn đang mất liên lạc.

16h15, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Một cuộc họp nhanh phương án tiếp cận cứu hộ, cứu nạn diễn ra tại UBND xã Xuân Phong.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tại hiện trường

Cuộc họp diễn ra tại UBND xã Xuân Phong

Tăng cường xe cứu thương tới gần hiện trường

15h30, xe cứu thương đang được tăng cường điều động đến hiện trường, sẵn sàng ứng cứu người gặp nạn.

Thời điểm hiện tại, đường dẫn vào xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - nơi có công trình Thuỷ điện Rào Trăng 3 - đang bị sạt lở nặng, cản trở và gây nguy hiểm cho công tác tiếp cận cứu hộ.

Đường dẫn vào xã Phong Xuân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp vào chỉ đạo tại hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng tới gần hiện trường

15h ngày 13/10, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã vào gần tới hiện trường

20km đường tiếp cận thủy điện bị sạt lở đất đá

15h, trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: Hiện Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng 12 cán bộ, chiến sĩ gặp nạn, mất liên lạc.

"Các lực lượng vẫn đang tích cực cơ động vào hiện trường. Hiện nay toàn bộ đường cơ động vào hiện trường dài khoảng 20km bị sạt lở đất đá rất nhiều, gây khó khăn cho các lực lượng tiếp cận hiện trường. Chúng tôi đang tổ chức mở đường và đưa lực lượng tiếp cận thủy điện để tìm kiếm những người mất tích" - Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ thông tin.
Tiếp cận hiện trường Rào Trăng 3 bằng đường bộ và đường thủy

Trưa 13/10, tại Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương đặt ở trụ sở UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế), lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra các phương án tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3.

Phương tiện, lực lượng lên đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Cụ thể: đi theo tuyến đường 71 với phương tiện là xe cơ giới chở lực lượng công binh với mục tiêu mở đường vào vị trí cứu hộ; còn trên tuyến đường thủy thì đi từ Nhà máy thủy điện Hương Điền với 2 xuồng cao tốc.

Phương án sử dụng thêm máy bay trực thăng để khảo sát và cứu hộ cũng đang được nghiên cứu.

Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ. Ban Chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ địa phương 1 xe cứu hộ đa năng, 1 xuồng cao tốc công suất 4.500 CV, máy phát có đèn pha 10 chiếc, 30 phao bè, 10 máy cắt thủy lực, 20 máy cưa cầm tay.

Mất liên lạc với 30 người

Đầu giờ chiều nay (13/10), trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, hiện tại, lực lượng chức năng vẫn chưa thể liên lạc được với 17 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).

Ngoài ra, 13 cán bộ, chiến sĩ đi cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 đến thời điểm hiện tại cũng chưa liên lạc được.

Vị lãnh đạo Bộ cho biết thêm, hiện ông đã có mặt ở Thừa Thiên Huế để phối hợp với các lực lượng lên phương án cứu hộ, cứu nạn.

"Chúng tôi đang thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để lên phương án cứu hộ, cứu nạn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đang trên đường đến để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường", vị lãnh đạo Bộ nói.

Trực thăng nhận nhiệm vụ cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3

Cũng trong trưa nay, theo một nguồn tin khác của phóng viên Dân trí từ Sư đoàn Không quân 372, hai trực thăng đã xuất phát từ căn cứ của sư đoàn 372 tại sân bay Đà Nẵng hướng về Thừa Thiên - Huế.

"Hai chiếc trực thăng đã xuất phát từ căn cứ của Sư đoàn Không quân 372 tại sân bay Đà Nẵng hướng về Thừa Thiên - Huế trong sáng nay, để làm nhiệm vụ tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn đồng bào ở các vùng bị lũ lụt chia cắt ở Thừa Thiên - Huế'' - nguồn tin cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UND tỉnh Phan Ngọc Thọ, đại diện lãnh đạo Quân khu IV và các lực lượng họp bàn phương án ứng cứu. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Trước đó, ngày 12/10, đoàn công tác gồm 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 làm Trưởng đoàn sau khi nhận điện báo có vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 vùi lấp hơn chục công nhân đã khẩn trương lên rừng tìm kiếm cứu nạn. Khi đoàn sắp tiếp cận khu vực sạt lở, đất đá bên sườn núi bất ngờ trượt xuống. Hiện Quân khu 4 đã liên lạc được 8 người, còn 13 người vẫn chưa liên lạc được.

Đến thời điểm này, thông tin ban đầu cho biết số công nhân bị mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 lên đến 17 người, chứ không phải là 10 người như thông tin ban đầu.

Một số phương tiện được điều đến để mở đường sạt lở.

Như đã đưa tin, trong ngày 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được cuộc điện thoại từ một người báo tin về thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở. Người báo tin qua điện thoại này cho biết, được lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 nhờ leo lên đỉnh núi cao để gọi điện thoại báo tin cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh do ở thủy điện này đang mất sóng điện thoại. Người này cho hay có 14 - 17 công nhân đang ở khu nhà điều hành của Thủy điện Rào Trăng 3 bị mắc kẹt do sạt lở đất.

Sau đó, cuộc gọi bị gián đoạn nửa chừng rồi không liên lạc được nữa, nghi do mất sóng hoặc hết pin. Ngay sau đó, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 cùng ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đoàn của Quân khu 4 đang lập Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống lũ lụt tại Huế đã đi xe đến hiện trường nhưng phải quay lại vì đường ngập và chia cắt do lũ.

Hiện các chiến sĩ Quân khu 4 phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đang tìm cách tiếp cận hiện trường, tuy nhiên quãng đường từ trung tâm xã Phong Xuân lên thủy điện Rào Trăng 3 có khoảng cách 30km, trong đó có đến 5 - 6 điểm bị sạt lở.

Tác giả: Nguyễn Dương - Đại Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP