Cuộc sống

Tìm tình yêu ở tuổi xế chiều: Người ra công viên, người lướt mạng

Hệ quả của việc dân số già hóa là tình trạng những người độc thân cao tuổi ngày càng nhiều. Nhu cầu tìm kiếm bạn đời lúc xế chiều đang dần tăng cao.

Người già độc thân Trung Quốc tụ tập ở công viên

Zhao Lin ngồi trong một công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: NY Times

Ông Zhao, góa vợ từ năm 1971, tìm đến công viên ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.

"Tôi đã tìm kiếm tình yêu cho mình suốt một năm qua", ông Zhao nói. Ông là một trong hàng chục người già độc thân tìm đến các công viên trên khắp Trung Quốc với hy vọng tìm thấy một người nương tựa lúc tuổi già. Nhưng ông thừa nhận, ở tuổi này, việc đó không dễ dàng.

Sau 30 năm phát triển kinh tế - xã hội, quan niệm về tình yêu của người cao tuổi Trung Quốc có nhiều thay đổi. Ngày càng có nhiều người già cô đơn cố gắng tìm tình yêu cho mình ở tuổi xế chiều.

Truyền thông Trung Quốc gọi hiện tượng này "tình yêu tuổi xế chiều". Các chương trình hẹn hò, phòng nói chuyện trực tuyến dành cho người cao tuổi xuất hiện ngày nhiều hơn. Tuy nhiên, không có nơi nào ở Trung Quốc thu hút người cao tuổi nhiều như công viên.

Tới công viên là cách hiệu quả để tìm kiếm và gặp gỡ mọi người, giúp tăng cơ hội có được các cuộc hẹn hò thành công.

Già hóa dân số là nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Trung Quốc hiện có 48 triệu người góa vợ hoặc góa chồng và dự kiến có 118,4 triệu người vào năm 2050, theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đăng trên trang People’s Daily, cứ 4 trong 5 người góa vợ hoặc góa chồng muốn tái hôn.

Trung Quốc cũng chứng kiến số vụ ly hôn của người cao tuổi tăng cao. Tại Bắc Kinh, gần 1/3 số vụ ly hôn là các cặp vợ chồng ở độ tuổi 60-70, theo trang Beijing Evening News.

Số người cao tuổi độc thân ngày một gia tăng kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người già gia tăng do nhiều người không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc. Số nam giới trên 60 tuổi nhiễm HIV ở quốc gia này tăng gần ba lần so với năm 2012. Hồi tháng 10, chính phủ thông báo nhiều chính sách riêng dành cho người cao tuổi nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa lây nhiễm AIDS.

Người phụ nữ tên là Han Shuping, mới 52 tuổi và đã ly hôn. Bà thường xuyên lui tới công viên Changpuhe trong hai năm qua. Một người đàn ông hất tóc Han trước khi bà kịp đẩy người đó ra.

"Nhiều người ở đây tính cách rất tệ. Nhiều người đàn ông lớn tuổi cố gắng mời bạn đi ăn, mời bạn ở lại nhà họ và cố gắng đưa bạn lên giường", bà Han chia sẻ.

Nhiều đôi người cao tuổi nói chuyện trong công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: NY Times.

"Ở tuổi này, tình yêu từ cái nhìn đầu tiên là chuyện không thể", bà nói và cảm thấy khá bi quan về cơ hội tìm thấy tình yêu của mình. "Rất khó để tìm thấy tình yêu ở đây. Những người chân tình thường rất hiếm gặp".

Ông Zhao cũng cảm thấy như vậy. Ông thấy nhiều phụ nữ hiện nay quá thực dụng. "Họ thích nhà, tiền và xe. Họ yêu cầu bạn phải sang tên tài sản. Đó là điều đầu tiên họ nói đến. Thật đáng sợ phải không?", ông Zhao nói.

Người già ở Mỹ lướt mạng tìm bạn đời

Cũng là nước có dân số già hóa, nhưng người cao tuổi ở Mỹ lại có cách tìm bạn đời "thời thượng" hơn, nhờ ứng dụng hẹn hò trên mạng.

Tỷ lệ ly hôn diễn ra ở lứa tuổi trung niên trở lên tại Mỹ ngày càng nhiều, cả nước có gần 13 triệu những người ở lứa tuổi ông bà có nhu cầu tìm người để sẻ chia trong cuộc sống, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Những người già không muốn chịu cảnh một mình liền tìm đến các ứng dụng hẹn hò để tìm lại tình yêu.

Để tránh tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" như ở các diễn đàn trẻ, những ứng dụng hẹn hò cho người trên 50 tuổi có tính năng hạn chế số lượng cuộc trò chuyện và yêu cầu ảnh chính chủ, giúp người già dễ dàng kết nối với nhau.

Cô đơn ở tuổi "xế chiều", nhiều người trung niên ở Mỹ tìm đến các ứng dụng hẹn hò trực tuyến. Ảnh: Senior Dating Sites.

Tuy vậy, những ứng dụng chỉnh sửa vẫn khiến nhiều người trông khác hẳn với ảnh họ đăng trên mạng cả về tuổi tác lẫn ngoại hình.

Bà Carol Greenfield (68 tuổi) từng trải qua kỷ niệm không mấy tốt đẹp khi người đàn ông bà hẹn có vẻ ngoài lẫn độ tuổi thực khác xa trên mạng.

“Khi đọc hồ sơ hẹn hò của các đối tượng, phần lớn mọi người đều có một công thức giống nhau: Tính cách tuyệt vời, đầu óc thông minh, học thức cao. Tất cả nghe rất na ná nhau”, bà Carol nói.

Ly dị sau 18 năm hôn nhân, doanh nhân Michael (54 tuổi) kể lại trải nghiệm với ứng dụng hẹn hò của mình.

Quyết định tải ứng dụng hẹn hò về và sử dụng, người cha của 2 đứa con chia sẻ: “Và rồi đột nhiên tôi cảm thấy mình say sưa với các ‘chiến lợi phẩm’, chỉ cần ‘quẹt trái, quẹt phải’. Mọi thứ thật dễ dàng và cứ thế bày sẵn như một bữa tiệc buffet vậy”.

Ông thậm chí còn hẹn hò với một người mẫu thời trang mới 23 tuổi mà ông gặp được trên mạng.

Nhưng những cuộc hẹn “không đầu, không cuối” này nhanh chóng khiến ông rơi vào trạng thái trống rỗng.

Cuối cùng, Michael vẫn phải quay về với cách mai mối truyền thống. Qua lời một người bạn thân giới thiệu, người đàn ông làm quen với một bà mẹ 46 tuổi, điều hành thành công một công ty gia đình và thường xuyên đi du lịch khắp thế giới. Hai người đã bên nhau hơn một năm.

“Tôi nhận ra mình vẫn muốn ở bên một người đồng điệu về quan điểm, tiêu chuẩn sống hơn là kiếm đại một người nào đó trên mạng để hò hẹn”, Michael khẳng định.

Người cao tuổi độc thân cần tìm bạn đời là nhu cầu tất yếu

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên (Trung tâm Tư vấn Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), có những nỗi niềm mà người cao tuổi chỉ có thể tâm sự, chia sẻ với bạn chứ không thể nói với con cái. Con cái không hiểu, không thông cảm và cũng không chia sẻ được. Càng cao tuổi thì sức khỏe càng kém, khả năng kiếm tiền kém, khả năng tự lo cho bản thân cũng kém, các mối quan hệ giao tiếp bị thu hẹp… và người ta rất sợ cô đơn, cần một chỗ dựa tinh thần, cần có bạn.

So với người trẻ, nguồi cao tuổi khó tìm được bạn khác giới phù hợp với mình hơn nhiều. Ảnh minh họa

Nhu cầu có bạn của người cao tuổi là một nhu cầu chính đáng và rất con người. “Bạn” ở đây có thể là bạn cùng giới hoặc khác giới, có thể là bạn tri âm tri kỷ, có thể là bạn tâm tình, cũng có thể là người mà họ yêu thương và muốn chung sống, kết hôn… Việc có bạn sẽ giúp sức khỏe, tâm lý, tinh thần của người cao tuổi độc thân tốt hơn, họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, trẻ trung hơn, yêu đời hơn, hưng phấn hơn…

Tuy nhiên, người cao tuổi sống cô đơn nên khi gặp đối tượng sẽ dễ bị cuốn hút, dễ rung động, dễ choáng ngợp… dẫn tới dễ ngộ nhận. Vì vậy, cần phải có thời gian để thận trọng tìm hiểu kỹ xem đó có đích thực là tình yêu hay không, đôi bên có hiểu nhau và thật sự không thể sống thiếu nhau, đối tượng có phù hợp với mình hay không, có đủ điều kiện về tinh thần lẫn vật chất để tiến tới chung sống hay không…

Một điều nữa cần phải lượng định: Người già thường bảo thủ và trái tính trái nết; các đôi vợ chồng nói chung khó tránh mâu thuẫn, xung đột; vợ chồng già nói riêng càng dễ xung đột, mâu thuẫn vì cả hai đều trái tính trái nết.

Điều cuối cùng: Giả dụ không may hôn nhân đổ vỡ ở tuổi già thì đó sẽ là một cú sốc lớn, một nỗi đau lớn mà người già không dễ vượt qua… Đó là những điều mà người cao tuổi cần phải thận trọng cân nhắc khi yêu và quyết định chung sống với nhau.

Tác giả: Minh Khôi (T/h)

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP