Tôi lấy Thăng rồi được ra sống riêng luôn, cách nhà bố mẹ chồng khoảng vài trăm mét. Với những chị em khác thì chuyện này hạnh phúc không gì bằng. Nhưng có lẽ vì họ có người chồng biết quan tâm, lo cho gia đình. Còn tôi thì chẳng mừng chút nào, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều tự gánh vác, quyết định, có chồng cũng như chỉ như 1 đứa con lớn đầu vậy.
Thăng hơn tôi 1 tuổi, hiện đang làm cơ khí ở gần nhà. Tuy hơn tuổi vợ đấy nhưng anh lại rất trẻ con và an phận quá sức. Lương 12 triệu, Thăng cho rằng thế là cao rồi và không hề muốn nỗ lực gì thêm. Tài năng thì chẳng hơn ai nhưng anh lại hay huênh hoang tưởng mình tài giỏi lắm vậy.
Trước kia yêu nhau thì tôi thấy anh không dám cãi, chiều mình nên cũng chấp nhận được. Nhưng khi về sống chung, trở thành trụ cột của gia đình thì tôi thấy mệt mỏi... Nhìn bạn bè được chồng lo cho mà thèm.
Chúng tôi được bố mẹ cho ở căn nhà cũ của ông bà nội, ngay đường lớn nhưng vẫn lợp ngói nên khá bụi và mưa lớn còn dột nữa. Sống ở đó được khoảng vài tháng, tôi đã bàn với Thăng bắn tôn lạnh để mát mẻ và sạch sẽ hơn. Rõ là chọn buổi tối lúc rảnh rỗi để nói chuyện nghiêm túc, nhưng anh vẫn chỉ ừ hử rồi bảo: "Em quyết định thế nào cũng được".
Rồi anh chồng lại cắm cúi vào điện thoại chơi game, hoặc xem hài trên YouTube rồi cười hô hố. Tôi tức quá gào lên mắng thì anh lại chống chế: "Anh tôn trọng em nên để em quyết định mà."
Câu nói ấy cũng làm tôi nguôi ngoai thật. Thế nhưng tới khi tìm người làm, tìm địa chỉ bán tôn giá rẻ... thì Thăng cũng mặc vợ. Thế là một mình tôi ôm bụng bầu 4-5 tháng tự lo liệu từ a-z, trông nom thợ, nghiệm thu sau khi xong, thiếu tiền cũng tự đi vay để trả.
Rồi sau này lên chức Thăng cũng không chín chắn, chững chạc thêm chút nào. Cơm anh không nấu, tôi bảo trông con thì anh buộc con vào chân, rồi ngồi chơi game. Cảnh tượng này tôi từng nhìn trên Facebook không ít lần, nhìn nhà người ta sao hài thế nhưng rơi vào trường hợp nhà mình tôi chỉ thấy bực. Con thì nghịch bẩn dưới sàn, bố vẫn cắm đầu vào game không hay gì.
(Ảnh minh họa) |
Những chuyện lớn nhỏ như làm sân, làm cổng, làm công trình phụ Thăng cũng không bao giờ ý kiến gì, mặc tôi quyết định. Đương nhiên, có thiếu tiền thì cũng tự tôi đi xoay xở mà lo liệu, chứ Thăng chẳng hỗ trợ gì.
4 năm chung sống như thế, tôi chán chồng không buồn nói. Sinh con thứ 2 xong, tôi lại càng ngán ngẩm, dường như chẳng còn tình cảm gì với chồng. Tuy nhiên, năm nay vì dịch bệnh nên tôi bị giảm lương. Thời gian nghỉ sinh là cắt hẳn lương, khi quay lại lương cũng chỉ đủ mua sữa.
Thăng nghe vợ kể không chia sẻ thì thôi, lại hả hê: "Thế giờ nhà này trông cả vào anh rồi. Em liệu mà chiều anh nhé, không là mất đi cái cần câu cơm đó".
Thấy chồng trẻ con quá sức, tôi không buồn nói, quay vào ôm con. Tuy nhiên, không rõ Thăng lại đi kể gì với mẹ chồng mà ngay hôm sau bà đi đón con gái cả của tôi từ trường mầm non về, quyết ngồi lại đợi con dâu để bóng gió.
Bà nói dài lắm, kể vòng vo rằng người ta có con là chăm chút chúng nó, sáng đưa, tối đón. Rồi vẫn kiếm được nhiều tiền, lo chu toàn cho gia đình... Tôi ban đầu còn chưa hiểu ý, lúc sau bà mới bảo: "Con đi làm dạo này lương lậu thế nào? Nếu lương thấp quá thì nghỉ đi, tìm việc mới. Chứ mẹ thấy con bận rộn tối ngày, chẳng có thời gian mà lo cho con cái, khổ chúng nó".
Lúc này tôi mới hiểu ngọn ngành, tôi nửa đùa nửa thật bảo bà: "Tìm việc mới chi bằng tìm chồng mới mẹ ơi. Chỉ có thế thì con mới bớt bận rộn tối ngày, bớt lo toan mẹ ơi."
Mẹ chồng điếng người, rồi tôi cũng chẳng buồn giữ kẽ nữa, tuôn ra một tràng. Tôi bức xúc kể hết sự vô tâm, vô trách nhiệm và trẻ con của Thăng ra. Mẹ chồng nghe xong cũng thừa hiểu rằng tôi nói không sai, bà chỉ vội vàng khuyên can: "Mẹ hiểu, mẹ hiểu. Thằng Thăng nó trẻ con, vô lo vô nghĩ chút thôi chứ nó thương và nể con lắm. Hai đứa cố gắng, mỗi đứa nhịn nhau một chút thì gia đình mới êm ấm..."
Tôi chỉ vâng dạ, ngỏ ý muốn kết thúc cuộc trò chuyện. Từ sau hôm ấy, mẹ chồng ngoài đón con hộ, bà còn hay hỏi có cần giúp đỡ gì không. Hình như bà sợ tôi sẽ bỏ con trai bà thật... Tôi vừa buồn cười, vừa thương mẹ chồng, vì suy cho cùng Thăng trẻ con như thế chẳng phải tại bà.
Tác giả: M52
Nguồn tin: Báo Tổ quốc