Pháp luật

Toà dừng tuyên án vì đề nghị của bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Cho rằng nhiều vấn đề pháp lý mấu chốt đang bị định hướng theo cảm tính, phía bà Thảo đề nghị tòa làm rõ hàng loạt vấn đề.

Chiều 1/3, sau khi TAND TP HCM hoãn tuyên án, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) cho biết rất mệt mỏi suốt quá trình xét xử vụ ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. "Chuyện vợ chồng phải chia ly, bất cứ người phụ nữ nào cũng buồn, nhưng chuyện gì đến thì phải đến", bà nói.

Bà Thảo tại tòa hôm nay. Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo luật sư của bà Thảo, trước phiên làm việc hôm nay họ gửi đơn đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa vì còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, các vấn đề pháp lý mấu chốt "đang bị định hướng theo cảm tính".

Về việc VKS hôm 25/2 cho rằng "bà Thảo nói góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ", phía bà Thảo cho đây là quan điểm không đúng. Theo nguyên đơn, pháp luật quy định tài sản hai vợ chồng chia là "khối tài sản chung", mà theo Điều 105 BLDS "tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Trong khi đó, bà Thảo đã nhiều lần khẳng định tại tòa đã trực tiếp đưa tiền mặt góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp.

Mặt khác, ông Vũ trình bày tại tòa là cùng 4 người bạn khởi nghiệp vào năm 1996 với số vốn chỉ 2 triệu đồng. Giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 15/8/1996 và thời hạn kinh doanh ngày 31/12/1996 (chỉ 4 tháng). Lại thêm thất bại ở Long Xuyên vào năm 1997, ông Vũ từng nhiều lần nhắc đến trên truyền thông và tại tòa, đã khiến việc khởi nghiệp mất trắng và ông phải bắt đầu lại từ đầu.

Phía bà Thảo cho rằng, khi nhắc đến "tài sản chung" thì phải nói đến pháp nhân được thành lập đầu tiên trong thời kỳ hôn nhân là Hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên được thành lập vào tháng 7/1999. Tại đây, bà Thảo là Trưởng chi nhánh TP HCM - thị trường lớn nhất của Việt Nam. Sự phát triển của chi nhánh này là nền tảng cho việc thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên và các công ty trực thuộc sau này.

Căn cứ Điều 59 Luật HNGĐ, tài sản chung chính là cổ phần và vốn góp: 90% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNI), 30% tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising, 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê và 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Đăk Nông.

Đối với Công ty TNI, vợ chồng Trung Nguyên đứng tên 90% cổ phần, bố mẹ ông Vũ đứng tên 10% còn lại. Công ty này được thành lập năm 2009 bằng tài sản có được trong kinh doanh của vợ chồng. Như vậy, ông Vũ không có cơ sở để cho rằng ông có đóng góp nhiều hơn đối với 90% cổ phần này.

Tương tự, đối với các công ty khác thuộc Tập đoàn Trung Nguyên đều được thành lập trong thời kỳ hôn nhân, được hai vợ chồng phân vai quản lý, điều hành từ những ngày đầu. "Như vậy, công sức đóng góp của hai người trong việc tạo lập, duy trì và phát triển số cổ phần và phần vốn góp tại các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên là ngang nhau", phía bà Thảo nêu.

Ngoài ra, bà Thảo khẳng định việc yêu cầu chia đôi tài sản chung của vợ chồng theo tỷ lệ 50-50 và đề nghị chia bằng hiện vật là có căn cứ pháp luật. Khi quy đổi ra tổng giá trị của các cổ phần, phần vốn góp thành tiền thì cách phân chia này ông Vũ được nhiều hơn bà khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch bà không yêu cầu ông Vũ trả.

Ông Vũ sau phiên tòa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Phía bà Thảo cũng đề nghị toà đưa Trung Nguyên Singapore (TNS) vào khối tài sản chung để giải quyết luôn trong vụ án. Công ty này do một mình bà Thảo thành lập và điều hành tại Singapore, số vốn 126 tỷ đồng. Tại đơn phản tố (trước khi diễn ra phiên xử), ông Vũ xác định số vốn của TNS là từ tài sản chung của vợ chồng, đề nghị chia. Quan điểm của bà Thảo trùng với ông Vũ. "Tôi nhiều lần đề nghị tòa việc này để giải quyết triệt để vụ án nhưng không được giải quyết", bà Thảo nêu.

Ngoài ra, bà Thảo đề nghị tòa các vấn đề: yêu cầu ông Vũ cung cấp căn cứ xác định tài sản trị giá hơn 2.100 tỷ đồng là tài sản chung của vợ chồng; yêu cầu các ngân hàng cung cấp số dư hiện tại trong các tài khoản của bà Thảo như ông Vũ yêu cầu; yêu cầu ông Vũ cung cấp tài liệu chứng minh đã đóng góp nhiều hơn vào việc tạo lập: 90% cổ phần tại TNI, 30% cổ phần tại TNG, 15% cổ phần tại Trung Nguyên IC...

Các tài sản bà Thảo yêu cầu được chia bao gồm: nhà đất rộng 688 m2 trên đường Tú Xương (quận 3); các loại cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết như: hơn 161 triệu cổ phần do Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên phát hành (chiếm 51%); 37,5 triệu cổ phần do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành (chiếm 15%); 1,5 triệu cổ phần do Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên phát hành (chiếm 7,5%).

Đối với các công ty còn lại, bà Thảo đề nghị để lại toàn bộ cho ông Vũ.

Tại tòa, ông Vũ khẳng định mình là "linh hồn của Trung Nguyên", yêu cầu được hưởng 70% trong số 2.102 tỷ đồng (trị giá khối tài sản chung của hai vợ chồng tại các ngân hàng). Với tài sản là cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên mà toà đã trưng cầu, ông Vũ đề nghị tỷ lệ chia tương tự. Theo đó, tổng trị giá cổ phần ông Vũ yêu cầu được sở hữu là 3.958 tỷ đồng, bà Thảo nhận 1.696 tỷ.

Như vậy tổng số tài sản chung của vợ chồng ông Vũ không thỏa thuận phân chia được là 7.757 tỷ đồng. Nếu chia theo tỷ lệ 70/30 trên tổng số tiền này, ông Vũ được hưởng 5.430 tỷ, bà Thảo nhận 2.327 tỷ. Do bà Thảo đang sở hữu khoản tiền tại các ngân hàng có giá trị 2.102 tỷ đồng và 12 tỷ đồng tiền chênh lệch bất động sản, ông Vũ sẽ thanh toán cho bà số tiền còn lại là 211 tỷ đồng.

Căn cứ để ông Vũ được hưởng tỷ lệ cao gấp nhiều lần bà Thảo, theo luật sư, là áp dụng nguyên tắc "công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung" và có tính đến yếu tố "bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập".

Tác giả: Quốc Thắng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP