|
Mặc dù đã bước sang ngày thứ 2 sau khi kết thúc ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vẫn còn một số xã đang bị ngập từ 1 đến 1,5m. |
Theo thống kê của UBND huyện Quỳnh Lưu, mưa lớn khiến gần 3.000 hộ dân ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Giang, thị trấn Cầu Giát... bị ngập nước. |
Gần 5.000 gia cầm, gia súc bị cuốn trôi; hơn 60ha lúa mùa và 1.000ha rau màu bị ngập và hư hại; gần 3000ha nuôi trồng thủy sản bị ngập… |
Xã Quỳnh Hồng là vùng bị ngập sâu nhất của huyện Quỳnh Lưu, mặc dù nước đã rút dần nhưng hiện tại hàng trăm hộ dân vẫn không thể sinh sống tại nhà do ngập sâu. |
Ông Đoàn Khắc Công, Trưởng thôn Hồng Yên, xã Quỳnh Hồng cho biết, cách đây 3 ngày, trong vòng 5 giờ đồng hồ, nước dâng lên cao rất nhanh từ 30 – 50cm khiến người dân trở tay không kịp, gây ngập chia cắt toàn bộ, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Theo người dân, kể từ năm 1994 đến nay, đây là đợt lũ nước dâng lên cao nhất. |
Trong đợt mưa lũ này, huyện Quỳnh Lưu cũng là địa phương thiệt hại nặng nhất là 956ha rau màu vụ thu đông ở các xã: Quỳnh Yên, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Tân, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương… |
Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, đối với rau màu và những diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt xem như mất trắng, thiệt hại lớn đến kinh tế của người dân. “Hiện vùng sản xuất rau nước đã rút, nhưng do tháng này là mùa mưa, thường bị ngập úng, nên bà con chưa vội tái sản xuất, chờ sau khoảng 1 tháng nữa mới triển khai trồng cây vụ đông cho an toàn”, ông Dinh nói. |
Với phương châm nước rút tới đâu khắc phục đến đó, các lực lượng và các cấp, ngành dồn sức cùng người dân dọn dẹp đường phố, nhà cửa, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất. Bên cạnh đó, các lực lượng phân công canh trực, cung cấp lương thực thực phẩm, quyết tâm không để người dân nào bị đói, rét và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. |
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn