Trong nước

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), ngày 16/4 tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.

Cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: tapchimattran.vn


Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Kính thưa các đồng chí!

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình nhà Nho giàu lòng yêu nước, có nguyên quán là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí đã trở thành người cộng sản ưu tú và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến hết sức to lớn của đồng chí Trần Phú là di sản quý báu, dệt kết nên pho sử vàng vinh quang của Đảng.

Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta học tập, noi theo.

Để tôn vinh và tiếp tục làm sáng rõ những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, trong cuộc Hội thảo khoa học hôm nay, tôi đề nghị các quý vị đại biểu và các nhà khoa học tập trung thảo luận, làm sâu sắc thêm những nội dung chủ yếu sau:

1. Đồng chí Trần Phú - từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, trở thành người cộng sản ưu tú

Từ khi còn là học sinh Trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú đã thấu hiểu, sẻ chia tình cảnh bần cùng, cuộc sống lầm than của những người dân mất nước và sớm tham gia phong trào đấu tranh yêu nước. Năm 1922, đồng chí đỗ đầu kỳ thi Thành chung Trường Quốc học và được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).

Trên vai trò của người thầy giáo, đồng chí đã đem tất cả lòng nhiệt thành yêu nước và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân tộc để truyền bá cho lớp trẻ.

Tháng 7/1925, đồng chí Trần Phú tham gia sáng lập Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước có khuynh hướng cách mạng. Từ đây, đồng chí có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với sách báo tiến bộ; và thông qua các hoạt động vận động quần chúng, đồng chí đã góp phần tích cực khơi dậy tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược cho nhân dân.

Cuối năm 1926, đồng chí Trần Phú đã được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; và đặc biệt, được dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.

Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, chính thức trở thành người chiến sĩ dấn thân trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra. Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đã trực tiếp giới thiệu đồng chí Trần Phú sang học tập tại Trường đại học Phương Đông, Mátxcơva trong giai đoạn 1927-1929.

Được trang bị lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và việc tiếp thu một cách có hệ thống đường lối cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa của Quốc tế Cộng sản đã tạo nên hành trang rất quan trọng về lý luận và thực tiễn để nhà yêu nước, người chiến sĩ cộng sản ưu tú Trần Phú trở về Tổ quốc tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

2. Đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị tháng 10/1930 và trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đầu tháng 11/1929, nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú rời Mátxcơva bắt đầu hành trình trở về Tổ quốc hoạt động cách mạng.

Tháng 4/1930, đồng chí trở về nước và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng (tháng 7/1930). Thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về việc thành lập một chi bộ Đảng Cộng sản ở Đông Dương, đồng chí Trần Phú đã nhanh chóng bắt tay vào dự thảo bản Luận cương chính trị.

Được đúc kết từ tâm huyết, trí tuệ, tư duy lý luận mang tầm chiến lược kết hợp với việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá sâu sắc các phong trào công nhân ở Nam Định, Hải Phòng, vùng mỏ Quảng Ninh và phong trào nông dân ở Thái Bình, Hải Dương, bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú chuẩn bị đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, kế thừa những luận điểm, tư tưởng cơ bản trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930.

Được đúc kết từ tâm huyết, trí tuệ, tư duy lý luận mang tầm chiến lược kết hợp với việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá sâu sắc các phong trào công nhân ở Nam Định, Hải Phòng, vùng mỏ Quảng Ninh và phong trào nông dân ở Thái Bình, Hải Dương, bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú chuẩn bị đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, kế thừa những luận điểm, tư tưởng cơ bản trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng

Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, Luận cương nêu ra phương hướng chiến lược, tính chất cách mạng Đông Dương là tiến hành “cách mạng tư sản dân quyền… cách mạng chỉ có tánh chất thổ địa… bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(1).

Về mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng, Luận cương xác định: cách mạng Việt Nam phải tập trung giải quyết hai mâu thuẫn chính là mâu thuẫn dân tộc và giai cấp, hai nhiệm vụ chính của cách mạng là đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc và đánh đổ địa chủ, phong kiến mang lại ruộng đất cho nhân dân.

Về lực lượng cách mạng, Luận cương chỉ rõ, công-nông là động lực chính; đồng thời, phân tích sâu sắc về địa vị, thái độ chính trị của các giai tầng khác trong xã hội Việt Nam, để từ đó định ra sách lược đấu tranh cho Đảng.

Về phương pháp cách mạng, Luận cương nhấn mạnh trong lúc hoạch định chiến lược, Đảng phải căn cứ tình hình cụ thể trong nước và thế giới, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, thái độ chính trị của các giai cấp đối với cách mạng mà định ra phương thức đấu tranh thích hợp.

Về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và quốc tế, Luận cương xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Luận cương xác định: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành”(2).

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi Đảng ta mới ra đời, bản Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo đã vạch ra đường lối cơ bản, đúng đắn, toàn diện cho cách mạng Việt Nam; trở thành văn kiện hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Đảng; và đã được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) nhất trí thông qua và vẫn còn vẹn nguyên giá trị chỉ đạo cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay.

Với vai trò tiên phong, tài năng kiệt xuất, tầm tư duy lý luận sắc bén, am hiểu thực tiễn sâu sắc cùng với nhiều công lao và đóng góp, đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.


3. Những đóng góp to lớn, quan trọng của Tổng Bí thư Trần Phú cho Đảng và cách mạng Việt Nam

Tháng 3/1931, trước những diễn biến nhanh chóng của cao trào cách mạng Việt Nam, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trần Phú cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức thành công Hội nghị Trung ương lần thứ hai nhằm kiểm điểm những hoạt động của Đảng từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất; từ đó, đề ra những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Đảng; tập trung điều chỉnh một số xu hướng trong tập hợp lực lượng cách mạng, nhất là giải quyết vấn đề trọng tâm về công tác tổ chức và công tác tư tưởng của Đảng.

Nhờ vậy, lần đầu tiên hệ thống tổ chức của Đảng ta được kiện toàn, thống nhất và thông suốt từ Trung ương tới các xứ ủy, tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy địa phương và cơ sở.

Cùng với Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trần Phú đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống địch khủng bố trắng, giữ gìn lực lượng, xây dựng tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng; từ đó, dấy lên cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh - một cuộc quật khởi biểu thị sức mạnh hùng hậu của quần chúng nhân dân.

Đây là cuộc tổng diễn tập khởi nghĩa đầu tiên có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng; mãi là mốc son chói lọi, ngọn lửa thiêng thắp sáng con đường đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử, khi Đảng ta vừa mới được thành lập, lực lượng chưa đông, tổ chức chưa mạnh, nhưng bằng bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn xa và tài năng sáng tạo của người đứng đầu, Tổng Bí thư Trần Phú cùng Ban Chấp hành Trung ương đã xác định được quan điểm, đường lối cách mạng hết sức đúng đắn, phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, khẳng định Đảng ta tuy mới ra đời nhưng hoàn toàn đủ sức lãnh đạo cách mạng, được nhân dân ủng hộ, đi theo và sẽ vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Từ đó, Đảng ta đã được Quốc tế Cộng sản đánh giá cao, công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản, một bộ phận của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

4. Đồng chí Trần Phú - tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh

Anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi đời, cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy không dài nhưng đã trở thành biểu tượng cao đẹp của lý tưởng, niềm tin, chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản.

Từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành, với ý chí, quyết tâm, nghị lực kiên cường vượt khó, học tập và rèn luyện không ngừng để trở thành người cộng sản chân chính, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đến lúc hy sinh vì lý tưởng cách mạng cao cả, cuộc đời của đồng chí Trần Phú là một bản anh hùng ca bất tử, luôn truyền cảm hứng sâu sắc cho các thế hệ mai sau.

Sớm đồng cảm với nỗi thống khổ của người dân mất nước, đồng chí Trần Phú đã dứt khoát khước từ con đường hưởng thụ vinh hoa phú quý, chọn nghề dạy học nhằm truyền thụ và lan tỏa cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, thương dân.

Bằng hoài bão cao cả, khát vọng cứu nước, cứu dân, đồng chí đã dấn thân đi theo con đường cách mạng của người thày vĩ đại - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất; sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi bị địch bắt tù đày, đối mặt với sự tra tấn tàn bạo của kẻ thù, trước sau như một, đồng chí Trần Phú vẫn không hề nao núng, “gan vàng, dạ sắt”, nêu cao khí tiết của người cộng sản, giữ vững niềm tin, lời thề son sắt hết mực trung thành với Đảng, với cách mạng.

Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú trước lúc hy sinh là khí phách kiên cường, biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện niềm tin tất thắng vào lý tưởng và con đường cách mạng đã lựa chọn.

Khí tiết lẫm liệt, tấm gương hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú và biết bao chiến sĩ cách mạng ưu tú khác đã kết nên vành hoa đỏ chiến thắng của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Tạp chí Quốc tế Cộng sản số ra tháng 5/1932 đã viết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú (…) và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”(3).

Biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh.


Đồng chí Trần Phú cùng với biết bao người con ưu tú của dân tộc ta và của mảnh đất Hà Tĩnh đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng, làm rạng danh pho sử vàng của Đảng ta và lịch sử của quê hương, đất nước.

Kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Tổng Bí thư Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối với những chiến công hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước và thống nhất Tổ quốc trước đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực đạt được nhiều thành tựu phát triển to lớn, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Từ một tỉnh nghèo của miền trung và cả nước, Hà Tĩnh đã không ngừng vượt khó vươn lên; phát triển toàn diện, bao trùm các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, con người; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện; từng bước tạo lập nền tảng vững chắc để trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung.

Trên nền tảng phát triển mới, nêu cao phương châm “Đoàn kết-dân chủ-kỷ cương-sáng tạo-phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh hiện nay đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 trở thành tỉnh nông thôn mới; đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; đến năm 2050, là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Để tỏ lòng biết ơn và thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, tiếp nối xứng đáng di sản cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tiền bối cách mạng tiêu biểu đã tạo dựng, chúng ta tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chung sức đồng lòng quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nguồn tin: nhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP