Trước đó, sáng 31/10, phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Công an, đánh giá “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”.
Đại biểu Nhưỡng dẫn hàng loạt con số minh chứng cho quan điểm của mình như tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...
“Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đến phiên chất vấn ngày 1/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An - tiếp tục tranh luận gay gắt ngay tại hội trường về con số đại biểu Nhưỡng đưa ra để chứng minh “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”.
Sáng nay 20/11, trao đổi lại về ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng như cuộc tranh luận giữa đại biểu Nhưỡng và đại biểu Cầu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Ý kiến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ra là chưa chính xác. Vì số đơn thư còn lại chưa giải quyết nếu là 84/87 thì thật sự cao. Nhưng thực tế phải là 84/hơn 120.000 số đơn thư”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo Quốc hội |
Ông Phúc cho biết, tại phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội cũng đã giao hai đại biểu trao đổi với nhau để làm rõ vấn đề. Sau đó Bộ Công an cũng có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội.
“Việc này, sau đó Ban Công tác đại biểu cũng đã trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng làm rõ nội dung đó. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đã tiếp thu”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, chất vấn là quyền của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. “Giá như hôm đấy, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời ngay thì là chuyện bình thường. Nhưng Bộ trưởng Công an không trả lời luôn, mà hai đại biểu đứng lên tranh luận với nhau”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho rằng nguyên tắc chất vấn là đại biểu chất vấn với thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ có tránh nhiệm trả lời đại biểu Quốc hội. Còn đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau chỉ khi thảo luận liên quan đến các dự án luật và các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng.
“Còn đại biểu tranh luận với nhau, rồi trả lời thay cho Bộ trưởng là không phải”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm.
Văn bản liên quan đến Ban Cán sự Đảng Bộ Công an, khi Đảng Đoàn Quốc hội nhận được đã chỉ đạo Ban Dân nguyện tổ chức cuộc họp bao gồm những người liên quan và đại biểu Lưu Bình Nhưỡng để trao đổi làm rõ số liệu đại biểu đưa ra.
“Buổi làm việc các bên đã trao đổi làm rõ số liệu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra chính xác đến mức nào, cơ sở ở đâu”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí