Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan, có địa chỉ tại số 33, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Bến Thủy, TP Vinh. Được biết, Công ty cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan (HALOTEXCO) thành lập ngày 24/9/2004, trên cơ sở sáp nhập Nhà máy Sợi Vinh (thành lập năm 1981) và Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (thành lập năm 1990), chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sợi - dệt may.
Ông Phan Xuân Hợi - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan dẫn PV ra thị sát giếng khoan |
Theo phản ánh, từ khi thành lập cho đến nay đơn vị này đã tiến hành khai thác, sử dụng hàng trăm mét khối nước dưới đất (nước ngầm) mỗi ngày trên cơ sở các giếng khoan cũ của Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan trước đây từng sử dụng. Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực khuôn viên của Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (nay là xí nghiệp may trực thuộc Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan) có 3 giếng khoan nước ngầm cỡ lớn với công suất khai thác hàng trăm mét khối nước/ ngày đêm. Trải qua thời gian, hiện nay còn có thể sử dụng 2 giếng khoan với khối lượng sử dụng giao động từ 100 – 150m3/ ngày đêm.
Nước ngầm được bơm vào bể lọc trước khi sử dụng |
“Ở trong khuôn viên Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan (cũ) có 3 giếng khoan cỡ lớn nhưng hiện nay họ chỉ sử dụng 2 giếng thôi. Thấy họ bơm cả ngày lẫn đêm đưa lên bể để lọc và sử dụng cho hoạt động sản xuất của nhà máy” - Một người dân ở phường Bến Thủy, gần khuôn viên nhà máy thông tin.
Theo quan sát của PV, hiện nay trong khuôn viên của đơn vị này có 2 hệ thống giếng khoan công suất lớn đã khá cũ. Khi PV có mặt theo sự chỉ dẫn của ông Phan Xuân Hợi - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan vào sáng ngày 08/5/2019 thì các máy bơm đang bơm nước, hoạt động bình thường. Theo ông Hợi thì nguồn nước phục vụ cho quá trình sản xuất, làm mát máy, chùi rửa máy móc, sàn nhà… được dùng hoàn toàn bằng nguồn nước từ hệ thống các giếng khoan này; trung bình mỗi tháng có thể dùng khoảng trên dưới 5.000m3.
Một trong 2 giếng khai thác nước ngầm không phép đang hoạt động |
Cũng theo ông Hợi thì kể từ khi cổ phần hóa đến nay (từ 2005) thì Công ty mới khai thác, sử dụng trở lại 2/3 giếng khoan có từ trước đây. Điều này có nghĩa là đã hàng chục năm qua Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan đã khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm trái phép với khối lượng có thể lên đến gần hàng triệu mét khối nước ngầm?
Một cán bộ ở Phòng sản xuất của Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan, thông tin thêm: “Hiện nay, vào mùa hè chúng tôi sử dụng nguồn nước ngầm từ 2 giếng khoan nói trên với khối lượng khoảng trên 5.000m3/ tháng; nghĩa là sẽ sử dụng từ khoảng trên 100m3/ ngày đêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty”.
Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan có trên 800 công nhân làm việc, chưa kể khoảng gần 100 cán bộ khối quản lý, hành chính |
Được biết, hiện nay số lượng công nhân của Công ty này khoảng trên 800 công nhân, sản xuất chia thành 3 ca hoạt động 24/24h; ngoài ra, khối hành chính cũng khoảng gần 100 con người. Theo tìm hiểu thì hiện nay Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan sử dụng nguồn nước sạch (nước máy) giao động từ khoảng 500 – 800m3/ tháng, có tháng cao điểm đơn vị này sử dụng khoảng trên 2.200m3/ tháng. Chỉ với số liệu trên có thể thấy là nguồn nước sử dụng chính của đơn vị này chủ yếu là từ nguồn nước khai thác dưới đất.
Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan - Nơi khai thác nước ngầm “chui” hàng chục năm qua |
Cũng tại buổi làm việc với PV, ông Phan Xuân Hợi - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan thừa nhận đơn vị khai thác nước dưới đất nhưng không hề có giấy phép khai thác theo quy định: “Chúng tôi hiện khai thác nước ngầm sử dụng nhưng không có giấy phép. Lý do là vì chúng tôi cũng chưa nắm được quy định và công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh?”.
Như vậy là việc Công ty CP Dệt May Hoàng Thị Loan khai thác nước ngầm trái phép hàng chục năm qua là đã rõ. Đề nghị Sở TN&MT Nghệ An kiểm tra xác minh sự việc, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Điểm a, Khoản 6, Điều 7, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 200 m3/ngày đêm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép. |
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường