Tin trong tỉnh

TP Vinh (Nghệ An): Khu nhà ở đô thị “ôm” kho thuốc BVTV

Dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà hiện đang được triển khai thi công hạ tầng tại xã Nghi Liên (TP Vinh). Tuy nhiên, điều khiến nhiều người hết sức bất ngờ là trong khuôn viên của dự án này hiện đang còn tồn tại một kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũ chưa được xử lý dứt điểm.

Dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà tại xã Nghi Liên (TP. Vinh) do Công ty CP Xây dựng Sơn Hà làm chủ đầu tư. Đây là dự án được “khởi động” từ nhiều năm trước nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên mãi những năm gần đây mới được triển khai xây dựng. Theo đó, ngày 15/8/2017, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án nêu trên.

Được biết, đây được coi là dự án khu đô thị mới nằm ở cửa ngõ phía Bắc của TP.Vinh, vị trí của Dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà khá thuận lợi về giao thông (gần Bến xe phía Bắc và Sân bay Vinh…) được quy hoạch trên diện tích rộng hơn 34.831,17m2 để xây dựng các công trình nhà ở, đất ở biệt thự, đất ở liền kề…

Dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà hiện được rào bằng tôn kín bưng

Hiện, dự án nói trên đã tiến hành thi công được các hạng mục như đường giao thông, trồng cây xanh, san lấp mặt bằng, mương thoát nước, hệ thống đèn điện chiếu sáng…

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khuôn viên dự án này hiện còn tồn tại một kho thuốc bảo vệ thực vật cũ chưa được xử lý của chủ khu đất trước đây là Công ty CP Hóa chất Vinh để lại.

Theo văn bản 4751/STNMT-QLĐĐ, ngày 15/8/2018 về việc tham mưu xử lý các vấn đề liên quan dự án Khu nhà ở đô thị Sơn Hà, tại xã Nghi Liên, TP Vinh của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An gửi UBND tỉnh Nghệ An có nêu rõ về nội dung trên.

Hạ tầng bên trong dự án trên đã được thi công các hạng mục như đường giao thông, trồng cây xanh, san lấp mặt bằng, mương thoát nước, hệ thống đèn điện chiếu sáng…khá hoàn thiện

Theo đó, kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật trong khu vực dự án của Công ty cổ phần xây dựng Sơn Hà là điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại kho hóa chất Vinh thuộc Công ty cổ phần Hóa chất Vinh, huyện Nghi Lộc (nay là xã Nghi Liên, TP Vinh). Điểm tồn lưu này thuộc Phụ lục I (Danh mục điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) ban hành kèm theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, trong dự án còn tồn tại điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật thuộc Phụ lục I (Danh mục điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng) ban hành kèm theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Được biết, liên quan đến kho hóa chất này, năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án Điều tra, đánh giá xác định phạm vi và mức độ ô nhiễm, xây dựng dự án xử lý các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật cần xử lý đến năm 2015 trên địa bàn huyện Nghi Lộc (bao gồm 14 điểm) tại Quyết định số 5340/QĐ-UBND.ĐC ngày 25/12/2012 trong đó có điểm tồn lưu nêu trên.

Trên cơ sở kết quả thực hiện điều tra, khảo sát của đề án, đơn vị thực hiện đã tiến hành xây dựng dự án xử lý đối với điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại Kho hóa chất Vinh trình các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.

Trong các ngày 20/5/2020 và ngày 09/6/2020 Công ty CP Xây dựng Sơn Hà lần lượt có các Công văn số 35/SH-VB và 36/SH-VB gửi Sở TN&MT tỉnh Nghệ An về việc đề nghị thẩm định phương án cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm thuốc BVTV. Sau khi xem xét, ngày 22/6/2020, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã ra văn bản số 2928/STNMT-BVMT về việc phê duyệt phương án cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm thuốc BVTV tồn lưu trong phạm vi dự án khu nhà ở đô thị Sơn Hà tại xã Nghi Liên, TP Vinh để gửi UBND tỉnh Nghệ An.

Một góc khu vực ô nhiễm sát với con đường nhỏ giáp khu dân cư

Cụ thể, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng Sơn Hà phải triển khai thực hiện cô lập đất ô nhiễm theo khối lượng được phê duyệt tại phương án: Thể tích đất vùng ô nhiễm nguy hiểm là 154,13m3; thể tích đất vùng ô nhiễm nặng là 365,64m3; thể tích đất vùng ô nhiễm trung bình là 1.081,725m3 và thể tích đất vùng ô nhiễm nhẹ là 1.609,176m3.

Vào chiều ngày 23/12/2020, PV đã có mặt tại hiện trường dự án nêu trên. Theo ghi nhận của PV thì toàn bộ diện tích dự án này đã được chủ đầu tư rào kín bưng bằng hệ thống tôn. Các ô xử lý thuốc BVTV cũng được rào kín bằng một lớp tôn khác. Vòng ra phía sau dự án giáp ranh với con đường nhỏ ở khu dân cư hướng sân bay Vinh là công trường đang được rào kín bằng lớp tôn cao quá đầu người. Xung quanh đơn vị thi công đã đào sẵn hệ thống mương khá sâu, rộng khoảng hơn 1m, bên cạnh là hệ thống máy bơm nước đang hoạt động và bơm nước lên một chiếc bình, nước chảy tràn đầy con mương mới được đào. Khi có mặt tại đây, một mùi hắc hết sức khó chịu (nghi là mùi thuốc BVTV) bao trùm cả khu vực.

Khu vực mới được "khởi động" để thực hiện cô lập, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm thuốc BVTV

“Khu vực rào kín tôn đó là kho thuốc BVTV cũ. Nghe nói đơn vị thi công dự án này đang tiến hành cô lập kho thuốc BVTV cũ nói trên mà Công ty CP hóa chất Vinh bỏ lại từ hàng chục năm trước. Ở khu vực này mùi kinh lắm, mùi hắc hết sức khó chịu” – Một người dân sống cách đó không xa, cho PV hay.

Được biết, tại Khoản 3, Điều 13 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường quy định: “Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất để sử dụng cho mục đích khác thì phải lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trình UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường trước khi sử dụng đất”.

Bên trong khu đất được rào kín bưng bằng tôn có nhiều vết đảo mới nham nhở

Có thể nói, việc chủ đầu tư dự án nêu trên hiện mới chỉ đang trong giai đoạn “khởi động” phương án xử lý, cô lập khu vực bị ô nhiễm tồn lưu thuốc BVTV nhưng đã triển khai xây dựng hạ tầng dự án nêu trên là điều hết sức khó hiểu. Mặt khác, theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm thuốc BVTV thì phương án cô lập nêu trên chưa phải là phương án có thể xử lý triệt để ô nhiễm từ kho thuốc BVTV nguy hiểm nêu trên.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP