Giáo dục

Trả tiền giảng viên mời gọi người học thạc sĩ: Nực cười

Theo chuyên gia, đây là cảnh báo đối với Bộ GD-ĐT trong việc kiểm soát, chấn chỉnh chất lượng đào tạo, tránh để biến thành bệnh thành tích.

Một thống kê của được đưa ra tại hội thảo công tác tuyển sinh sau đại học - thực trạng và giải pháp diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM mới đây cho thấy, trong năm học 2017 - 2018, số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ vào các cơ sở giáo dục đại học tư thục tăng trên 70% trong khi trường công lập giảm 1,6%.

Vì vậy, có ý kiến đề xuất trả tiền cho giảng viên để mời gọi thí sinh vào học thạc sĩ. Chẳng hạn, mỗi học viên cao học vào học tại khoa sẽ được trường trả cho thầy cô mời gọi 1 triệu đồng.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đã bật cười khi nghe đề xuất trên và cho rằng đó là chuyện nực cười.

"Học viên không phải là con nít được cho kẹo để dụ đi học, học là học cho mình", ông nói.

Về vấn đề này, ông Khuyến cho rằng Vụ Giáo dục Đại học cần lên tiếng và có giải pháp căn cơ.

Cũng theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện nay, có một số địa phương bỏ kinh phí, cử người đi học thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu địa phương cần người thực sự thì việc hỗ trợ là cần thiết, tuy nhiên, nếu không cần mà vẫn đổ tiền ra cử người đi học thì đó là bệnh thành tích. Chưa kể, người đi học học thật hay học dởm lại là chuyện khác.

"Thực hư chưa rõ thế nào nhưng nó cũng là cảnh báo đối với Bộ GD-ĐT trong việc kiểm soát, chấn chỉnh chất lượng đào tạo, tránh để biến thành bệnh thành tích", TS Lê Viết Khuyến nói.

Có ý kiến cho rằng cần kêu gọi các thầy cô tham gia sâu hơn nữa công tác tuyển sinh sau đại học

Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc kêu gọi các thầy cô tham gia sâu hơn nữa công tác tuyển sinh sau đại học, thậm chí có chế độ cho các giảng viên thực hiện nhiệm vụ này chỉ là một giải pháp nhỏ mà thôi. Giải pháp cơ bản nhất vẫn là làm thế nào để cho thương hiệu của cơ sở đào tạo được mọi người biết đến và đó phải là nơi đào tạo có chất lượng thực chất.

"Quan trọng là người học phải thấy tin tưởng được chất lượng của cơ sở đào tạo từ đó mới vào học.

Thế nên, khi các cơ sở giáo dục đại học công lập gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh sau đại học, không thu hút được thí sinh vào học thạc sĩ thì trước hết phải xem lại chất lượng đào tạo của mình đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay chưa; hiệu quả của công tác truyền thông đến đâu...

Khi trường đào tạo có chất lượng thì "hữu xạ tự nhiên hương", thí sinh tự khắc tìm đến học. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, bằng nhiều cách, nhà trường cần tận dụng sức mạnh truyền thông để quảng bá, làm cho người học biết mà tìm đến", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chỉ rõ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT dẫn lại số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 và thạc sĩ là 43.065, chưa tính tới số thạc sĩ tại các khu vực hành chính, quản lý nhà nước.

Cũng theo thống kê năm 2017, cả nước có khoảng 237.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đang thất nghiệp.

"Rõ ràng Việt Nam không thiếu thạc sĩ, phải xem lại tiêu chuẩn như thế nào thì đạt thạc sĩ. Nếu các trường hạ thấp yêu cầu thì tự nhiên học viên vào học thạc sĩ nhiều, nhưng chất lượng đầu ra kém.

Người học thạc sĩ không chỉ đòi hỏi phải tự học mà còn bắt đầu phải có nghiên cứu và ngoại ngữ, công nghệ thông tin chính là hai công cụ quan trọng giúp cho việc học có chất lượng. Người học phải biết tự giải quyết, phát triển vấn đề và từ những gì học được, nghiên cứu được phải biết ứng dụng vào thực tế, đem lại lợi ích cho xã hội.

Như vậy có nghĩa Bộ GD-ĐT phải đưa ra các tiêu chí để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Tại hội thảo công tác tuyển sinh sau đại học - thực trạng và giải pháp diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, theo TS Dương Minh Quang, Phó trưởng khoa Giáo dục Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thống kê từ Bộ GD-ĐT trong năm học 2017 - 2018 cho thấy số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ trên 45.000 người (tăng 7,6% so với trước đó).

Đáng chú ý, người ở các cơ sở giáo dục đại học công lập trên 39.000 (giảm 1,6% so với năm trước đó). Trong khi cơ sở đại học tư thục tăng tới trên 70% (với 5.763 người).

Từ số liệu này, ông Quang cho rằng đây là điều đáng báo động và sự cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở công lập. Do đó, các trường công cần chủ động và linh hoạt hơn trong công tác tuyển sinh sau đại học.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất việt

  Từ khóa: Bộ GD-ĐT , thạc sĩ , giảng viên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP