Giáo dục

Trận chung kết Olympia kỳ lạ nhất trong lịch sử

Sau bao nhiêu năm, trận chung kết này vẫn được xem là đặc biệt nhất đối với khán giả.

Đường Lên Đỉnh Olympia là chương trình truyền hình yêu thích của rất nhiều thế hệ. Bắt đầu lên sóng từ năm 1999, Olympia đã nhanh chóng trở thành một trong những sân chơi học thuật uy tín, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trên khắp cả nước. Tại nơi đây, các bạn học sinh có cơ hội thể hiện kiến thức và tài năng của mình qua các vòng thi đầy thử thách với nhiều lĩnh vực như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh hay các kiến thức xã hội.

Chương trình diễn ra đều đặn qua các vòng thi Tuần, Tháng, Quý để chọn ra 4 nhà leo núi xuất sắc nhất mỗi Quý góp mặt vào trận Chung kết năm. 4 nhà leo núi đó sẽ cùng tranh tài và tìm ra nhà vô địch cuối cùng - người sẽ sở hữu phần thưởng là vòng nguyệt quế danh giá cùng suất học bổng trị giá 35.000 USD (năm gần nhất đã tăng lên thành 50.000 USD).

Thế nhưng, trong lịch sử 24 năm phát sóng của Olympia có một trận chung kết mà số thí sinh góp mặt không chỉ dừng lại ở con số 4. Trận chung kết năm đặc biệt đó xảy ra cách đây 15 năm với tổng cộng 5 nhà leo núi góp mặt. Đến nay, trận chung kết này vẫn được xem là đặc biệt nhất đối với khán giả.

Nguồn cơn của sự việc

Sự việc bắt nguồn từ trận thi Quý 3 Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 9. Trong trận thi quý đó, nam sinh Bạch Đình Thắng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) - 1 trong 4 thí sinh, nhận được một câu hỏi về sáu hệ trong cơ thể người.

Sau khi Đình Thắng đưa ra câu trả lời, thầy Trần Hồng Hải - cố vấn môn sinh học trong trận thi hôm đó, cho rằng nam sinh chỉ trả lời đúng năm hệ. Hệ thứ sáu là hệ vận động chứ không phải hệ nội tiết như Thắng trả lời.

Tuy nhiên, Đình Thắng vẫn nhất quyết cho rằng mình đã trả lời đúng. Để thuyết phục hơn, đạo diễn chương trình Tùng Chi đã gọi điện thoại cho ba chuyên gia về y học tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Sau khi nghe toàn bộ sự việc, cả ba vị này đồng tình với ý kiến của ban cố vấn và kết luận Thắng đã trả lời sai vì "chỉ có tuyến nội tiết chứ không có hệ nội tiết".

Những lập luận của các chuyên gia được công khai ngay tại trường quay. Cũng vì thế mà Thắng bị trừ 30 điểm do trả lời sai câu hỏi có ngôi sao hy vọng. Kết quả chung cuộc, chiến thắng thuộc về thí sinh Hồ Ngọc Hân (trường THPT Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế) với 275 điểm còn Bạch Đình Thắng chỉ về Nhì và không có vé vào chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 9.

Kết quả ban đầu, Đình Thắng về Nhì trong trận thi Quý 3 của Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 9

Thí sinh gửi đơn khiếu nại

Kết quả tưởng đã ngã ngũ, nhưng không lâu sau đó, gia đình Đình Thắng đã gửi khiếu nại đến chương trình, kèm theo cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 8 có ghi: "Hệ nội tiết là một trong các hệ của cơ thể người" .

Trước chứng cứ này, BTC đã phải mời ban cố vấn, các chuyên gia lẫn ban biên soạn sách giáo khoa Sinh học lớp 8 để thống nhất đáp án. Cuộc tranh luận không đi đến kết luận cuối cùng vì các bên đều cho rằng quan điểm của mình mới đúng.

Sau tất cả, chương trình đưa ra thông báo: "Em Thắng học thế nào thì trả lời thế ấy và câu trả lời của em được chấp nhận".

Vì đây là câu hỏi có ngôi sao hy vọng, nên Thắng đã có thêm 60 điểm. Đáng nói là tổng điểm mà Thắng nhận được bằng với tổng điểm của thí sinh giành chiến thắng ban đầu - Hồ Ngọc Hân. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh Bạch Đình Thắng cũng được công nhận là người đồng chiến thắng tại cuộc thi Quý 3 Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 9 và nam sinh cũng góp mặt vào trận chung kết.

Sự cố hy hữu này đã khiến lần đầu tiên trong lịch sử, một trận chung kết năm Olympia có đến 5 người tham gia: Bùi Tứ Quý (Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM, TP.HCM); Nguyễn Thị Thu Trang (THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng); Hồ Ngọc Hân (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế); Đào Thị Hương (THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và Bạch Đình Thắng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội).

5 thí sinh tham gia trận chung kết năm thứ 9

Những thay đổi để phù hợp với số người chơi

Tình huống bất ngờ này đã đưa chương trình vào thế khó. Tuy nhiên, BTC của Đường Lên Đỉnh Olympia đã không giấu giếm mà công khai toàn bộ diễn biến về khiếu nại của Thắng, lập luận của các chuyên gia và kết luận sửa sai của BTC trên sóng truyền hình.

BTC và nhà tài trợ phải bù thêm hơn 5.000 USD (hơn 125 triệu đồng tính theo tỷ giá ở thời điểm hiện tại) tiền giải thưởng và hiện vật cho thí sinh giành chiến thắng ngoài dự kiến ở cuộc thi chung kết. Ngoài ra, BTC cũng phải thay đổi phần mềm vi tính lẫn kết cấu câu hỏi trong cuộc thi chung kết, vốn chỉ dành cho bốn thí sinh. Và tất nhiên, kinh phí tổ chức cũng sẽ tăng lên khi phải tăng thêm ekip cho điểm cầu truyền hình thứ năm.

Còn luật chơi thì có sự thay đổi ở 2 vòng là Vượt chướng ngại vật và Tăng tốc. Phần thi Vượt chướng ngại vật vẫn sẽ có 8 hàng ngang nhưng vì dành cho 5 thí sinh nên mỗi thí sinh chỉ có một lượt lựa chọn thay vì không giới hạn lựa chọn như các cuộc thi trước, 3 từ hàng ngang còn lại sẽ bốc thăm để biết thứ tự hàng ngang và thí sinh nào được chọn.

Ngoài sự thay đổi này, số điểm dành cho mỗi thí sinh vẫn sẽ được giữ nguyên là 10 điểm cho 1 từ hàng ngang. Nếu thí sinh trả lời đúng từ hàng ngang do chính thí sinh lựa chọn sẽ được cộng thêm 5 điểm. Trong khi đó, phần thi Tăng tốc sẽ có 5 câu hỏi dành cho 5 thí sinh thay vì 4 câu hỏi như thường lệ. Tuy nhiên sẽ có sự thay đổi về số điểm dành cho các thí sinh. Thí sinh trả lời đúng đầu tiên sẽ được cộng 30 điểm, thứ hai là 25 điểm. Sau đó lần lượt là 20 điểm, 15 điểm và 10 điểm.

Hai phần thi còn lại là Khởi động và Về đích vẫn sẽ được giữ nguyên.

Kết cả chung cuộc, Hồ Ngọc Hân (THPT chuyên Quốc Học, Thừa Thiên - Huế) giành vòng nguyệt quế với 245 điểm. Về Nhì là Nguyễn Thị Thu Trang (THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng) với 190 điểm. 3 thí sinh đồng hạng 3 lần lượt là: Bùi Tứ Quý (Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM); Đào Thị Hương (THPT Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và Bạch Đình Thắng (THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội).

Kết quả chung cuộc, Hồ Ngọc Hân giành chiến thắng và Bạch Đình Thắng xếp ở vị trí thứ 3

Tác giả: Đông (tổng hợp)

Nguồn tin: Phụ nữ Mới

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP