Kinh tế

Trắng đêm làm hàng phục vụ Tết ở làng bánh gai xứ Dừa

Bánh gai xứ Dừa là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời, là món quà quê không thể thiếu cho khách khi đặt chân đến Anh Sơn nhất vào các dịp lễ Tết. Những ngày sát Tết Nguyên đán 2019, làng bánh gai xứ Dừa ở xã Tường Sơn, Anh Sơn lại rộn ràng, thức trắng đêm để gói và luộc bánh cho kịp đơn đặt hàng

Tay thoăn thoát nhặt bánh để đóng gói cho khách hàng, chị Bùi Thị Lan - chủ hàng bánh gai Đoài Lan vừa cho biết: Dịp tết này, không tính khách đặt hàng trước để làm quà mà mỗi chiếc xe khách qua đây đều dừng lại để mua đặc sản bánh gai, chính vì vậy lượng hàng tăng lên gấp đôi ngày thường.

Những ngày sát Tết Nguyên đán 2019, làng bánh gai xứ Dừa ở xã Tường Sơn, Anh Sơn lại rộn ràng làm bánh cho kịp đơn đặt hàng

Hiện nay cơ sở sản xuất bánh gai của chị lớn nhất ở đây, bình thường mỗi ngày gia đình chị tiêu thụ khoảng 5 yến bột nếp, 1 yến lá gai, 1 yến đậu xanh, 3-4 kg dừa cùi, 10 kg đường và khoảng 20 lít mật, làm ra 7000- 8000 chiếc bánh và phải thuê 20 - 25 người, còn vào dịp Tết này lượng bánh tiêu thu tăng lên gấp đôi nên gia đình chị phải thuê lên tới 40 người nhưng vẫn phải làm xuyên ngày xuyên đêm mới cung cấp đủ các đơn hàng.

Các gia đình phải làm bánh từ sáng đến tối, thậm chí thức trắng đêm mới đủ cung cấp cho khách.


“Thường ngày cơ sở của gia đình chị luôn có từ 7- 10 công nhân. Vào ngày bình thường gia đình chị làm từ 800 - 1.000 chiếc bánh. Với giá 2.500 đồng/cặp sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngày gia đình cũng thu được từ 700 - 800 ngàn đồng. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết và sau Tết khách hàng đặt và làm quà nhiểu thì số lượng bánh làm ra phải gấp đôi, gấp ba mới đáp ứng được nhu cầu. Chính vì vậy, gia đình chị phải thuê thêm người và miệt mài làm bánh từ sáng đến tối, thậm chí thức trắng đêm mới đủ cung cấp cho khách" - chị Trần Thị Hà, người gắn bó với nghề làm bánh gai hơn 10 năm nay chia sẻ.

Để cho ra sản phẩm bánh gai, người làm phải bỏ nhiều công sức vào từng khâu rất cầu kỳ từ tuyển chọn nguyên liệu.

Bánh gai xứ Dừa xã Tường Sơn huyện Anh Sơn có hương vị đặc trưng do lá gai do người dân tự trồng ven núi đá vôi, nguyên liệu làm bánh gai đều là những nông sản của vùng quê. Để cho ra sản phẩm bánh gai, người làm phải bỏ nhiều công sức vào từng khâu rất cầu kỳ từ tuyển chọn nguyên liệu gồm nếp, đậu xanh, lá gai tươi, dừa khô, đường cát trắng, dầu ăn... đến hấp bánh.

Thức trắng đêm để canh từng nồi bánh.

"Hiện nay toàn xã Tường Sơn có gần 20 cơ sở làm bánh gai, trong đó 4 hộ sản xuất chuyên nghiệp có thuê nhân công và trả lương công nhật. Mỗi ngày các hộ sản xuất chuyên nghiệp làm ra khoảng từ 1.000 chiếc bánh trở lên, còn những hộ thời vụ thì mỗi ngày làm ra khoảng 400 chiếc phục vụ người tiêu dùng" - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Sơn cho biết thêm.

Bánh gai xứ Dừa xã Tường Sơn huyện Anh Sơn có hương vị đặc trưng.

Tính ra, mỗi ngày trung bình người làm bánh gai tại xã Tường Sơn sản xuất khoảng từ 20.000- 50.000 cái bánh gai. Con số này những tuần giáp tết có thể gấp 2 - 3 lần. Vì vậy vào thời điềm 2 tháng gần tết nhà nào cũng bận rộn, tất bật hơn vừa thuê thêm nhân công, vừa tăng cường làm cả ban đêm, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.

Vào những ngày giáp Tết và sau Tết khách hàng đặt và làm quà nhiểu hơn gấp đôi ngày thường.

Mặc dù thức trắng đêm, vất vả không kém nhưng những người làm bánh gai ở Tường Sơn cũng vui không kém bởi sản phẩm của họ được khách hàng ưa chuộng và một cái tết cũng ấm cúng, đủ đầy hơn của mỗi gia đình cũng nhờ vào những chiếc bánh gai này.

Tác giả: Thái Hiền

Nguồn tin: truyenhinhnghean.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP