Tin trong tỉnh

Tranh chấp đất tại Lâm trường Đồng Hợp (Nghệ An): Ai mới là chủ nhân thực sự?

Xung quanh việc tranh chấp đất rừng giữa người dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp và Lâm trường Đồng Hợp đến nay vẫn chưa có hồi kết. Vậy ai mới là chủ nhân thực sự của khu đất này?

Tranh chấp đất đai không còn là vấn đề mới mẻ ở tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai. Kết luận của các cơ quan chức năng về những vụ việc tranh chấp đất đai cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tranh chấp là do công tác quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo, các quy định của pháp luật về đất đai còn thiếu chặt chẽ. Sự việc tranh chấp đất đai giữa người dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp và Lâm trường Đồng Hợp là một minh chứng điển hình.

Người dân nói, đất rừng là do khai hoang

Liên quan tới phản ánh của công dân về việc cấp đất cho Lâm trường Đồng hợp trái quy định của pháp luật, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, soát xét, chỉ đạo hướng dẫn UBND huyện Quỳ Hợp giải quyết vụ việc.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, đây là vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan tới nhiều đối tượng, kéo dài đã lâu. Do đó, đơn vị này đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho gia hạn thời gian kiểm tra, soát xét vụ việc.

Công văn chỉ đạo giải quyết vụ việc của UBND tỉnh Nghệ An

Trước đó, gần 100 hộ dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã ký đơn tập thể gửi cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ chủ sở hữu đất thực sự tại Lâm trường Đồng Hợp.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, năm 1980, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước nhiều hộ dân tại xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã tự nguyện xung phong lên xã miền núi Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An để xây dựng vùng kinh tế mới, đây được xem là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng lúc bấy giờ.

“Sau khi lên, những hộ dân chúng tôi phải đối mặt với muôn trùng khó khăn, đồi núi hoang vu, rậm rạp, thiếu thốn đủ đường, tưởng trừng như muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, với quan niệm “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm” chúng tôi đã ở lại, bám trụ, khai hoang, phát nương, làm rẫy, trồng các loại cây (ngô, khoai, sắn, đậu…) để có lương thực sinh sống qua ngày. Từ năm 1980 đến năm 1993, những hộ dân chúng tôi sinh sống ổn định trên khu đất này (đất ở, đất khai hoang) và coi như là quê hương thứ 2 của mình”, nội dung đơn nêu rõ.

Một trong những khu đất được cho là đang tranh chấp

Năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã ký ban hành văn bản số 327-CT quyết định một số chủ trương chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước . Nội dung cốt lõi của văn bản này nêu rõ: “động viên cao độ sức lực, trí tuệ, tiền của của mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, tham gia các dự án về sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước…” (gọi tắt là Dự án 327).

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Quý, một người dân xóm Long Thành cho biết: “Thực hiện chủ trương trên, ở tỉnh Nghệ An, từ năm 1993 – 1997 chính quyền đã giao cho Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu xuống từng hộ dân vận động chúng tôi trồng rừng trên chính mãnh đất mà chúng tôi đã khai hoang từ những năm 1980. Khi được Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu vận động trồng rừng theo Dự án 327 người dân chúng tôi rất hồ hởi ủng hộ, vì chúng tôi nghĩ rằng, đây là chủ trương lớn, nhà nước và nhân dân cùng làm, có lợi cho người dân chúng tôi.

Mười năm sau (năm 2007 – 2008), Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu tiến hành thu hoạch lâm sản đợt đầu tiên của Dự án 327. Sau khi bán lâm sản thì người dân chúng tôi được hưởng 66% giá trị, Lâm trường Sông Hiếu hưởng 34% giá trị (lâm trường hỗ trợ cây giống và tiền công phát thực bì)”.

Ông Phạm Văn Quý đang hồi tưởng lại thời gian khó khăn khi mới lên xã Tam Hợp xây dựng vùng kinh tế mới

Cũng theo các hộ dân, năm 2009, chính quyền xã Tam Hợp cùng với cán bộ của Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu xuống từng hộ dân ký hợp đồng trồng rừng trên diện tích mà họ mới thu hoạch ở Dự án 327 (người dân cho rằng, đây là diện tích đất do các hộ dân khai hoang từ năm 1980).

“Nội dung hợp đồng giữa Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu và các hộ dân nói rõ tỷ lê ăn chia là người dân hưởng 49%, lâm trường hưởng 51% giá trị (lâm trường hỗ trợ giống, phân bón, công chăm sóc). Thời điểm này, nhiều hộ dân chúng tôi đã không đồng ý với nội dung trên. Tuy nhiên phía lâm trường và chính quyền “động viên” nên chúng tôi đành ký.

Năm 2019, Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu đang có chủ trương thu hoạch lâm sản. Thực tế đã có nhiều hộ dân đã thu hoạch xong. Vì thấy việc ký hợp đồng trồng rừng với Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu mang lại hiệu quả không cao nên các hộ dân chúng tôi quyết định, thu hoạch xong lần này, chúng tôi không ký hợp đồng trồng rừng với Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu nữa mà tự trồng. Thế nhưng, sau khi thu hoạch xong, một số hộ dân mua cây về trồng thì Công ty TNHH MTV LNN vào can thiệp, không cho trồng. Việc này chúng tôi đã báo cáo chính quyền, nhưng không được xử lý triệt để.

Khi chúng tôi nói, đây là đất chúng tôi khai hoang và có quyền sử dụng thì chính quyền sở tại và Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu cho hay, đây là đất của Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu. Chúng tôi đề nghị chính quyền và lâm trường cung cấp hồ sơ để chứng minh lời nói trên thì họ trả lời rất chung chung, không cung cấp được hồ sơ, chúng tôi không đồng ý với kiểu trả lời trên”, ông Hồ Văn Thắng, người dân xóm Long Thành thông tin.

Lâm trường nói, được nhà nước giao đất đúng quy định?

Theo UBND huyện Quỳ Hợp, Lâm trường Đồng Hợp là đơn vị con của Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu (tiền thân là Công ty Công nghiệp rừng Sông Hiếu) đã được Tổng cục Lâm nghiệp giao quản lý toàn bộ diện tích rừng và đất rừng đã quy hoạch thuộc khu kinh tế lâm nghiệp Sông Hiếu cho Công ty công nghiệp rừng Sông Hiếu tại Quy định số 1874/TC/LN ngày 6/9/1965 của Tổng cục Lâm nghiệp về nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức bộ máy Công ty công nghiệp rừng Sông Hiếu.

Công văn trả lời kiến nghị của người dân xóm Long Thành của UBND huyện Quỳ Hợp

Đến năm 1973 thì được Tổng cục Lâm nghiệp đổi tên thành Công ty liên hợp lâm nghiệp Sông Hiếu tại Quyết định 93/QĐ ngày 19/3/1973, trong đó có giao tổ chức thực hiện công tác quản lý đối với tài nguyên rừng và đất rừng trên phạm vi, diện tích đã quy hoạch cho khu vực Sông Hiếu được Hội đồng Chính phủ giao theo Quyết định số 31-CP ngày 8/3/1965 về quy hoạch khu lâm nghiệp và công nghiệp Sông Hiếu. Đến năm 1974 thì được đổi tên thành Công ty lâm nghiệp Sông Hiếu. Đến năm 1981 thì chuyển Công ty lâm nghiệp Sông Hiếu thành Liên hiệp lâm công nghiệp Sông Hiếu theo Quyết định số 139TC ngày 01/04/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1989, Lâm trường Đồng hợp được thành lập trực thuộc Liên hiệp lâm công nghiệp Sông Hiếu. Theo đó, Lâm trường Đồng Hợp được giao quản lý trên phạm vi các xã Tam Hợp, Yên Hợp, Đồng Hợp và một phần xã Thọ Hợp...

Năm 2003, Lâm trường Đồng Hợp được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định số 694/QĐ-UBND,ĐC trong đó, tại xã Tam Hợp huyện Quỳ Hợp là 728 ha và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành X327472.

UBND huyện Quỳ hợp cho rằng, việc sử dụng đất của Lâm trường Đồng Hợp thuộc Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu đã được quy hoạch giao quản lý rừng và đất từ năm 1965 đến nay là liên tục. Một số hộ dân xóm Long Thành, xã Tam hợp đang sử dụng trong phạm vi đất của lâm trường được giao quản lý là thuộc quyền quản lý, sử dụng đất của Lâm trường Đồng hợp thuộc Công ty TNHH LNN Sông Hiếu.

Làm việc với phóng viên, đại diện Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu cũng khẳng định, họ được giao nhiệm vụ đối với tài nguyên rừng và đất rừng trên phạm vi, diện tích đã quy hoạch. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cơ quan này cung cấp hồ sơ liên quan tới vấn đề xác lập vai trò quản lý nhà nước đối với diện tích đất nói trên bằng văn bản (việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao từ năm 1965 trở về đây) nhưng bị từ chối với lý do “cần thời gian để tổng hợp hồ sơ”.

Để làm rõ thêm vấn đề cấp quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu, phóng viên đã liên hệ với cơ quan có thẩm quyền là UBND huyện Quỳ hợp, nhưng bị cơ quan này từ chối khéo với lý do “bận” hoặc “bị ốm”.

Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp

Xung quanh nội dung này, một số hộ dân đặt nghi vấn, nếu UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X327472 cho Lâm trường Đồng Hợp là đúng quy định, vậy tại sao lại cấp chồng lên đất ở, đất canh tác của các hộ đang sử dụng? Không có quyết định thu hồi đất, đền bù? Thẩm quyền xác nhận để cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Đồng Hợp phải là Sở Địa chính vậy tại sao UBND xã Tam Hợp lại có tờ trình xác nhận và đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị này? Việc xác nhận này có đúng thẩm quyền không?

Nếu chính quyền huyện Quỳ Hợp và Công ty TNHH MTV LNN Sông Hiếu khẳng định đây là đất của Công ty thì căn cứ vào hồ sơ tài liệu nào? có bản đồ không? Tại sao không cung cấp cho người dân chúng tôi biết?

Như vậy, từ những nội dung đã nêu trên cho thấy, kiến nghị của người dân xóm Long Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp là có cơ sở. Do đó, đề nghị chính quyền tỉnh Nghệ An khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp cho cả người dân và doanh nghiệp.

Tác giả: Thiên Vân

Nguồn tin: tamnhin.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP